Chuyến tàu SE4

05:06, 01/06/2014
.

*Truyện ngắn Đức vương


(Báo Quảng Ngãi)- Tháng ba, nắng miền Trung chói chang như đổ lửa. Hành khách chờ tàu, ai nấy đều tìm bóng cây tránh nắng. Duy nhất, bên dải phân cách đường ray thứ hai có hai người đàn ông như chẳng biết nắng là gì, cứ đứng nói chuyện. Lâu lâu người đàn ông mặc áo màu xanh lá mạ vỗ vai người đàn ông mặc áo trắng cụt tay cười nói thoải mái. Nhìn cử chỉ của họ hành khách ai cũng ngạc nhiên.

Bỗng tiếng chị hướng dẫn viên phát lên trong loa phóng thanh.

-    Hành khách chú ý chuyến tàu SE4 từ Sài Gòn ra Hà Nội sắp vào ga Quảng Ngãi, đề nghị quý khách đứng cách đường ray 2m, chờ tàu dừng hẳn quý khách mới được lên tàu…
-    
Tiếng chị hướng dẫn viên vừa dứt, 10 phút sau đoàn tàu đã xình xịch tiến vào sân ga. Lên tàu, mải tìm số ghế nên Việt chẳng để ý đến hai người đàn ông nọ. 4 phút sau, đoàn tàu kéo hồi còi dài vang vọng không trung, chậm rãi bò ra khỏi nhà ga, rồi tăng tốc lao nhanh về hướng bắc. Ngắm nhìn làng mạc hai bên bờ sông Trà với những ruộng lúa, bãi ngô, bãi mía trải dài một màu xanh ngắt, Việt chợt nhận ra dòng sông Trà Khúc mới đầu mùa hạ mà nhiều đoạn cát trắng đã phơi thành bãi dài tít tắp, từng đoàn xe tải chở cát ì ạch bò qua những vũng nước còn sót lại, rồi trườn lên mé sông, cuốn theo làn bụi đục mờ đang lùi dần về phía sau.


Khi đã yên vị, Việt nghe giọng một người đàn ông ở hàng ghế sau.
- Đợt này đi công tác, chắc chị lo cho anh đầy đủ nhỉ?
- Lo gì đâu, cũng chỉ mấy bộ quần áo cũ, một ít tiền lộ phí đi đường và lời dặn dò khi có chuyến đi xa. Tính bà xã nhà tôi cục mịch lắm, nghĩ sao nói vậy thật như đếm.
- Anh hạnh phúc nhất trên đời này rồi còn gì. Đi Hà Nội mà chị quan tâm vậy, anh là số một đó.
Người đàn ông mặc áo trắng cụt tay, cười to, vỗ tay cái đét vào đùi người đàn ông mặc áo màu xanh lá mạ.
- Chú nói vậy, chứ bà xã nhà chú thì kém gì bà xã nhà tôi. Cô ấy có học, ăn nói đâu ra đó, biết kính trọng cha, mẹ, thương chồng con, bà con ai cũng khen cô ấy ngoan, con gái ở quê, người như cô ấy là của hiếm.

- Cảm ơn anh có lời khen. Số em cũng may anh ạ! Em bị mù từ nhỏ, lớn lên trong cảnh nghèo túng, ba em lại mất sớm, mẹ em một mình tần tảo sớm hôm nuôi ba anh em em khôn lớn, trưởng thành. Gặp được cô ấy hiểu, cảm thông cho hoàn cảnh của em, lấy em là phúc bảy đời của nhà em đó anh.
Nghe họ nói chuyện nghĩa tình, trách nhiệm vợ chồng trong niềm vui và sự mãn nguyện, Việt bắt chuyện làm quen.
- Các anh ở đâu, định đi về đâu?
Người đàn ông mặc áo trắng cụt tay trả lời không một chút do dự.
- Mình tên Tín, trước đây công tác ở Công ty dược An Nghĩa. Năm 1991, tinh giảm biên chế mình về quê ở Nghĩa Hành, năm 1999 tai nạn điện mình bị mù cả hai mắt, những ngày đầu hụt hẫng ghê lắm, có lúc mình nghĩ chết quách cho xong, nhưng mình đã vượt qua tất cả để sống, để làm việc. Còn đây là Phạm Thành, 36 tuổi, cùng quê, cũng bị mù như mình. Chúng mình đi ra Hà Nội học lớp bồi dưỡng phục hồi chức năng 3 tháng dành cho người mù do Trung tâm Hội Người mù Việt Nam tổ chức.

