Trường Lũy - Một kiến trúc nghệ thuật độc đáo

11:02, 18/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trường Lũy là công trình mang nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, được xây dựng bằng mồ hôi, công sức và sự hợp tác giữa hai cộng đồng người Hrê và người Việt.

TIN LIÊN QUAN

Trường Lũy chạy dọc theo dãy Trường Sơn Đông và đi qua nhiều địa hình khác nhau, nên việc xây dựng nó cũng rất đa dạng...

Kỳ tích của con người và thiên nhiên

Trường Lũy là một di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, không chỉ của Quảng Ngãi, Bình Định hay Quảng Nam mà còn là của quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho hay: Theo các bộ chính sử của triều Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn và những trang sử liệu khác, khoảng giữa thế kỷ XVI, một vài đồn (bảo) ở miền tây Quảng Ngãi được Trấn quận công Bùi Tá Hán, vị quan trấn thủ vùng đất Quảng Nam xưa (bao gồm phần đất Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hiện nay) cho xây dựng, nhằm kiểm soát giao thương và bình định vùng miền núi phía tây của tỉnh Quảng Ngãi.

Nhiều lũy qua Nghĩa Hành vẫn còn nguyên hiện trạng.
Nhiều lũy qua Nghĩa Hành vẫn còn nguyên hiện trạng.


Đến năm 1750, khi được cử làm Tuần vũ Quảng Ngãi, Đại Am Nguyễn Cư Trinh cũng tiếp tục cho xây dựng một số đồn (bảo) khác trên vùng đất này. Tuy nhiên, để có một Trường Lũy dài hàng trăm cây số, nối kết hàng trăm đồn (bảo) lại với nhau, hình thành một hệ thống đồn - lũy liên hoàn, chạy từ huyện Hà Đông (Quảng Nam) đến phía bắc phủ Bồng Sơn (Bình Định) phải nhờ đến công sức của hàng nghìn binh lính và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đặc biệt là nhân dân các dân tộc Kinh, Hrê ở Quảng Ngãi cùng nhau xây dựng vào năm 1819 dưới sự chỉ huy của Tả quân Lê Văn Duyệt, người gốc làng Bồ Đề, nay thuộc xã Đức Nhuận (Mộ Đức).

Theo các bộ chính sử của triều Nguyễn thì Trường Lũy thuở ấy dài 117 dặm, 115 bảo, mỗi bảo có khoảng 10 lính canh gác, nhằm kiểm soát việc qua lại và giao thương giữa hai vùng. Điều đó cho thấy thời gian và không gian xây dựng và hoàn thành Trường Lũy khá độc đáo, khó có di tích nào được xây dựng lâu và dài như vậy.
 

Tuyến lũy dài 127,4km, trong đó trên đất Quảng Ngãi có 113km, chạy qua 8 huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ với trên 30 xã. Hiện còn hơn 70 đồn (bảo) tương đối nguyên vẹn; tiêu biểu như: Di tích Thiên Xuân, di tích Khánh Giang (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành); di tích Rum Đồn (Rừng Đồn) và di tích đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành)... Năm 2011, được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đánh thức tiềm năng

 Trường Lũy không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử mà còn có giá trị kinh tế, nhất là đối với việc phát triển du lịch. Vì thế, Trường Lũy là 1 trong 9 công trình được ưu tiên đầu tư tôn tạo của ngành văn hóa giai đoạn 2016-2020. Anh Hà Thanh Quang - Chuyên viên Phòng VH-TT huyện Nghĩa Hành, cho biết: Đoạn Trường Lũy qua Nghĩa Hành có chiều dài 34,7km qua các xã Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Minh, Hành Thiện, Hành Tín Tây, Hành Tín Đông.

Phần lớn các lũy còn tương đối nguyên vẹn. Ngành  đã tuyên truyền để người dân hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử của công trình để chung tay bảo vệ. Còn với huyện Trà Bồng, coi đây là di sản góp phần cùng các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của huyện. Trong khi đó, Trưởng Phòng VH-TT huyện Trà Bồng Nguyễn Thanh Tùng, mong muốn: Về lâu dài, chúng ta cần xây dựng các hệ thống bia, bảng để người dân địa phương và du khách thập phương biết, nhằm phát huy giá trị của di tích”.

Cùng với Trường Lũy, khu vực miền núi và vùng trung du của tỉnh là những địa bàn có nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể... Ở đấy, sự chân chất, mộc mạc của người dân, cùng với những báu vật, không gian văn hóa được thiên nhiên ban tặng đã hội đủ điều kiện để phát triển loại hình du lịch khám phá, homestay... góp phần  đưa ngành công nghiệp không khói của Quảng Ngãi phát triển.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.