Tiếng đàn B’roat, B’row trên non cao...

09:06, 03/06/2011
.

(QNg) - Ngày xưa, tiếng đàn B’roat, B’row hay đàn Ngói được mệnh danh là linh hồn trong các đêm lễ hội, thể hiện nét văn hóa rất riêng và đặc sắc của đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Minh Long. Tuy nhiên theo thời gian, loại nhạc cụ này đang dần mai một, vì số người biết chơi các loại đàn này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nỉ non tiếng đàn non cao…

Theo lời giới thiệu của anh cán bộ văn hóa thông tin xã Thanh An Đinh Văn Qua, tôi tìm đến nhà nghệ nhân Đinh Thị Đê (ở thôn Côn Loan). Bên căn nhà ngói nhỏ là ngôi nhà sàn cũ kỹ, nằm nép mình dưới những tán cây rừng mát rượi. Thấy tôi, chị vội nói: Cô đến tìm hiểu về đàn B’roat, B’row phải không? Đàn nhà mình hỏng hết rồi, chỉ còn mỗi hai chiếc thôi. Dứt lời chị nhanh nhẹn đi vào nhà, lấy hai cây đàn B’roat 8 dây và B’row 2 dây ra khoe với khách.
 
 Nghệ nhân Đinh Thị Đê đang điều chỉnh thanh âm của cây đàn B’roat.
Nghệ nhân Đinh Thị Đê đang điều chỉnh thanh âm của cây đàn B’roat.
Cây đàn tuy cũ, nhưng bóng loáng, chứng tỏ nó được chị thường xuyên chăm sóc. Vừa kéo dây đàn để điều chỉnh thanh âm, chị Đê vừa nói: Hai cây đàn này đã có tuổi thọ hơn 5 năm rồi. Tuy nhìn đơn giản thế đấy, nhưng để hoàn thành thì không phải dễ, vì rất khó để tìm ra được quả bầu già, to để làm bụng đàn. Đặc biệt là thân đàn phải làm bằng tre núi, nhưng phải là loại vừa "đẻ" mắt. Điều quan trọng nhất của loại đàn này chính là việc bố trí các dây đàn sao cho cân bằng phải, trái, trước, sau thì âm thanh phát ra mới hay và chuẩn. 

Nói đoạn chị Đê lướt nhẹ ngón tay trên những phím đàn bé xíu, những âm thanh rộn rã, vui tươi được phát ra. "Bài hát "Ôi tạ ôi" đấy, thể hiện niềm phấn khởi, biết ơn của đồng bào Hrê đối với các vị thần đã cho họ mùa màng bội thu" - vừa đàn, chị Đê vừa thuyết minh. Rồi âm điệu du dương, nhẹ nhàng của ca khúc Ru con; hay nỉ non, tha thiết của các đôi nam nữ đi tìm bạn tình vào những đêm lễ hội cùng nhau uống rượu cần dưới ánh trăng…

Nghệ nhân Đinh Thị Đê hiện là người trẻ nhất còn biết làm và chơi các loại đàn này trên huyện miền núi Minh Long. 46 tuổi đời, nhưng chị đã có hơn 30 năm gắn bó với cây đàn B’roat, B’row. "Tiếng đàn B’roat, B’row là hơi thở, linh hồn của đồng bào mình. Chỉ cần nghe tiếng đàn ngân lên, mình sẽ biết được đó là văn hóa của dân tộc nào, ở vùng nào. Vì thế cha mẹ đã dạy mình chơi và làm đàn từ lúc bé tí" - chị Đê cho hay. Vậy nên, ngoại trừ những lúc vác đàn đi biểu diễn ở xứ người, thì bà con nơi đây vẫn thường thấy chị ôm đàn ra gảy vào mỗi tối, như là một cách để nhớ về tổ tiên, cội nguồn.  

Lưu luyến tiếng đàn xưa

Đang say sưa lướt phím, bỗng nét mặt chị Đê biến sắc và tiếng đàn dường như lạc điệu hẳn. "Dây đàn đứt, báo hiệu điềm gở" - chị Đê nói buồn. Trong khi tôi vẫn còn chưa hiểu ẩn ý trong câu nói ấy, chị Đê tiếp: Dây đàn đứt liên tục nghĩa là "ngày chết" của loại đàn ấy sẽ không xa. Rồi đây tiếng đàn B’roat, B’row sẽ vắng bóng trong các mùa lễ hội, bởi còn ai biết làm và chơi loại nhạc cụ này nữa đâu? Không biết mai này, liệu con cháu mình có còn biết đến đàn B’roat, B’row hay đàn Ngói, vốn đã từng ăn sâu vào máu thịt của người Hrê không?
 
Cùng với lo lắng của chị Đê thì nghệ nhân Đinh Văn Lầy (ở thôn Dư Hữu, xã Long Mai) - người duy nhất còn chơi được đàn Ngói trăn trở: Ngày xưa những tiếng đàn ấy đã nuôi mình lớn khôn, dạy mình tình yêu thương và biết nhớ về cội nguồn. Tiếng đàn là linh hồn, là sợi dây kết nối tình cảm trong cộng đồng người dân tộc Hrê. Vì thế trong làng ai ai cũng biết làm và chơi đàn hết. Nhưng ngày nay tụi nhỏ lại cho rằng, những loại đàn này đã lạc hậu, lỗi thời nên không màng đến. Mình nghe thế mà buồn.
 
Hiện số người còn biết chơi các loại đàn này chỉ đếm trên đầu ngón tay, với khoảng 4 - 5 người chủ yếu là những nghệ nhân già còn duyên nợ, lưu luyến với tiếng đàn xưa. "Đau xót và bất lực, chúng tôi đành đứng nhìn hơi thở của tiếng đàn đang yếu và dần lịm đi" - ông Lầy chua xót.

Mặc dù phòng VHTT&TT huyện đã nỗ lực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, vận động các nghệ nhân mở lớp dạy đàn, nhằm bảo tồn và phát triển nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, nhưng xem ra điều này không hề đơn giản. Bởi lẽ hiện giới trẻ rất thờ ơ và hầu như không quan tâm đến loại nhạc cụ này.
 
"Các loại hình nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hrê trên huyện miền núi Minh Long đang chết dần chết mòn, vì thiếu hậu duệ. Chúng tôi cũng đã tiến hành lập đề án, trình các cấp phê duyệt chương trình hành động, nhằm kịp thời bảo tồn các loại hình mang đậm nét văn hóa này. Bởi suy cho cùng, bảo tồn các giá trị văn hóa, chính là một cách để mỗi dân tộc tự bảo vệ mình trong thời đại hội nhập như hiện nay" - anh Lê Đình Thông, Trưởng phòng VHTT&TT huyện Minh Long trăn trở.

Mỹ Hoa

.