"Bội thu" giải thưởng

01:12, 23/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2008-2013 của Hội VHNT Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2008 đến 2012, đã có gần 40 giải thưởng của các hội chuyên ngành Trung ương trao cho các hội viên của Hội VHNT Quảng Ngãi, trong đó có những giải thưởng “sáng giá” như  giải thưởng của Hội Nhà văn và của Hội Nhạc sĩ.

Giải thưởng không phải là tất cả của một đời nghệ sĩ hay nhà văn, vì có người cả đời chả có giải thưởng nào nhưng nhắc đến họ, ai cũng phải nhớ đến tác phẩm của người ấy, song giải thưởng là sự khẳng định những đóng góp của văn nghệ sĩ tỉnh nhà cho sự nghiệp văn học nghệ thuật chung của đất nước. Ở một tỉnh lẻ như Quảng Ngãi mà được từng ấy giải thưởng, kể cũng quá bất ngờ. Theo tôi, ở đó có cả tài năng lẫn sự may mắn nữa.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải cho Phạm Đương và Trần Quang Quý tại lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012.
Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải cho Phạm Đương và Trần Quang Quý tại lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012.


Tôi là hội viên thuộc chuyên ngành văn học nên qua bài viết nhỏ này, chỉ dám đề cập đến lĩnh vực mà mình tương đối am tường, dù trong số 40 giải thưởng kia thì âm nhạc đã chiếm quá nửa. Tôi chỉ đề cập đến các giải thưởng văn học trong 5 năm qua. Trước khi đi vào câu chuyện giải thưởng bên lĩnh vực văn học, tôi cũng xin được mở ngoặc chỗ này: Có lẽ Quảng Ngãi là tỉnh duy nhất dọc miền Trung chưa có giải thưởng 5 năm một lần dành cho các tác giả trong tỉnh chứ nếu có thì … không biết lấy đâu ra tiền để đủ thưởng cho từng ấy “đóng góp” của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Như ở Bình Định chẳng hạn, giải A (chưa hẳn giải A của tỉnh đã đoạt giải thưởng các hội Trung ương) thì tác giả ấy cũng nhận được 30 triệu rồi! Mà đâu chỉ có một giải A, cứ sau mỗi 5 năm, hàng chục tác giả được nhận giải A ấy chứ! Thôi, không so sánh tỉnh bạn, Quảng Ngãi có những “đặc thù giải thưởng” riêng mà các nơi khác không có được.

 

Bìa hai tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2012
Bìa hai tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2012.

Trở lại với câu chuyện “bội thu giải thưởng”. Liên tiếp trong 4 năm, từ 2008 đến năm 2012, hầu như năm nào các hội viên ngành văn học của Quảng Ngãi cũng đoạt giải thưởng của các tờ báo văn học uy tín ở Trung ương hoặc giải thưởng của một hội VHNT Trung ương. Nếu như năm 2008, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng với tập thơ “Những khúc ca trên cỏ” đoạt giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thì ngay năm sau, nhà thơ Đinh Tấn Phước cũng được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải C cho tập thơ “Chạm bóng”.

Tiếp liền năm sau, tập thơ “Trường ca Metro” của nhà thơ Thanh Thảo đã được Bộ Quốc phòng trao giải thưởng về đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, “đỉnh điểm” của một mùa bội thu giải thưởng văn học phải kể đến hai tập thơ “Trường ca chân đất” của Thanh Thảo và “Giờ thứ 25” của Phạm Đương. Cả hai tập thơ này đều được trao giải chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Riêng “Trường ca chân đất” trước đó đã được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải A.

Có thể xem đấy là cú hattrick vô tiền khoáng hậu về giải thưởng đối với một hội VHNT ở địa phương. Ngoại trừ Thanh Thảo, một nhà thơ đã nổi danh trong những năm chống Mỹ, việc trao giải thưởng cho các tập thơ của ông là điều bình thường nhưng với những tác giả còn lại của tỉnh nhà mà đoạt giải thưởng thì đấy là điều quá may mắn và hạnh phúc. Bởi vì, Hội Nhà văn có đến gần 1 ngàn hội viên, mỗi năm Hội Nhà văn và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng chỉ trao giải thưởng rất ít ỏi cho một số tác phẩm văn học nhưng tỉnh nhà đã chiếm một số lượng như thế là điều rất đáng khích lệ vậy.

Giải thưởng là một sự khẳng định những đóng góp của tác giả đối với văn học nhưng nó cũng giữ vai trò “kích hoạt” sáng tạo cho những đồng nghiệp nữa. Hy vọng từ những thành quả này, trong nhiệm kỳ tới đây, anh chị em văn nghệ sỹ tỉnh nhà sẽ tiếp tục gặt hái những “mùa vàng” trên các lĩnh vực mà mình đang theo đuổi.


TRẦN ĐĂNG
 


.