Chung một dòng sông

07:07, 11/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chung một dòng sông, nhưng làng Giao bên này nước ngọt đầy ăm ắp, còn làng Hòa bên kia sông, nhà nào cũng khoan thử năm, bảy giếng mà toàn gặp nước phèn. Bởi vậy nên người làng Hòa quý nước, chắt chiu từng giọt nước... như thể nó được chắt ra từ mồ hôi, nước mắt của những con người lam lũ ở làng Hòa...

Ở làng Giao, mỗi nhà đều có vài ba cái giếng nước ngọt. Nước ngọt không chỉ để uống, sinh hoạt, mà còn để tưới cho rau màu quanh năm. Mạch nước ngọt ở làng Giao dồi dào đến mức,  người làng Giao không cần nối sợi gàu dài, chỉ cần đoạn dây dừa ngắn tầm ba gang tay, là gàu nước đã chạm được vào nước giếng.

Ngay cả những tháng nắng hạn nhất của miền Trung, nơi nào thiếu nước, đất đai nứt nẻ đâu không biết, chứ ở làng Giao, nước giếng nào cũng đầy. Được trời phú cho mảnh đất màu mỡ, nước ngọt lại đong đầy, nên người làng Giao có thể trồng rau màu quanh năm. Bởi vậy, làng Giao được mệnh danh là “thủ phủ” rau màu của tỉnh.

Còn làng Hòa, nguồn nước sinh hoạt lúc nào cũng đỏ au màu phèn, khiến người làng Hòa khó khăn trăm nỗi. Bất kể sáng sớm, trưa nắng hay đêm hôm, đều thấy từng tốp người làng Hòa vượt qua các con đường dốc sang các làng lân cận mua nước, rồi lại kĩu kịt đưa những thùng nước nặng trĩu về nhà.

 


Vất vả là vậy, nhưng người làng Hòa lạc quan lắm. Vừa đi gánh nước, họ lại vừa kể chuyện cho nhau nghe thật rôm rả. Câu chuyện về việc ông Tú vừa mới mua được máy lọc nước có thể lọc được phèn, câu chuyện về bà Thương đón cháu ngoại đi học về xong chợt khóc hu hu. Bà Thương bảo, bà xót cháu, khi nhìn thấy cả đám học sinh ùa ra cổng trường, đứa nào cũng áo trắng tinh, chỉ riêng cháu bà và mấy đứa làng Hòa là áo trắng cứ đùng đục, xỉn màu vì giặt trong nước phèn. Cả “chuyện buồn” của thằng Tư, khi đi tỏ tình, bị người ta từ chối vì không muốn về làm dâu làng “nước phèn”...  cũng được mọi người mang ra “mổ xẻ”, bàn tán... Hết chuyện này rồi lại đến chuyện kia, những câu chuyện cứ thế nối tiếp theo những bước chân, tiếng đòn gánh kĩu kịt, nặng trĩu...

Thương người làng cứ phải oằn vai gánh nước, một người làng Hòa xa quê ngỏ lời sẽ hỗ trợ kinh phí khoan giếng, dẫn nước từ làng Giao, băng qua con sông Kênh về với làng Hòa. Rồi đây, mạch nước của làng Giao sẽ “cứu” người làng Hòa khỏi cơn khát. Trẻ em ở làng Hòa sẽ thôi không còn tự ti mặc những chiếc áo trắng dần dà bị ố vàng vì giặt nước nhiễm phèn. Các cụ già tuổi cao, sức yếu ở làng Hòa sẽ không phải còng lưng đi xin từng can nước về rửa rau... Những chữ “sẽ”...  cứ thế được người làng Hòa vẽ cho dài thêm, đầu làng, cuối xóm.

Ngày mà các “bô lão” của làng Hòa lên UBND xã và qua làng Giao xin phép được khoan giếng cũng là ngày, các chị em phụ nữ làng Hòa nghỉ hết việc đồng áng để ở nhà chờ tin. Hồi hộp, kỳ vọng là thế, vậy mà đùng một cái, mọi người nghe tin, việc khoan giếng không thể thực hiện được. Hỏi ra mới biết, chính quyền địa phương thì đã chấp thuận rồi, nhưng người làng Giao lại không đồng ý cho người làng Hòa khoan giếng bên phần đất của làng mình.

Người làng Giao sợ công trình sẽ khiến mạch nước ngầm làng Giao hao hụt, sụt giảm.  “Nước ngầm đâu phải là niêu cơm Thạch Sanh cứ thế đầy mãi. Sẻ nước cho bên ấy, lỡ như mạch nước ngầm cạn, thì bên này phải làm sao”, ông Mạnh bên làng Giao khăng khăng. Thấy ý ông Mạnh “hợp tình, hợp lý”, ông Tám, bà Ba, chú Bảy… bên làng Giao cũng “đồng lòng”. Bao lần người làng Hòa sang sông gặp ông Mạnh để thuyết phục, song ông Mạnh cứ lắc đầu nguầy nguậy. Ông Mạnh khư khư giữ lấy mạch nước của làng, vì ông bảo ông không muốn có lỗi với con cháu mai sau…

Trước thái độ khăng khăng của ông Mạnh cùng mười mấy hộ dân làng Giao, người làng Hòa đành ngậm ngùi chôn chặt niềm hy vọng vừa mới nhen nhóm. Thỉnh thoảng, trong lúc ra đồng chăm sóc rau màu, ông Mạnh lại áy náy trong lòng khi thấy người làng Hòa nối đuôi nhau qua làng ông mua nước, xin nước. Nhưng rồi dần dà, sự áy náy đó trong ông cũng tan biến đi. Mãi cho đến hôm nay, khi  đứa con gái út của ông dẫn con rể tương lai về giới thiệu: “Nhà anh với nhà mình gần lắm ba ơi. Nhà ảnh bên làng Hòa, chỉ cách bên mình một dòng sông chứ mấy...”.

Lúc này ông Mạnh  mới chua chát giật mình. Đứa con gái út mà ông hết mực thương yêu rồi sẽ sang sông làm dâu. Rồi sẽ giống những người phụ nữ làng Hòa mà ông gặp hàng ngày – oằn vai xách nước giữa buổi trưa hè nắng cháy da. Rồi cháu ông mai này, ngoài những bài học vỡ lòng về học ăn, học nói, học gói, học mở; lại phải học cách tằn tiện từng ca nước rửa mặt, rửa chân...

Rồi biết đâu, lúc nó lớn lên bên ấy, nghe chuyện ông từ chối, không cho đào giếng, nó lại chẳng giận ông, buồn ông. Nghĩ đến đấy, ông không cho phép mình nghĩ nữa. Ông chuyển sang nghĩ về những giếng nước đầy ăm ắp phía sau nhà mình. Nghĩ về một đường ống dẫn nước từ bờ bên này sang bờ bên kia…

Ý THU
 


.