Hồn Việt qua các gương mặt Quảng trong “Trường ca chân đất” của Thanh Thảo

03:04, 12/04/2013
.

(QNg)- “Trường ca chân đất” (2012) là trường ca thứ 10 của Thanh Thảo vừa làm nên cú hat-tríc 2012: Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Âm nhạc Việt Nam (Hợp xướng “Chân sóng” do Nhạc sĩ Văn Phượng phổ từ một chương của trường ca này).

Anh tâm sự với tôi mà như nói với chính mình: “Vậy là tính từ tác phẩm anh được Giải thưởng Hội Nhà văn đầu tiên năm 1979 “Dấu chân qua trảng cỏ” (xuất bản năm 1978) đến bây giờ mới lại được giải thưởng lần hai với “Chân đất”. Gần 34 năm rồi còn gì, một đời người làm thơ rồi chứ có ít đâu. Gần 34 năm ấy, có người đã tự bỏ cuộc với thơ, có người vẫn sống với thơ nhưng không vượt được chính mình. Anh còn giữ được thơ đến mãi giờ này quả là một sự nỗ lực lớn vượt lên với chính mình rồi. Năm 2012, tình hình kinh tế khó khăn không vận động được tài trợ cho quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ”... Anh nghĩ, tiền giải thưởng của mình, suy cho cùng cũng là tiền của dân đóng góp, nên  số tiền thưởng này, anh sẽ dành trao học bổng cho trẻ em Sơn Mỹ vượt khó, học giỏi”.

 

Gọi Biển. Ảnh Lê Văn Sơn
Gọi Biển. Ảnh Lê Văn Sơn


Với “Trường ca chân đất”, Thanh Thảo lại một lần nữa làm mới cấu trúc trường ca của mình. Với cấu trúc 9 chương, đều bắt đầu từ chữ “Chân” mà Chu Văn Sơn gọi là cấu trúc “nan quạt” hoặc cấu trúc “chuỗi tràng hạt”. Nhưng theo tôi, “Trường ca chân đất” là sự tiếp biến và nâng cao lên trên nền tảng cấu trúc của hai trường ca trước đó của anh: “Khối vuông ru-bích” và “Trò chuyện với nhân vật của mình”.

“Khối vuông ru - bích” là cấu trúc chuyển động tròn (theo kiểu vòng tròn mở không có tâm); tâm chỉ hình thành khi người đọc tiếp nhận bằng cách “xoay” các “khối vuông thơ”. “Trò chuyện với nhân vật của mình” thì chính cụ Đồ Chiểu là “tâm thơ” để làm cuộc “trò chuyện” với toàn bộ các nhân vật trong tác phẩm của mình xoay quanh mình (tác giả của các nhân vật đó) trong một đêm ở đồng bằng sông Cửu Long qua bút pháp đồng hiện tài hoa của Thanh Thảo.

Còn “Chân đất” là một vòng tròn đồng tâm hẳn hoi. Lấy “Chân đất” làm tâm thơ, từ tâm “Chân đất” lan tỏa ra (suy diễn ra) 9 chân khác (Chân tre, Chân ruộng, Chân mưa, Chân núi, Chân cò, Chân tháp, Chân mây, Chân sóng, Chân lũy); rồi từ 9 “chân” kia lại tụ về (quy nạp về) làm nên “Chân đất”. Vì lẽ đó mà “Chân đất” là tên trường ca mà không đứng thành một “Chân”/chương riêng (và nhất định cả Thanh Thảo và người đọc đều không ai nghĩ đến cái chương “Chân trời” - đối lập với “Chân đất” vì như vậy sẽ bị đối trọng, bị lệch tâm, mất “chân”). Vòng tròn đồng tâm này chuyển động mở ra và thu về liên tục tạo nên “một hào quang thơ chín tia sáng” lung linh, biến hóa (theo kiểu cấu trúc đèn Led hiện đại) được “lập trình” một cách hoàn chỉnh, chặt chẽ, không có một “chân” nào có thể bung ra khỏi cấu trúc, và cũng có thể tự do chuyển hóa, bổ sung, lan tỏa ánh màu lẫn nhau.

