Hàng trăm giáo viên hợp đồng mòn mỏi chờ lương

09:04, 25/04/2019
.
(Baoquangngai) - Thiếu giáo viên đứng lớp, từ đầu năm học 2018 - 2019, nhiều trường học ký hợp đồng với giáo viên để đảm bảo nhiệm vụ năm học. Thế nhưng đã 4 tháng qua, giáo viên hợp đồng rơi vào tình cảnh mòn mỏi chờ nhận lương…
Vướng quy định
 
Từ đầu năm học 2018 - 2019, do thiếu 4 giáo viên và 1 nhân viên kế toán so với chỉ tiêu biên chế nên để đảm bảo việc dạy và học, được sự cho phép của Phòng GD&ĐT, Trường THCS Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) đã ký hợp đồng 1 nhân viên kế toán và 2 giáo viên.
 
Số tiết còn lại nhà trường phân bổ cho giáo viên khác dạy tăng tiết. Việc chi trả lương thỏa thuận giữa nhà trường và các lao động là 40.000 đồng/tiết, vị chi lương của giáo viên hợp đồng là 2 triệu đồng/người/tháng, nhân viên kế toán là 2,5 triệu đồng/tháng.
 
Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, số giáo viên này không được chi trả tiền lương vì Kho bạc Nhà nước từ chối giải ngân với lý do “vướng quy định của cấp trên không cho hợp đồng động lao động kể từ ngày 1.1.2019”.
 
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú, cô Hồ Thị Ngọc Sương cho biết, nếu nhà trường không hợp đồng giáo viên sẽ không có người đứng lớp, không thể bỏ học sinh giữa chừng. Do đó việc kéo dài hợp đồng đến 30.6.2019, hết thời gian năm học là cần thiết.
 
 Hiện nay, có khoảng 700 giáo viên hợp đồng đang mòn mỏi chờ nhận lương.
Hiện nay, có khoảng 700 giáo viên hợp đồng đang mòn mỏi chờ nhận lương.
 
Bị kho bạc từ chối chi trả khiến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn. Suốt 4 tháng qua, nhà trường phải tiết kiệm, chắt chiu chi tiêu từ các hoạt động khác để tạm ứng cho giáo viên.
 
Tại Trường TH Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) năm học này thiếu đến 7 giáo viên. Nhà trường đã ký hợp đồng lao động với 7 giáo viên với mức lương chỉ từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Thực tế việc ký hợp đồng lao động đối với các giáo viên này là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu dạy học của trường. Và số giáo viên này cũng rơi vào tình cảnh mòn mỏi chờ lương. 
 
Chị V, một giáo viên hợp đồng (xin được giấu tên) chia sẻ: Sau 7 năm ra trường, chưa tìm được việc làm chị đã đi dạy kèm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm 2017, chị dự thi tuyển giáo viên, nhưng không đỗ. Đến đầu năm học 2018 - 2019, được dạy hợp đồng ở trường tiểu học.

“Mặc dù đồng lương ít ỏi nhưng cũng giúp bản thân trang trải được phần nào cuộc sống. Từ ngày không có lương, cuộc sống của tôi cùng khó khăn. Đã nhiều lần mình muốn bỏ nghề, nhưng do lòng yêu nghề, không nỡ bỏ học sinh giữa chừng” - chị V bộc bạch.
 
Bất cập?
 
Theo Phó Hiệu trưởng Trường TH Chánh Lộ, thầy Lê Đình Thành, lương giáo viên hợp đồng đã thấp còn bị từ chối chi trả suốt 4 tháng khiến cuộc sống của họ đã khó khăn càng thêm khó, chất lượng giáo dục cũng không đảm bảo, vì họ không yên tâm công tác. Trường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên sớm có cách tháo gỡ, nhưng vẫn chưa có phúc đáp.
 
Cùng quan điểm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú, cô Hồ Thị Ngọc Sương cho rằng, quy định này rất bất cập với đơn vị sự nghiệp công lập như trường học. Nếu nhà trường hợp đồng vượt quá chỉ tiêu biên chế cho phép mới cắt giảm, còn trường hợp này đơn vị hợp đồng chưa đủ so với chỉ tiêu biên chế được giao. 
 

Thiếu giáo viên ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.

Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Kiểm xác nhận, sự việc trên là có thật. Việc các trường hợp đồng với giáo viên là đương nhiên vì hiện nay, thành phố thiếu khoảng 200 biên chế, nhưng chưa được bổ sung vì năm qua không tổ chức luân chuyển cũng như thi tuyển giáo viên để bổ sung.

Trong khi đó, thành phố đang trên đà phát triển, số lượng học sinh mỗi năm tăng lên, các trường phải hợp đồng để đảm bảo nhiệm vụ năm học. Kinh phí hợp đồng trích từ nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị, nhưng nhiều tháng liền không được chi trả lương do vướng quy định nên Kho bạc Nhà nước không giải ngân.

Trước mắt để giải quyết khó khăn cho giáo viên, Phòng đã kiến nghị lên UBND TP. Quảng Ngãi để có biện pháp tháo gỡ, trả lương cho số giáo viên này và chấm dứt hợp đồng sau 30.6.2019. Đồng thời sớm tổ chức luân chuyển, thi tuyển để  bù với số lượng thiếu hụt này trước khi năm học 2019 - 2020 bắt đầu.

Qua tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ở TP. Quảng Ngãi mà hàng loạt các đơn vị trường học khác trong toàn tỉnh đều có lao động rơi vào trường hợp này. Theo thống kê, có khoảng 700 giáo viên hợp đồng đang chờ được nhận lương trước khi kết thúc năm học. UBND các huyện, thành phố cũng đã kiến nghị lên cấp trên, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.
 
Bài, ảnh: C.P
 

.