Kế hoạch khai quật tàu chứa cổ vật tại Bình Châu: Khẩn cấp nhưng không thể vội

09:09, 13/09/2012
.

(QNĐT)- Chiều 13/9, các chuyên gia khảo cổ học và ngành văn hóa của Quảng Ngãi đã đến thị sát khu vực con tàu đắm và đưa ra những nhận định ban đầu bàn phương pháp khai quật.

TIN LIÊN QUAN


Đoàn chuyên gia gồm: TS Phạm Quốc Quân- ủy viên Hội dồng di sản quốc gia, nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia; TS Nguyễn Đình Chiến- Phó GĐ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng giám định cổ vật (Bộ VHTT&DL); TS Nguyễn Đăng Vũ- GĐ Sở VHTT&DL; TS Đoàn Ngọc Khôi- Phó GĐ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Ths Nông Quốc Thành- trưởng phòng Quản lý Di sản (Cục Di sản, Bộ VHTT&DL).            

Qua những mảnh vỡ được trục vớt từ con tàu đắm mà người dân Châu Thuận Biển cung cấp, các chuyên gia nhận định các hiện vật này có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XIV đầu XV.

Khai quật phải theo quy trình     
        
Sau khi thị sát địa điểm phát hiện con tàu đắm chứa cổ vật, TS Phạm Quốc Quân cho biết, mặc dù vị trí con tàu đắm rất gần bờ nhưng muốn khai quật cũng không phải dễ dàng. Theo các thông tin mà người dân cho biết thì con tàu này nằm sâu trong cát nên việc khai quật sẽ gặp khó khăn. Muốn khai quật phải tuân thủ quy trình khảo cổ bằng việc chia thành các hố thăm dò dưới nước. Ngoài ra cần phải xem xét quy mô, số lượng và các yếu tố như dòng chảy, độ phủ lấp của bùn, cát... trên cơ sở đó mới đưa ra phương pháp khai quật hữu hiệu.
 

Qua những mảnh vỡ được trục vớt từ con tàu đắm, các chuyên gia nhận định các hiện vật này có niên đại vào cuối thế kỷ XIV đầu XV.
Qua những mảnh vỡ được trục vớt từ con tàu đắm, các chuyên gia nhận định các hiện vật này có niên đại vào cuối thế kỷ XIV đầu XV.

 

"Với những con tàu chúng tôi từng tham gia khai quật thì thuận lợi nhất cũng phải mất 2 mùa khai quật (mùa biển động thì dừng) mới hoàn thành. Với con tàu này, tuy có vị trí gần bờ nhưng thời gian để khai quật bao lâu thì chưa thể nhận định được" - TS Quân nói. Được biết, TS Phạm Quốc Quân và TS Nguyễn Đình Chiến đã tham gia khai quật khoảng 5 con tàu đắm có chứa cổ vật dọc bờ biển Việt Nam.

Trong những ngày tới, các chuyên gia sẽ tham gia cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi mới có thể đưa ra nhận định cụ thể để tiến hành khai quật.

Đã 3 đơn vị xin phép được tham gia khai quật

TS Nguyễn Đăng Vũ cho biết, sau khi Bộ VHTT&DL cho phép khai quật khẩn cấp con tàu chứa cổ vật tại Bình Châu, những ngày qua, Sở đã khẩn trương làm các thủ tục cần thiết, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo trục vớt con tàu. Trong những ngày tới, ngành văn hóa sẽ phối hợp với Hội đồng thẩm định cổ vật của Bộ VHTT&DL tiến hành thăm dò, khảo sát mọi yếu tố để tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời khai quật con tàu đắm.

 

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở VHTT&DL liên hệ đơn vị có chức năng và kinh nghiệm khảo cổ học dưới nước để tham gia khai quật. Đến thời điểm này đã có 3 đơn vị đề nghị được tham gia khai quật con tàu chứa cổ vật.

Tuy nhiên, cũng theo TS Nguyễn Đăng Vũ, mặc dù rất khẩn cấp nhưng cần phải làm theo đúng trình tự trong khảo cổ cũng như Luật Bảo vệ Di sản. Không thể vì khẩn cấp mà có thể đưa ngay những đơn vị trục vớt cứu hộ thuần túy tham gia được.

Như vậy, mặc dù việc bảo vệ cổ vật cũng như để ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương đang đặt ra khẩn cấp, nhưng để có thể khai quật, trục vớt cổ vật không thể một sớm một chiều. Vì thế, các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ con tàu đắm, đồng thời vận động người dân không lén lút lặn tìm cổ vật, tạo điều kiện để việc trục vớt con tàu diễn ra thuận lợi trong thời gian đến.



XUÂN THIÊN

 


.