- Thế còn chú đi đâu, mà lên tàu này?
- Dạ em ra Đà Nẵng khám bệnh.
- Chán thật, bệnh viện tỉnh mình cũng to đùng, cũng có đội ngũ y, bác sĩ hẳn hoi mà sao cứ vẫn phải chạy ra Đà Nẵng nhỉ? Anh Tín nói trong sự ngờ vực, hồ nghi.
Anh Thành cười mỉm, giọng triết lý: Có chi đâu anh, một lần mất tin thì vạn lần bất tín, chẩn đoán không đúng bệnh, thái độ một số y, bác sĩ thiếu ân cần, làm dân họ ngại thế là phải ra Đà Nẵng thôi.
Cử chỉ, cách nói chuyện chân thật của anh Tín, anh Thành đầy lòng tự tin,  anh Việt khâm phục, nể trọng lắm, bởi đôi mắt họ đã không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng trong tâm thức của họ toát lên lòng nhân từ, hiểu biết sự đời sâu sắc. Họ phân biệt đúng sai, nhân nghĩa khá rõ ràng. Biết anh Việt chuẩn bị xuống ga Đà Nẵng, anh Tín đưa tay lần tìm vai Việt vỗ nhẹ.

- Em cố gắng chữa bệnh nhé, phải sống vô tư, kiên trì nghen em, kiên trì thành công sẽ đến, em đi mạnh khoẻ.
Cảm kích tấm lòng hai anh Tín, Thành, Việt khẽ dạ, xoay người ôm chầm hai anh và không quên dặn họ.
- Hai anh đi cẩn thận, đường còn xa, ra ngoài đó nhớ bám sát nhau mà đi anh nhé! Dọc đường nhiều chuyện phức tạp lắm, coi chừng những kẻ lừa đảo, cướp giật, chúng chẳng từ một ai.
Tiếng còi tàu lại gióng lên hồi còi vang vọng trong không trung, đoàn tàu lại rời ga. Anh Thành nói với theo: Chú Việt yên tâm! Bọn anh còn gì nữa đâu mà lo bị cướp với giật. Nói xong anh Thành cười to, giơ cao bàn tay gầy gò, xương xẩu vẫy  vào không gian trong ánh nắng chiều yếu ớt.

Thành phố Đà Nẵng chiều chủ nhật, phố xá đông vui, nhộn nhịp. Rời sân ga, Việt thong thả cuốc bộ trên đường Hải Phòng, rẽ qua đường Quang Trung, ở đâu cuộc sống cũng tất bật hối hả. Vậy mà, lòng Việt vẫn xốn xang, lo nghĩ về những ngày đã qua, anh tự hỏi mình: So với anh Tín, anh Thành thì mình quá may mắn, không mù, tay, chân lành lặn, sao có lúc ta chẳng làm việc gì nên hồn. Phải chăng, tính tự ti, hèn yếu không dám đấu tranh bảo vệ cái đúng, loại trừ cái sai vẫn tiềm ẩn trong anh. Đành rằng trong nền kinh tế thị trường, sự phát triển của xã hội, cuộc sống đâu đó vẫn có những kẻ cơ hội, xu nịnh, hễ có thời cơ là hại người tốt. Những kẻ ấy sau này đều phải trả giá rất đắt, đó là quy luật cuộc sống. Nghĩ vậy, Việt thấy mình phải sống thật tốt, có ích cho đời. Anh ngẩng đầu nhìn trời cao, mỉm cười, bước nhanh trên con phố nhỏ, trong ánh điện sáng lung linh phản chiếu xuống mặt nước hai bên bờ sông Hàn và thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng. Đâu đó giọng cô ca sĩ hát vang bài hát “cuộc đời vẫn đẹp sao”, làm Việt càng thêm tin yêu cuộc sống ngày mai./.
 


 


.