Kỷ vật của một người lính

07:07, 26/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông là một doanh nhân góa vợ có một người con trai. Ông say mê sưu tầm đồ cổ đến mức thành niềm đam mê, đó là mục tiêu của cả cuộc đời ông. Ông đi sưu tầm và mua về rất nhiều những đồ cổ quý giá nên đã trở thành một nhà sưu tầm nổi tiếng.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, người con trai của ông cũng như những thanh niên khác đều lên đường tòng quân nhập ngũ. Ba năm sau ông nhận được giấy báo tử con ông hy sinh ở mặt trận phía Nam, ông đau khổ đến tột cùng. Một hôm ông nhận được thư của một người lính, bạn chiến đấu với con ông. Trong thư, người ấy kể rằng: “Con ông đã rút lui đến nơi an toàn, nhưng thấy trên chiến trường vẫn còn những đồng đội bị thương, nên anh đã quay lại và cõng về từng thương binh một. Cho đến khi đưa người cuối cùng về gần đến khu vực an toàn thì đã trúng đạn và hy sinh”.


Bẵng đi một năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đúng vào buổi chiều ngày ba mươi tết, ông đang ở trong nhà thì có tiếng gọi cửa. Ông ra mở cửa. Đứng trước mặt ông là một người lính trên tay cầm một chiếc bi đông. Người lính chào ông rồi kính cẩn nói: “Thưa bác, bác không biết cháu, nhưng cháu là người mà con bác đã cứu sống trước khi hy sinh. Cháu không giàu có, nên cháu không biết đem đến cái gì để đền đáp cho bác để tỏ lòng cảm ơn việc mà con bác đã làm cho cháu.

Cháu được anh ấy kể lại rằng: “Bác thích sưu tầm đồ cổ, bởi vậy dù cháu không phải là một người sưu tầm đồ cổ nhưng chiếc bi đông này khi anh ấy cho cháu uống nước bị viên đạn bắn xuyên qua và xuyên vào người anh ấy. Trước khi hấp hối anh ấy nhờ cháu đưa vật này về cho bác, vì vết máu của anh ấy ở chiếc bi đông này là máu của anh ấy mà cháu vẫn giữ nguyên”. Ông đem chiếc bi đông vào nhà, đặt lên nơi trang trọng nhất trước bức hình thờ con ông. Nước mắt lưng tròng, ông nói với chàng trai: “Đây là kỷ vật giá trị nhất mà bác có được. Nó có giá trị hơn tất cả những thứ mà bác có trong căn nhà này”.

Vài năm sau đó ông bị bệnh nặng và qua đời. Tin tức về việc ông qua đời lan truyền đi rất xa. Mọi người đều muốn tham gia vào cuộc bán đấu giá những đồ cổ quý giá nhất mà ông đã sưu tầm được trong thời gian qua. Cuối cùng thì buổi bán đấu giá cũng được công bố. Các nhà sưu tầm và những nhà đại diện cho các viện bảo tàng đều háo hức muốn mua các tác phẩm nổi tiếng. Tòa nhà bán đấu giá chật ních người. Người luật sư riêng của ông điều khiển đứng lên và nói: “Tôi xin cám ơn mọi người đã đến đông đủ như vậy. Nhưng đồ vật đầu tiên được đấu giá là chiếc bi đông này…”. Có không ít người la lên: “Đó chỉ là chiếc bi đông đựng nước của con trai ông cụ thôi! Sao chúng ta không bỏ qua nó và bắt đầu bằng những vật có giá trị thật sự?”.

Người điều khiển bắt đầu: “Ai sẽ mua với giá 1triệu đồng?”. Không ai trả lời nên ông ta lại tiếp “5 trăm ngàn đồng?”. Cũng không có ai trả lời nên ông ta lại hỏi “1 trăm ngàn?”. Cũng không ai muốn mua. Người điều khiển lại hỏi “Không ai muốn trả giá cho chiếc bi đông này sao?”. Một người đàn ông mặc quân phục đã cũ đứng lên “Anh có thể bán cho tôi với giá 50 ngàn đồng được không? Anh thấy đấy, với tôi 50 ngàn đồng là tất cả những gì tôi có. Người điều khiển nói: “50 ngàn đồng lần thứ nhất, lần thứ nhì, bán!”. Tiếng ồn ào vui mừng nổi lên và mọi người nói với nhau: “Chúng ta có thể bắt đầu thật sự được rồi!”. Người điều khiển nói: “Xin cảm ơn mọi người đã đến tham dự buổi đấu giá và buổi đấu giá của chúng ta sẽ kết thúc tại đây!”. Đám đông nổi giận: “Anh nói kết thúc là ý làm sao? Vẫn chưa đấu giá toàn bộ các tác phẩm nổi tiếng kia mà?”. Người điều khiển nói: “Tôi xin lỗi nhưng buổi bán đấu giá đã chấm dứt.

Mọi người hãy xem chúc thư của ông cụ đây “Người nào mua được chiếc bi đông của con trai tôi thì tất cả gia tài của tôi sẽ thuộc về người đó. Và đó là lời cuối cùng của tôi!”.

Truyện ngắn:  VÕ HOÀNG NAM
 


.