Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du:
Bói Kiều ở khu di tích

01:11, 28/11/2015
.

*TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Cách đây 6 năm, tôi cùng hai anh Đinh Như Tro, bấy giờ là Bí thư Huyện ủy Sơn Tây và anh Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch huyện có chuyến đi Nghệ An thăm gia đình một người Ca Dong, quê Sơn Tây, đi tập kết lấy vợ tại Nghệ An và hy sinh thời còn chiến tranh chống Mỹ. Trên đường ra xứ Nghệ, chúng tôi lên lịch trình là sẽ viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du. Cứ tưởng cụ quê Hà Tĩnh thì từ TP.Hà Tĩnh đến mộ cụ sẽ gần hơn là đi từ Nghệ An. Hóa ra không phải vậy.

TIN LIÊN QUAN

Từ Vinh, theo Quốc lộ 1, qua cầu Bến Thủy - cây cầu bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh, là đặt chân lên địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân. Tiếp tục đi theo quốc lộ 8B khoảng 4km nữa là đến Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du. Khu lưu niệm khá giản dị chứ không “hoành tráng” như trong suy nghĩ của chúng tôi. Còn nhớ năm 1982, lúc tôi còn học ở Huế, trên báo chí hồi đó có xôn xao về bài thơ của nhà thơ Vương Trọng, một người con xứ Nghệ. Bài thơ có đoạn:

                    “Hút tầm chẳng cánh hoa lê
                    Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
                    Xạc xào lá cỏ héo hon
                    Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
                    Lặng im bên nấm mộ rồi
                    Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm”.

Nghĩa là mộ cụ Nguyễn Du chẳng khác gì mộ Đạm Tiên, một nhân vật trong Truyện Kiều, cũng “Sè sè nấm đất bên đàng”. Nghe đâu sau khi bài thơ đó xuất hiện trên báo, tỉnh Nghệ Tĩnh bấy giờ bắt đầu “quan tâm” hơn. Và khu lưu niệm, gồm nhà thờ, tượng đài và mộ, được như bây giờ là “nhờ” vào bài thơ thống thiết đó của Vương Trọng.

Tác giả tưới rượu lên mộ cụ Nguyễn Du.
Tác giả tưới rượu lên mộ cụ Nguyễn Du.


Mộ cụ Nguyễn Tiên Điền hôm nay dập dìu du khách. Rất nhiều người đến viếng cụ Nguyễn đều mua một bó nhang và… một xị rượu. Nhang thì thắp lên bệ thờ, còn rượu thì tưới lên mộ. Không biết, sinh thời tửu lượng cụ Nguyễn tới đâu, chứ với cái đà “tưới rượu” như tôi đã chứng kiến, chắc rằng tác giả Truyện Kiều lừng danh chẳng bao giờ “tỉnh” được!

Thơ Nguyễn Du hay như thế nào, người ta nói cả rồi. Thân phận của bậc tài hoa như thế nào suốt một thời tao loạn, sử sách đã nói cả rồi. Ở đây, tôi muốn kể về cái cách phát hành Truyện Kiều đến với độc giả, mà cụ thể là du khách đến viếng Khu di tích Nguyễn Du. Những người làm công việc “phát hành” này không phải là nhân viên của các nhà xuất bản mà là cán bộ của khu di tích.

Tại gian tiếp khách, có mấy cô nhân viên khá xinh xắn. Ai đến phòng khách này cũng được mấy cô nhân viên giới thiệu sơ qua về thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều. Tôi chắc rằng, có đến hàng chục triệu dân Việt, mỗi người ít nhất là thuộc vài ba câu trong Truyện Kiều. Thế nhưng, để cho du khách “vỡ lòng” rồi bị cuốn hút vào Kiều thì chỉ có các cô nhân viên này làm được mà thôi.

Đầu tiên là các cô này giới thiệu sơ qua về Truyện Kiều, sau đó lái dần sang chuyện “bói Kiều”. Nói đoạn cô “bày” cho khách cách “bói”. Đầu tiên là khách chắp tay trước quyển sách Truyện Kiều, miệng lầm rầm: “Lạy ông Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên…” (đây là những nhân vật trong Truyện Kiều), sau đó khách lật một trang bất kỳ nào, nói tôi chọn hai câu, từ dưới lên, trang 20 chẳng hạn. Nếu hai câu đó là “Người lên ngựa, kẻ chia bào.Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” thì vị khách ấy sẽ được cô nhân viên bói Kiều phán: “Bạn sắp chia tay với người mình yêu quý rồi”.

Nếu người bói Kiều ấy là cô gái đang yêu, nghe câu đó là giật thột ngay. Hai câu trên chỉ cảnh chia tay của Thúc Sinh với Kiều để về thăm vợ cả Hoạn Thư. Cô gái nào mà lại không lo lắng khi phải “chia tay” người mình yêu, nhất là người ấy lại về thăm vợ cả. Anh ta “đánh bắt xa bờ” nhưng lâu nay giấu nhẹm…

 Tượng Nguyễn Du trong Khu lưu niệm.
Tượng Nguyễn Du trong Khu lưu niệm.


Còn nếu khách bói Kiều là người lớn tuổi thì cô nhân viên ấy sẽ phán kiểu khác. Chẳng hạn: “Cô/chú chắc là có người thân sắp phải đi làm ăn xa, hoặc đi xuất cảnh? Buồn một chút nhưng mà… đẹp thôi cô/chú(?)”. Đại để là cô bói Kiều ấy vừa phán vừa nhìn khuôn mặt của khách để “nói dựa” theo “tâm trạng” thay đổi trên khuôn mặt kia. Thế nào cũng “trúng” một chút! 

Tóm lại là dù khách có bói trúng câu gì trong Truyện Kiều đi nữa thì người “bình” (tức cô nhân viên) cũng phán một câu “mát ruột”, ít nhất thì cô ấy cũng làm cho vị khách không phải quá lo lắng, dù là bói trúng câu này: “Có ba trăm lạng việc này mới xong!”. Đoàn chúng tôi hôm đó, có vị mê đến nỗi “bói” liên tù tì, đến khi gặp câu “tốt” thì mới dừng cuộc chơi.

Nhưng đây mới là điều tôi muốn kể. Sau khi bói xong, khách rút tiền ra để “bồi dưỡng” nhưng liền bị từ chối ngay: “Ấy chết, các cô chú anh chị đừng làm thế, cụ Nguyễn sẽ rất buồn. Truyện Kiều là tác phẩm văn học rất linh thiêng nên không có chỗ cho chuyện ấy (ý nói chuyện “bồi dưỡng”). Nếu các anh chị cô chú muốn về tự bói cho mình thì nên mua một quyển. Em sẽ bày cho cách bói, câu niệm…”.

Thế là “quý khách” ai cũng móc ra 40.000đ để mua một quyển Kiều về nhà “tự bói”. Mỗi ngày tại quày này bán ít nhất cũng được 50 quyển! Không ở đâu mà phát hành tốt Truyện Kiều như ở Khu lưu niệm này. Nhưng nếu không có sáng kiến “bói Kiều” khá hấp dẫn như thế thì cũng rất khó bán được sách.


.