Ù tai vì... hát

09:05, 04/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ca hát là một trong những nhu cầu không thể thiếu của con người. Nhưng hát mà như ở những vùng nông thôn hiện nay, nhất là trong những ngày nghỉ lễ vừa qua thì không ai chịu thấu. Nhà này thấy nhà kia hát nên mình cũng chẳng chịu thua chị kém em, thuê hẳn một giàn âm thanh “khủng” về. Chỉ một lít rượu gạo với vài trái ổi xanh chấm với muối ớt thôi, cứ thế mà hát, hết ngày dài lại đêm thâu. Hát to chừng nào, càng thích chừng nấy. Người già ở quê, họ rất cần sự yên tĩnh, là những người chịu trận một cách khổ sở nhất.

Tôi đưa một người bạn người Nhật về quê chơi. Thấy hết chỗ nọ đến chỗ kia, âm thanh từ các giàn máy karaoke phát ra hết cỡ, rồi cảnh ồn ào của các “ca sĩ”, anh hỏi bữa nay làng mày có hội hè gì à? Tôi bảo, không có hội hè gì, chỉ là hát cho... vui thôi.

Anh nói: “Dân mày yêu đời thật đấy, tao thấy phần lớn những “tụ điểm” hát ấy, nhà cửa của người dân quá xập xệ. Sao không lo đi làm kiếm tiền mà hát mãi vậy, lấy gì sống?”. Tôi chẳng biết trả lời anh thế nào cho phải phép, đành cười trừ. Anh nói, ở nước Nhật của anh, giàu có là vậy nhưng chưa bao giờ anh thấy người dân ném thời gian vào những chuyện vô bổ bằng việc “hát tối ngày” như thế cả.

Dân mình bây giờ cũng lạ thật, vui cũng hát mà buồn cũng hát. Hát đến quên cả đói nghèo luôn. Dù là hát “chay” với mấy trái ổi xanh như vậy, song không ai miễn phí cho anh cái giàn âm thanh “khủng” ấy bao giờ. Nhà nào nghèo cũng tốn dăm ba trăm ngàn tiền thuê máy và tiền mua rượu, nhà nào kha khá một chút, tốn cả bạc triệu cho việc thuê máy và bia bọt kèm theo. Lạ một điều là, những nhà ấy chả bao giờ họ bỏ một cắc bạc để góp vào việc chung của làng, như quỹ khuyến học, thậm chí xây dựng đường giao thông bằng bê tông chẳng hạn. Họ luôn lý sự “cái đó có Nhà nước lo!”. Tiền Nhà nước là tiền đóng thuế của dân chứ không phải từ trên trời rơi xuống được. Ấy thế mà, cái gì cũng trút lên đầu Nhà nước.

Thời chiến tranh, có một câu mà ai cũng thuộc, đó là câu “tiếng hát át tiếng bom”. Ngày ấy, hát là để động viên nhau cho trai tráng ra trận, cho quên đi sự gian khổ và khốc liệt của bom đạn. Lý do ấy, dù có hát cỡ nào thì ai cũng đồng lòng. Còn bây giờ, đa số người dân còn nghèo, việc người dân dành quá nhiều thời giờ cho chuyện hát, quả là điều không nên chút nào.

Ngày nay, đến làng nào cũng thấy cái cổng rất to, ghi “thôn văn hóa” hẳn hoi. Chắc chắn rằng, tiêu chuẩn của một “thôn văn hóa” không có cái khoản nào đề cập đến chuyện “hát tối ngày” như thế cả. Không biết ngành văn hóa, trước khi đặt bút ký vào những tấm bằng khen, giấy khen hoặc giấy công nhận thôn văn hóa, họ có biết chuyện “ù tai vì hát” ấy không?

Hát là một nhu cầu về tinh thần của con người, nhưng hát quá cỡ như tôi vừa đề cập ở trên thì là “khủng bố tinh thần” đấy ạ.            
                

TRẦN ĐĂNG


 


.