Dạy học sinh miền núi nói rành tiếng Việt

07:07, 21/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chất lượng học tập của học sinh miền núi phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có yếu tố quan trọng là mức độ nghe hiểu và sử dụng tiếng Việt, bởi phần lớn học sinh miền núi là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, từ hè 2018, các địa phương miền núi sẽ triển khai dạy nói tiếng Việt cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1 là con em đồng bào dân tộc trước một tháng, để các em đỡ bỡ ngỡ khi vào năm học mới.  

TIN LIÊN QUAN


Có một thực tế hiện nay là, học sinh mầm non, mẫu giáo là con em đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp xúc tiếng Việt chiếm tỷ lệ khá cao; hoặc nếu có thì chỉ mới dừng lại ở việc trông nom, chứ chưa chú trọng nhiều đến việc cho trẻ có những tiếp xúc ban đầu với tiếng Việt.

 Các thầy cô giáo bậc tiểu học tham gia lớp tập huấn Chương trình dạy nói tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trong dịp hè 2018.
Các thầy cô giáo bậc tiểu học tham gia lớp tập huấn Chương trình dạy nói tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trong dịp hè 2018.


Theo cô Trần Thị Thu Thao, giáo viên Trường Tiểu học Ba Vì (Ba Tơ), hầu như các cháu ở lứa tuổi mầm non là con em người đồng bào dân tộc thiểu số ra lớp vẫn chưa được học tiếng Việt. Các cháu chỉ được tiếp xúc với tiếng Việt khi đến trường. Ở bậc mầm non, các cháu chỉ làm quen với tiếng Việt qua các hoạt động vừa học vừa chơi, còn về nhà thì giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Từ đó các cháu gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Khi phát âm không đúng sẽ dẫn đến việc viết sai chính tả, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập những môn còn lại...

Nghe và nói không rành tiếng Việt là một thiệt thòi lớn của học sinh miền núi. Khi vào học lớp 1, do không nói được tiếng phổ thông, nhiều học sinh tỏ ra e dè, thiếu tự tin. Cô Đinh Thị Mau, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Hạ số 2 (Sơn Hà) cho hay, đối với học sinh người dân tộc thiểu số thì việc tiếp thu kiến thức sẽ gặp những khó khăn nhất định. Bản thân cô Mau là người dân tộc thiểu số nên có sự thấu hiểu đối với học sinh của mình. Khi truyền thụ kiến thức cho học sinh, giáo viên phải nói ngắn gọn, dễ hiểu. Đặc biệt không nên hỏi những câu quá dài, khiến các em không hiểu yêu cầu của giáo viên.

Tại Quảng Ngãi, con em người đồng bào dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong ở 6 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng có xã miền núi, khi ra lớp vẫn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Mặc dù đã được tăng cường tiếng Việt trong thời gian hè, trước khi vào lớp 1, nhưng vốn tiếng Việt của các em không nhiều, làm hạn chế khả năng giao tiếp và hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng các môn văn hóa.

Thực hiện Quyết định số 80 của UBND tỉnh về triển khai đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức tập huấn Chương trình dạy nói tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trong hè 2018, cho giáo viên dạy lớp 1 của các trường nằm trên địa bàn miền núi trong năm học đến.

Chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) Lê Văn Nghĩa, cho biết: Dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số như ngôn ngữ thứ hai. Mục đích cuối cùng là làm sao các em biết sử dụng các câu đơn giản để giao tiếp hằng ngày; đồng thời giúp các em biết các kỹ năng, nền nếp trước khi bước vào lớp 1.

Học sinh không sử dụng thành thạo tiếng Việt tất yếu sẽ khó nắm được kiến thức từ chương trình học. Chất lượng giáo dục đại trà vì vậy mà bị ảnh hưởng. Phần lớn học sinh lưu ban, bỏ học trong thời gian qua tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi và đều do học lực xếp loại yếu kém. Việc học sinh sử dụng không thành thạo tiếng Việt- phương tiện để chiếm lĩnh kiến thức là một tác nhân quan trọng dẫn đến thực trạng đáng buồn này. Hy vọng đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số sẽ là chìa khóa giúp cho các em người đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận với kiến thức hơn.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.