Giếng làng báu vật của làng quê

01:05, 16/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo thời gian, nước máy "lên ngôi", những cái giếng làng dần rơi vào quên lãng. Nhưng đâu đó, trong ký ức của người dân nhiều địa phương ở Quảng Ngãi, giếng làng có giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc, được dân làng gìn giữ, nâng niu, xem như báu vật.

Dấu ấn của thời gian

Về xã Tịnh Minh, đi dọc cánh đồng quê, giếng làng ở thôn Minh Thành nằm lặng im dưới tán cây sung rợp bóng mát, tạo thành một bức tranh quê bình yên ru lòng người. Các bậc cao niên trong thôn đưa tay chỉ về phía cái giếng làng cười hiền, bảo: "Báu vật của làng chúng tôi đó". Rồi họ kể cho chúng tôi nghe về giá trị của cái giếng làng nơi đây.

Bà Liễn kể cho con cháu nghe về giá trị của giếng làng và dặn dò phải biết trân trọng.
Bà Liễn kể cho con cháu nghe về giá trị của giếng làng và dặn dò phải biết trân trọng.


Giếng làng ở thôn Minh Thành có từ năm 1930. Người dân chọn đào giếng bên cạnh cánh đồng ruộng vì mạch nước ở đây rất dồi dào. Nguồn nước giếng không chỉ phục vụ cho người dân xã Tịnh Minh mà cả người dân xã Tịnh Sơn cũng dùng. Do vậy, tình bà con làng xóm hai xã trở nên gần gũi, gắn kết.

Bà Võ Thị Liễn (80 tuổi), nhà bên cạnh giếng làng trầm ngâm nhớ lại: Người dân đi gánh nước đông nhất là vào khoảng thời gian buổi sáng sớm và chiều tối. Hai xã cùng dùng chung nguồn nước nên có khi xếp cả một hàng rất dài. Trong thời gian đợi tới lượt mình, họ cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện làng, chuyện xóm. Lúc đó, tuy cực nhưng rất vui. Người dân quê chúng tôi còn có quan niệm, cứ sau giao thừa, việc đầu tiên ra khỏi nhà là phải tới múc nước ở giếng làng về uống để cầu mong một năm bình an, may mắn.

Còn giếng làng ở xóm 1, thôn Hòa Phú, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) theo các vị cao niên cũng không biết giếng có chính xác từ bao giờ, họ chỉ biết rằng nó có cách đây vài trăm năm, thông qua lời kể của lớp người đi trước. Chính vì vậy, giếng làng nơi đây được xem là nơi lưu giữ, chứng kiến bao sự thăng trầm, thay đổi của làng quê Hòa Phú. Nhà nằm sát bên giếng làng, ông Nguyễn Văn Định (75 tuổi) không thể nào quên được khoảng thời gian khi chưa có nước máy bà con trong thôn tấp nập dồn về giếng nước trước nhà ông để gánh. Dòng nước ngọt mát lành đã nuôi lớn bao thế hệ người dân nơi đây. "Giếng nước ở đây không bao giờ cạn. Vào các tháng hè, nắng chói chang mạch nước vẫn dồi dào. Người dân trong thôn mỗi lần đi làm đồng về liền ghé ngay giếng nước, xối dòng nước mát vào người thì dường như mọi mệt mỏi đều tan biến hết", ông Định tự hào cho biết.
 

"Ngày trước, tuy cực nhưng rất vui. Người dân quê chúng tôi còn có quan niệm, cứ sau giao thừa, việc đầu tiên ra khỏi nhà là phải tới múc nước ở giếng làng về uống để cầu mong một năm bình an, may mắn".
Bà Võ Thị Liễn (80 tuổi), ở thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh)

Chung tay cùng gìn giữ

Cho dù trải qua hàng chục, hàng trăm năm, giếng làng ở thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh và thôn Hòa Phú, xã Nghĩa Hòa vẫn vững chãi, uy nghi, thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân nông thôn. Bà Võ Thị Liễn tiếp câu chuyện, ngày trước, chiến tranh loạn lạc, giếng làng nơi đây cũng không tránh khỏi sự tàn phá của bom đạn. Thành giếng vỡ mất một nửa, cây sung to lớn bên cạnh giếng nước cũng bị bom đạn làm cho chết dần chết mòn, trơ gốc. Ấy vậy mà mạch nước vẫn dồi dào.

Chính vì lẽ đó, khi đất nước hòa bình thống nhất, người dân trong thôn chung tay xây lại thành giếng. Cuộc sống của người dân dần phát triển, cùng là lúc chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới thì, người dân thôn Minh Thành lại chung tay cùng nhau góp tiền tái tạo giếng làng hoàn chỉnh như trước. Để sạch sẽ và kiên cố, người dân xây thành giếng và làm nền sân bằng xi măng. Đối với cây sung bị chết do chiến tranh, giờ chỉ còn lại gốc cây, người dân vẫn giữ gốc cây sung cũ và bàn nhau tìm một cây sung khác về trồng với mong muốn tái hiện lại khung cảnh quen thuộc ngày trước và cầu mong xóm làng ngày càng sung túc, bình yên.

Cũng giống như người dân thôn Minh Thành, người dân thôn Hòa Phú (Nghĩa Hòa) cũng gìn giữ giếng làng quê mình. Bị sự tàn phá của chiến tranh, thành giếng vỡ vụn, vậy là, năm 1985, dân làng bàn nhau góp tiền xây lại thành giếng cao và kiên cố hơn. Vài năm trước, khi công cuộc xây dựng nông thôn mới diễn ra, các đường làng trong thôn đều phải mở rộng để thông thoáng, giúp thuận tiện cho việc đi lại. Mặc dù, giếng làng ở xóm 1, thôn Hòa Phú nằm chiếm gần một nửa con đường nhỏ của thôn và giếng làng không còn được sử dụng cách đây 10 năm, nhưng người dân chọn cách tình nguyện hiến đất vườn của nhà mình để giữ lại nguyên vẹn cái giếng.

Vì trong tiềm thức của người dân nơi đây, giếng làng là vật quý mà ông bà xưa để lại. Bà Nguyễn Thị Tình (70 tuổi) nhớ lại: Ngày trước, mỗi lần con cháu đi làm ăn xa đều ra giếng làng uống nguồn nước mát ngọt ngào với mong muốn chuyến đi thuận lợi, bình an. Và giếng làng cũng là nơi kết duyên của nhiều cặp trai gái. Tôi và chồng tôi nên duyên cũng bắt nguồn từ giếng làng này. Do vậy, giếng làng cũng giống như ông bà, tổ tiên cần phải trân trọng, gìn giữ để thế hệ sau biết và ghi nhớ.
            

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.