Độc đáo thuyền câu ở hội hoa xuân

01:02, 10/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lần đầu tiên, trên đường phố hoa xuân Phạm Văn Đồng, trong vô số các loại hoa, tác phẩm nghệ thuật độc đáo, nhiều người được chiêm ngưỡng những chiếc thuyền câu của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đi cắm mốc bảo vệ chủ quyền trên biển. Những mô hình thuyền câu - phương tiện đi biển hàng ngàn  năm trước đã được chàng thanh niên Nguyễn Công Phương ở xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) dày công tạo tác, mang lại ý nghĩa to lớn về khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Gian hàng là những chiếc thuyền câu mô hình nằm khiêm tốn trong muôn ngàn sắc hoa chạy dọc 2 bên đường Phạm Văn Đồng. Dù vậy, nó vẫn nổi bật và thu hút được nhiều người đến thưởng lãm. Độc đáo, lạ và kỳ công là những nét nổi bật trong các sản phẩm từ gian hàng của anh Nguyễn Công Phương. Những chiếc thuyền câu nhỏ xinh được chạm trổ tinh xảo từng chi tiết: Lá cờ, khoang lái, mái vòm, mái chèo và cả hình nhân của những binh phu trực chỉ ra Hoàng Sa, Trường Sa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nói về ý tưởng làm ra những chiếc thuyền câu, anh Phương cho biết, nhiều lần được chứng kiến mô hình thuyền câu này ở trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức ở Lý Sơn, nên tôi có ý định chế tạo lại mô hình này để giới thiệu với mọi người.

 

Anh Nguyễn Công Phương (bìa trái), tác giả của những chiếc thuyền câu do anh chế tác đang giới thiệu đôi nét về thuyền câu của đội hùng binh Hoàng Sa.
Anh Nguyễn Công Phương (bìa trái), tác giả của những chiếc thuyền câu do anh chế tác đang giới thiệu đôi nét về thuyền câu của đội hùng binh Hoàng Sa.


Công việc làm ra mô hình này cũng khá phức tạp, tuy nhiên, với mục đích là giới thiệu với mọi người về ý nghĩa của những chuyến đi của cha ông ngày đi bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và qua đó nhắc nhở mọi người về  Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. “Chuyện lời lỗ không quan trọng lắm, bởi mình làm vì đam mê. Mục đích chính của mình là muốn mọi người biết đến Hoàng Sa, Trường Sa từ những chiếc thuyền câu này” - anh Phương chia sẻ.

Có một điều thú vị nữa ở gian trưng bày của anh Phương là ngoài việc giới thiệu cho người xem về sản phẩm của mình thì chính anh cũng là người thuyết minh thêm về ý nghĩa, mục đích của những chuyến đi biển năm xưa của những binh phu. Họ là những người có kinh nghiệm đi biển dày dạn ở vùng biển Quảng Ngãi được triều đình chiêu mộ đi ra vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác sản vật, cắm mốc và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Với những chuyến đi ấy, không mấy người được trở về. Hồn xác của những binh phu hy sinh ngoài biển được gia đình nặn bằng hình nhân và chôn cất ở những ngôi mộ gió, ngày nay còn hiện hữu ở đảo Lý Sơn.

Với những sản phẩm độc đáo gắn với ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của anh Phương, có nhiều người đến xem và tìm hiểu, đặc biệt là nhiều bạn trẻ và các em học sinh được ngắm nghía và nghe giới thiệu về lịch sử của những chiếc thuyền câu đi biển năm xưa, nhiều người hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử của cha ông đi bảo vệ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

X. THIÊN
 


.