"Tổ quốc nơi đầu sóng" hiện hữu trên... giá sách

10:08, 04/08/2014
.

Ngay từ năm 1957 - năm thành lập, NXB Kim Đồng đã chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục về biển đảo, về lực lượng Hải quân Việt Nam bằng việc xuất bản nhiều cuốn sách giúp thiếu nhi Việt Nam biết yêu, biết có ý thức, trách nhiệm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 

Một số đầu sách trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng - Ảnh: VGP/Phương Liên
Một số đầu sách trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng - Ảnh: VGP/Phương Liên



Tuyên truyền, giáo dục về biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng không chỉ là vấn đề thời sự trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài. Và với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, hình thức quảng bá, giáo dục bằng trực quan, bằng văn học nghệ thuật, là phương thức hiệu quả hàng đầu.

Có thể điểm qua nhiều tựa sách đã được NXB Kim Đồng giới thiệu với thiếu nhi cả nước cách đây hơn nửa thế kỷ: “Em vẽ hình chữ S” (1957), “Vượt biển” (1958)… Đó là những câu chuyện về những chiến sĩ hải quân trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, còn có những cuốn sách ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người nơi biển đảo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu: “Ánh đèn biển trên hải đảo” (1963), “Thăm hải đảo Cô Tô” (1967),  “Con trai người câu cá mập” (1977),  “Quần đảo san hô” (1978), “Biển bạc” (1979), “Đảo đá kì lạ” (1980)…

Nhà văn Nguyễn Thúy Loan, Trưởng ban Ban Biên tập sách văn học của NXB Kim Đồng, cho biết trong những năm gần đây, Tủ sách Biển đảo Việt Nam của NXB Kim Đồng đã xuất bản được nhiều cuốn sách tranh, sách văn học và cả những cuốn sách ảnh, tập thơ... hấp dẫn đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi.  

Có thể kể đến “Rực rỡ Trường Sa”, cuốn sách kể chuyện chiến đấu của anh hùng đặc công Mai Năng. Thiếu tướng Mai Năng được nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (1969), khi là đại úy, Đội trưởng Đội 1 đặc công nước Đoàn 126. Trong kháng chiến chống Mĩ, ông đã có công tham gia xây dựng ngành đặc công của hải quân, nghiên cứu phát triển cách đánh mới độc đáo, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Thiếu tướng Mai Năng khi là Đội trưởng Đội 1 đã chỉ huy Đội đánh chìm và đánh hỏng 30 tàu địch (3 lần Đội được tuyên dương Anh hùng), tham gia chỉ huy Đoàn 126 đánh chìm nhiều tàu địch trên tuyến Cửa Việt-Đông Hà và chỉ huy bộ đội đặc công chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa.

Cuốn sách nhỏ “Đoàn tàu huyền thoại” của cựu chiến binh Cao Văn Liên mang đến cho độc giả nhí những ký ức vô giá về những con tàu của Đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển. Quyển sách đầy ắp những chi tiết “sống” về những chiến công oanh liệt, sự hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của những chiến sĩ hải quân.

Cuốn “Trong giông gió Trường Sa” nằm trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam của NXB Kim Đồng. Đây là tuyển tập những bút ký hay về Trường Sa của các nhà văn Duy Khán, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đình Tú, Sương Nguyệt Minh… Các tác giả đều là những người từng trải nghiệm sóng gió Trường Sa, nên qua những bài viết của họ, độc giả sẽ được đến với một Trường Sa đầy khắc nghiệt và thử thách của thiên nhiên mà những người lính đảo phải đối diện mỗi ngày. Qua những truyện ký chân thật, các em thiếu nhi sẽ nhận ra rằng cuộc sống chiến đấu trên đảo muôn vàn khó khăn, nhưng các chiến sĩ hải quân vẫn vượt qua tất cả để bảo vệ biển trời yên bình cho Tổ quốc.

200 bức ảnh và tư liệu quý về lịch sử, địa lý, con người... ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã được giới thiệu trong cuốn sách ảnh "Tổ quốc nơi đầu sóng". Đây là những bức ảnh chân thật và sinh động về thiên nhiên, cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào, chiến sĩ do chính các tác giả đã và đang công tác tại Trường Sa trực tiếp thực hiện.

Cuốn sách giúp độc giả nhỏ tuổi được đi “du lịch qua ảnh” tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những loài cây đặc trưng nơi địa đầu Tổ quốc như bàng vuông, phong ba hay các rạn san hô, thế giới động vật phong phú trong lòng biển... đều được ghi lại. Bên cạnh đó là những hình ảnh về người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời, tập luyện, sẵn sàng chiến đấu dù điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.

“Tổ quốc nơi đầu sóng” còn giới thiệu đến độc giả nhỏ tuổi bản đồ vùng biển Đông Nam Á của nhà địa lý Hà Lan Jodocus Hondius với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, hình đội tàu chiến của Việt Nam đúc trên đỉnh đồng ở kinh thành Huế thể hiện sức mạnh thủy quân triều Nguyễn…

Chỉ bằng chưa đầy 100 trang sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ - một nhà văn trẻ của quân đội đã có những năm tháng sống, công tác ngoài quần đảo Trường Sa, đã gửi tới các em thiếu nhi một cuộc phiêu lưu, đúng hơn là một cuộc hành trình “vạn dặm” ra đảo. “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” đã đoạt giải Vàng sách Hay năm 2012 và được coi là một cuốn sách giáo khoa dành cho thiếu nhi về biển đảo, được tái bản thường niên.

“Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” giúp bạn đọc thấy vùng đảo đó thật lắm thứ diệu kỳ và vô vàn điều thú vị. “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” mang các em nhỏ vượt gần 500 hải lý để đến với Trường Sa, giúp vạn dặm Trường Sa không còn xa nữa mà hiện hữu ngay trên giá sách của mỗi gia đình.

Theo nhà văn Nguyễn Thúy Loan, dù dành cho trẻ em nhưng các tác phẩm đều được thực hiện bằng sự tâm huyết, nhiệt tình và nghiêm túc. Các cuốn sách đều có nội dung khá toàn diện, chuyển tải thông tin tốt bằng hình ảnh. Có nhiều ý kiến đã phản hồi, tuy nói là “dành cho các em nhỏ” nhưng chính các bậc phụ huynh khi xem sách càng thấy hiểu biết hơn về biển đảo và chủ quyền biển đảo, thêm yêu biển đảo Việt Nam.

Giám đốc NXB Kim Đồng Phạm Quang Vinh mong muốn và tin tưởng rằng thông qua những cuốn sách trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam, các bạn nhỏ sẽ thêm hiểu, thêm yêu biển đảo Tổ quốc. Người đứng đầu “cái nôi của văn học thiếu nhi” hứa rằng sẽ tiếp tục đặt hàng, khích lệ các nhà văn, nhà thơ, cựu chiến binh có thêm nhiều tác phẩm viết về biển đảo, về cuộc sống, chiến đấu của lực lượng Hải quân Việt Nam dành cho độc giả nhỏ tuổi trên khắp mọi miền đất nước.

 

Theo Phương Liên (Chinhphu.vn)


.