Long lanh "Hai nửa vầng trăng"

07:06, 08/06/2012
.

(QNg)- Sau cuốn "Người lính", tác giả Nguyễn Trung Chính lại vừa xuất bản cuốn "Hai nửa vầng trăng" với trên 240 trang in. Sách do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng ngãi tài trợ ấn hành.

Nguyễn Trung Chính quê Quảng Ngãi, ông nguyên là cán bộ giảng dạy Trường Tuyên huấn Trung ương II, Trường Nguyễn Ái Quốc III tại Đà Nẵng.

Là người sống xa quê nhưng ký ức về quê hương với dòng sông, bến nước, doi cát, đường làng vẫn hằn sâu; nó bật ra trên những trang văn rực rỡ như ánh hào quang của quá khứ bi tráng và ngọt ngào. Nếu trong "Người lính" quê hương hiện lên dữ dội trong tiếng bom gào, đạn rú, trong sự dã man cùng tận của kẻ thù, những trận đánh nẩy lửa với vinh quang và cay đắng của chiến tranh -  thì ở "Hai nửa vầng trăng" quê hương thanh bình đang ra sức dựng xây cuộc sống mới trên hoang tàn đổ nát của một thời chưa xa lắm, trên cái nền cuộc tình của đôi bạn trẻ Quang Tú và Thúy Phượng, tác giả đã vẽ nên một bức tranh quê với những gam màu tươi sáng, những dòng hồi ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại; thú ẩm thực của người dân Quảng Ngãi thuở xưa còn truyền mãi đến ngày nay.

Chúng ta hãy cùng tác giả thưởng thức món chim mía đặc sản: "Mùa tháng 3, mùa vàng no đủ của nhà quê xen lẫn màu trắng hoa mía trải dài như dải lụa, trông cảnh quê đẹp như tranh vẽ. Mùi thơm của nắng, mùi thơm của lúa, của rơm rạ và hoa cỏ, quyện vào mùi thơm của mía tạo nên cái mùi hương đồng gió nội đặc quánh. Thứ hương đồng gió nội của mùa tháng 3 cũng quyến rũ mời gọi các loài chim ri, chim sẻ, chim dồng dộc". Tất cả những loài chim ấy, ngày đi ăn, tối về ngủ trong mía nên được gọi chung là "chim mía". Người ta bắt chúng đưa vào bếp, dọn lên bàn để làm mồi cho thực khách "Trong bụng chim nào là sả, ớt xanh, lá chanh, hạt tiêu, muối hột rồi phết lên lớp dầu phụng, nướng xèo xèo trên lửa than, chim chín sém vàng, mùi thơm tận ngoài ngõ".

Và đây, con sông Trà vẫn chảy hoài, chảy mãi trong tâm thức của ông với những dòng gợi nhớ: "Con sông nhọc nhằn đã bao đời nuôi hoài loài cá bống, cá thài bai mà chẳng thấy lớn, con don không thấy to, nên trở thành thứ đặc sản của Quảng Ngãi, nó mang cái hồn của dòng sông quê. Nghĩ mà thương con sông. Sông nước thì ở đâu mà chẳng có. Tại sao chỉ sông Trà Khúc mới có con don và cá bống, thài bai?".

Vẫn thấp thoáng trên những trang viết trong cuốn "Hai nửa vầng trăng" bóng dáng của chiến tranh. Cũng phải thôi, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta trường kỳ suốt 21 năm đằng đẳng, mãi đến tận hôm nay tiếng "Nhắn tìm đồng đội" vẫn vang lên tha thiết thì Nguyễn Trung Chính bị ám ảnh bởi bà mẹ ngày đêm đi tìm hài cốt đứa con hy sinh từ ngày ấy đến giờ là điều dễ hiểu: "Hình ảnh người mẹ liêu xiêu trong nắng chiều héo úa đi tìm xác con. Gió sông Trà thổi tóc mẹ bay bay bạc trắng. Mẹ thắp nén hương, bốc từng nắm đất. Chỉ người mẹ mang nặng đẻ đau mới có linh tính, cảm nhận được cái mùi da thịt của con mình còn nằm đâu đó trong cát bụi. Con của mẹ tuổi 15, 16 da thịt vẫn còn thơm mùi sữa, làm sao mẹ quên được. Dẫu có ngàn năm nằm xuống mẹ vẫn nhận ra mùi da thịt của con mình, và con của mẹ vẫn còn mãi là tuổi 16, đôi mươi. Người chết chẳng bao giờ già".

Lấy bối cảnh cuộc tình của Quang Tú và Thúy Phượng, tác giả đưa ta từ chiến tranh đến hòa bình; từ Việt Nam đến Hoa Kỳ, Nhật Bản; từ Quảng Ngãi đến Nha Trang, Đà Lạt, Phan Rang… Tuy nhiên, khi viết về quê hương Quảng Ngãi, ngòi bút của anh dường như cẩn trọng hơn, có hồn hơn. Bởi vậy, cũng có sức cuốn hút lớn hơn.


Trầm Thụy Du
 


.