Nhà điêu khắc Hồ Thu: Nhiều tác phẩm nghệ thuật gắn với những năm kháng chiến chống Mỹ

04:02, 25/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên tại xã Đức Hòa (Mộ Đức), nhà điêu khắc Hồ Thu (73 tuổi) đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc để lại cho đời mang đậm sắc màu của những năm kháng chiến chống Mỹ.

Nhà điêu khắc Hồ Thu tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội, khoa Điêu khắc vào giữa năm 1965. Lúc này, chiến trường miền Nam  bắt đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Tại Quảng Ngãi quân giải phóng cũng lập nên nhiều chiến công vang dội. Là người con của quê hương Quảng Ngãi, ông luôn muốn sớm về quê hương để tiếp sức cho đồng bào mình. Cuối cùng mong muốn đó cũng trở thành hiện thực, ông nằm trong đoàn 120 người và được phân ra nhiều nhóm và theo yêu cầu của đơn vị, ông đã đổi cái tên “cúng cơm” Hồ Đắc Bỉnh thành Hồ Thu. Trước khi về miền Nam, cả đoàn được tập trung về Trường Tuyên giáo Trung ương để học chính trị, luyện tập quân sự, bồi dưỡng sức khỏe…

 

Nhà điêu khắc Hồ Thu với bức tượng tròn chất liệu gỗ Mùa rẫy và Mẹ con được đánh giá cao trong các cuộc triển lãm.
Nhà điêu khắc Hồ Thu với bức tượng tròn chất liệu gỗ Mùa rẫy và Mẹ con được đánh giá cao trong các cuộc triển lãm.


Sáng ngày 3.2.1966, nhà thơ Tố Hữu- Ủy viên Trung ương Đảng đã tiễn đoàn vào tận Quảng Bình để lên trạm đầu mối Trường Sơn. Cuộc hành quân trải qua hơn 2 tháng đầy gian khổ, ốm đau, đói khát vì thiếu lương thực lại phải chạy bộ suốt quãng đường dài, hành quân vào ban đêm để tránh tầm kiểm soát của địch,… Ông về nhận công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Công việc của ông hàng ngày là viết truyền đơn, khẩu hiệu kêu gọi lính ngụy về với cách mạng, động viên đồng bào vùng địch ủng hộ cách mạng. Tại đây, ông cũng tham gia vẽ các bức ký họa phục vụ cho việc tuyên truyền. Vì đam mê nghệ thuật nên ông luôn tranh thủ thời gian vẽ những bức ký họa rồi trưng bày cho bộ đội và đồng bào xem. Nhờ những bức tranh ký họa, tranh cổ động và khẩu hiệu của ông truyền đến các đơn vị đã giúp tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ được mạnh mẽ hơn.

Sau giải phóng ông theo học khoa Điêu khắc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (khóa 1978- 1983). Sau khi ra trường ông về công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu V và Bảo tàng khu V ở Đà Nẵng. Tại đây ông đã sang Hạ Lào tham gia xây dựng nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam. Đến năm 1989, ông xin nghỉ hưu để về quê nhà thực hiện hoài bảo đã được ấp ủ từ lúc còn ở chiến trường. Đó là sáng tác những tác phẩm nghệ thuật in đậm màu sắc của thời kháng chiến chống Mỹ.

Tuy không còn là người lính nhưng trong tác phẩm của ông vẫn luôn có trái tim của người chiến sĩ. Những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao như tượng tròn Mẹ con được giải thưởng khu vực và giải khuyến khích triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000. Tượng tròn với chất liệu gỗ Mùa rẫy được giải B triển lãm khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2001 (không có giải A); phù điêu Hoa Trường Sơn được tặng giấy khen trong triển lãm Điêu khắc toàn quốc 10 năm năm 2003. “Đây là tác phẩm được tôi nung nấu từ thời còn trong chiến trường. Khi đó một lính ngụy đã ghi câu thơ châm biếm lên thân một gốc cây với ý chê bai cộng sản và nhất là chê Trường Sơn không có những cô gái xinh đẹp,…Và tác phẩm Hoa Trường Sơn cho thấy Trường Sơn không như lính ngụy vẫn nghĩ, bởi bức tranh diễn tả hai nữ chiến sĩ xinh đẹp như những bông hoa đang ngồi nghĩ bên thác đá tuyệt mỹ”- Nhà điêu khắc Hồ Thu bộc bạch. Chính Hồ Thu là người tạo nên khuôn đất của tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ; đồng thời trực tiếp hoàn chỉnh tượng đài Sơn Mỹ; ông cũng đã trực tiếp sáng tác rồi dựng lên tượng đài 4 dũng sĩ Nghĩa Dũng…

Tuy tuổi đã cao nhưng trong lòng nhà điêu khắc tài ba này vẫn luôn nung nấu và cho ra đời những tác phẩm để lại cho đời, nhất là người dân Quảng Ngãi về loại hình nghệ thuật đặc sắc này để khắc họa lên những bức tranh sống động, chân thực về cuộc kháng chiến khốc liệt một thời.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.