Ở “Trường ca chân đất”, Thanh Thảo xếp theo trật tự các “chân” từ 1 đến 9 (Từ “Chân tre” đến “Chân lũy”)  nhưng lại không đánh số chương cố định như ta thường thấy ở trường ca theo kết cấu chương. Thanh Thảo rất có ý thức và anh đã thực hiện cấu trúc của trường ca mình đúng như vậy. Người đọc khi tham gia tiếp nhận, có thể thay đổi trật tự các “chân”/chương mà không nhất thiết phải theo trật tự bố trí của nhà thơ. Hơn nữa, với cấu trúc “vòng tròn đồng tâm lan tỏa” này, những người đọc thuộc ngưỡng tiếp nhận cao (những nhà thơ) có thể “sáng tạo” thêm nhiều “chân”/chương nữa (Ví dụ: Chân mạ, Chân đồi, Chân trâu, Chân chim… hoặc mở rộng ra hơn với những Chân thật, Chân lý, Chân khí, Chân dung…) để thực sự trở thành một “đồng sáng tạo” khi tiếp nhận tác phẩm văn học. Tất cả đều có thể… mà hoàn toàn không làm chệch được tâm “Chân đất” của trường ca này.

Từ quá khứ 600 năm trước, những người trai Việt vào Quảng Ngãi làm “lưu dân”: Một chàng trai sáu trăm năm trước/ một cô gái sáu trăm năm trước/ vật vã trên bãi sông Trà/ gió mơn man da thịt/ mùi bắp non mùi rong rêu mùi bùn nước sông/ ngai ngái/ đằm đằm trai gái hoang sơ; đó chính là: cái bát người con trai Việt/ lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm bên chân Tháp; lan tỏa đến hôm nay, những con người Quảng Ngãi lại “hành phương Nam” làm lưu dân lần thứ hai với tư thế “mặt căng bình thản”: mỳ gõ thâu đêm Sài Gòn hoa lệ/ trứng cút thâu đêm Sài Gòn mưa xé/ bánh xèo thâu đêm liu riu ngọn lửa/ xích lô thâu đêm từng vòng cô đơn/ đất quê tôi hai lần thất lạc/ người quê tôi hai lần lưu dân (Chân tháp)…


Cái cây tre ngâm đậm chất Quảng Ngãi: mắt rạng ngời/ mùi hơi gắt vì đã được ủ kín trong bùn nhưng lại tỏa bóng về sau/ không thể sống mà đau/ không thể chết mất gốc (Chân tre) chính là cây tre Việt, ánh mắt Việt Nam, gương mặt Việt Nam thẳng ngay, cứng rắn, kiên cường mà nhu hòa, uyển chuyển, nhẹ nhàng vẫy gió, gọi trăng.

Cái người mẹ Mộ Đức của Thanh Thảo, người mẹ Quảng Ngãi đang “xay lúa” trên chiếc “cối xay tre” để làm nên: bát ngô rang giã lớ/ trộn chút đường đen/ thơm cả chiều mẹ cho tôi ăn “ trong đầm đìa mưa tong tả” (Chân mưa) nơi góc vườn cây khế trổ hoa/ người đi đâu mãi biết là đi đâu/ con ra ngõ trước con vào vườn sau/ ngó cây vú sữa lâu lâu mẹ về  (Chân mây) cũng chính là những bà mẹ Việt Nam chịu đựng, hy sinh, yêu Tổ quốc đến tận cùng, dám hiến dâng cả những người con hy sinh cho Tổ quốc.  

Những ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi mỗi bận xuống thuyền lại trực chỉ Hoàng Sa/ như có ai dẫn/… mỗi lần bị bắt mỗi lần bị đánh/ lại trắng tay trở về dành dụm ra khơi để vừa mưu sinh vừa cắm những cột buồm làm mốc biên cương Tổ quốc cũng chính là  gương mặt của con người Việt Nam luôn tuyên bố không thể sống thiếu Hoàng Sa/ không thể sống thiếu biển. Đó là những người lính Việt, những anh bộ đội Cụ Hồ nối vòng tay giữ đảo Gạc Ma ngày giặc đến, rồi anh dũng hy sinh kết nên những tràng hoa biển bất diệt: Có những người lính đảo/ đã chết theo vòng tròn/ tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau/ như một tràng hoa biển/ không quỷ ma nào xé nổi/ tràng hoa biển ấy (Chân sóng).

Về nguồn gốc trường ca, Thanh Thảo từng phát biểu: “Khi những cảm nhận cá nhân và không khí chung của một xã hội, một dân tộc còn chưa nguôi, chưa lặng, đó là thời điểm của xuất hiện những anh hùng ca, những trường ca”. Lịch sử các cuộc chiến tranh giữ nước Việt Nam chưa nguôi lặng; biển Đông đang dậy sóng; Lý Sơn của Quảng Ngãi gắn chặt với Hoàng Sa đang trở thành một mảnh hình hài thiêng liêng của Tổ quốc, và là tiêu điểm khẳng định chủ quyền Tổ quốc... Trường ca thứ 10 của người con tài hoa Quảng Ngãi - Thanh Thảo đã chào đời, và tạo ra những dư chấn, làm sáng thêm lên hình ảnh Quảng Ngãi trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

 

T.S Mai Bá Ấn

 


.