Tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc...

09:04, 16/04/2010
.
(QNg) - Như nhiều dân tộc anh em khác trên mọi miền Tổ quốc, đồng bào các dân tộc Hrê, Cor và Ca Dong cũng có nền văn hoá khá độc đáo. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cuộc sống của đồng bào hết sức gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào. Họ vừa lao động sản xuất để duy trì cuộc sống, vừa tích cực phục vụ cách mạng và cũng không ngừng sáng tạo, bồi đắp cho dân tộc mình những tài sản văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình, để rồi từ đó lưu truyền cho con cháu...
 
Đội văn nghệ dân gian Hr’e - Minh Long.
Đội văn nghệ dân gian Hr’e - Minh Long.
Ở miền núi phía tây Quảng Ngãi, chuyện già làng Đinh Ngọc Su (thôn Tả Pa, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà) được phong tặng nghệ nhân dân gian và là người dân tộc thiểu số đầu tiên của Quảng Ngãi được phong danh hiệu này không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân, gia đình ông mà còn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Hrê. Là người chế tác và biểu diễn thuần thục nhiều nhạc cụ của dân tộc mình như Tà - vố, Ra - ngói, Tà-lía, K-râu, B-rooc…, không những vậy người "giữ hồn" cho dân tộc Hrê này luôn trăn trở và mong muốn được giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, nhất là các nhạc cụ của đồng bào mình phải được lưu truyền cho mai sau. Với ý nghĩ đó, ông đã tận tình chỉ dạy cho thanh niên địa phương, rồi tham gia hướng dẫn cho các em học sinh Trường tiểu học Sơn Thượng trong những giờ ngoại khóa về cách làm và sử dụng nhạc cụ Tà Vố. 

Ông Su kể, tham gia bộ đội chống Mỹ, và trở về khi đất nước hòa bình, thấy lũ trẻ trong làng ngày càng lãng quên các làn điệu dân ca của dân tộc mình nên ông rất lo ngại. Ông quyết phải lưu giữ những tinh hoa của dân tộc mình, trước tiên ông làm sáo Tà-vố và đàn Ra-ngói cũng như các nhạc cụ khác thổi cho trẻ con nghe. Thấy bọn trẻ thích, ông càng phấn khởi chỉ bày cho chúng. Bọn trẻ mang sáo và đàn đến lớp thổi. Điều mà ông không ngờ là khi nghe tiếng sáo, tiếng đàn có làn, có điệu, các thầy cô giáo ở xã Sơn Thượng đã báo với Phòng Văn hóa-Thông tin Sơn Hà.  Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở VHTT & DL) đã đề nghị địa phương có kế hoạch bảo tồn các làn điệu dân ca, các nhạc cụ dân tộc. Và từ đó đến nay, ông không ngừng truyền lại cho các thế hệ sau kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác, cách thức sử dụng nhạc khí và cách thể hiện các làn điệu dân ca Hrê. Ngoài việc chế tác, truyền tinh hoa của dân tộc cho thế hệ trẻ, ông còn là người thường tổ chức biểu diễn âm nhạc tại các làng, khu dân cư trong và ngoài tỉnh.

Cũng đau đáu một nỗi niềm là gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, anh Hồ Ngọc An - cán bộ văn hóa xã Trà Thủy (Trà Bồng)  luôn dành thời gian dạy cho các con và thanh niên trong làng những tục lệ của người Cor. Được thừa hưởng những nét đặc sắc của văn hóa người Cor từ người cha là cụ Hồ Văn Hoàng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, một nghệ nhân nổi tiếng với cây đàn Bro, sáo Talía, và một kho kiến thức về vốn âm nhạc cổ truyền, những làn điệu dân gian như Klu, Xàru, Alát, Agiới, Arùa, những  phong tục tập quán truyền thống.

Yêu quý và tự hào về văn hóa dân tộc mình, anh An đã cố công tìm hiểu và sưu tầm, gìn giữ những vốn quý của văn hóa người Cor. Anh là một trong số ít người Cor vừa biết chơi, vừa chế tác được một số nhạc cụ dân tộc, làm những vật dụng cổ truyền như cây nêu, cây gu, la vang,... cho những lễ hội truyền thống của dân tộc. Chính vì những cố gắng và sự kiên trì của anh mà ba cô con gái ai cũng thuần thục những điệu múa dân tộc, năm người con trai đều là những tay chiêng cừ, đặc biệt người con trai trưởng được ông chăm chút dạy cho biết những luật tục, phép tắc trong các lễ nghi và những bài cúng giỗ. 

Ở vai trò người cán bộ văn hóa, anh đã vận động nhân dân gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình, nhất là các bộ cồng chiêng. Bởi theo lời anh tiếng chiêng tự bao giờ đã gắn bó máu thịt với nhân dân Cor từ khi họ sinh ra, đến khi trưởng thành và trở về với ông bà, tổ tiên. Tiếng chiêng luôn gắn kết chặt chẽ với vòng đời của họ... nó đã trở thành dòng máu chảy trong huyết quản. Từ đó đã kết tinh thành các giá trị văn hoá mang tính bản sắc.

Nhờ vậy, hiện nay riêng ở thôn 2 xã Trà Thủy vẫn còn giữ được tới 70 bộ cồng chiêng, hàng chục cây đàn Bro, kèn Amáp, sáo Talía... hầu hết các gia đình vẫn còn giữ được trang phục truyền thống.

Các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca và hình thức lễ hội của đồng bào Hrê, Cor, Ca Dong rất phong phú đa dạng, vừa có sự khác biệt lại vừa có điểm tương đồng… Đó là những tinh hoa trong đời sống tinh thần của đồng bào được kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo và đấu tranh vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại và phát triển.
 
Do đó việc lưu truyền không chỉ biết sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, mà quan trọng hơn là khơi dậy và thắp lên ngọn lửa tình yêu âm nhạc, nhạc cụ truyền thống đích thực trong mỗi con người Hrê, Cor, Ca Dong, nhất là các thế hệ trẻ hôm nay. Tuy nhiên trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều loại nhạc cụ, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, lễ hội truyền thống đã bị thất lạc và mai một; số nghệ nhân biết trình diễn và am hiểu sâu sắc về nhạc cụ, về các làn điệu dân ca cũng trở nên thưa vắng dần. Bên cạnh đó, khi xã hội càng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế  thì một số đông thế hệ trẻ đã quay lưng lại với văn hóa truyền thống, với bản sắc văn hóa dân tộc mình. 

Với ý nghĩa đó, ngày văn hóa các dân tộc VN (19/4) hằng năm cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc...

T.Thuận

.