Phát huy văn hóa đọc trong học sinh

08:11, 03/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để học sinh không xa dần với văn hóa đọc, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có cách làm sáng tạo, thu hút học sinh đến với thư viện và dần thích thú với những cuốn sách hay.  

TIN LIÊN QUAN

Phát động "Ngày hội đọc sách"  

Trăn trở trước thực trạng học sinh "lướt web" nhiều hơn là đọc sách, nhiều em xa rời với văn hóa đọc, ông Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn luôn nghĩ cách để học sinh lĩnh hội tri thức quý giá thông qua đọc sách. Dẫn chúng tôi tham quan thư viện của trường, ông Sinh cho biết, nhà trường đã đầu tư nhiều loại sách để phục vụ nhu cầu của học sinh. Trong đó, nhiều nhất là sách giáo khoa, sách tham khảo và nhiều sách văn học Việt Nam, văn học nước ngoài...

 

Phong phú các cuốn sách hay tại
Phong phú các cuốn sách hay tại "Ngày hội đọc sách" của Trường THPT Bình Sơn.


Trước đây, học sinh ít khi lên thư viện tìm mượn sách. Để thu hút học sinh đến thư viện, Trường THPT Bình Sơn đã phát động hoạt động "Ngày hội đọc sách". Học sinh tham gia thuyết trình về những cuốn sách hay, có giá trị thiết thực cho việc học và giáo dục nhân cách. Ngày hội đọc sách đã nhận được sự ủng hộ của giáo viên và học sinh toàn trường. Phụ huynh và cựu học sinh đã tặng nhiều cuốn sách hay cho thư viện trường để góp phần phát triển văn hóa đọc trong học sinh.

Em Võ Thị Mỹ Hạnh (lớp 11B8, Trường THPT Bình Sơn) tâm sự: "Hoạt động Ngày hội đọc sách rất có ý nghĩa. Em dần bị cuốn hút bởi có nhiều cuốn sách rất hay, nhất là những cuốn sách dạy về kỹ năng sống. Đọc một cuốn sách hay, nghiền ngẫm về nội dung trong sách sẽ cho ta nhiều cảm xúc hơn việc đọc qua điện thoại. Em sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc đọc sách".

Để học sinh "làm bạn" với sách

Không chỉ riêng Trường THPT Bình Sơn, hiện nay nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp để học sinh "làm bạn" với sách, để những cuốn sách ngày càng phát huy giá trị trong việc cung cấp kiến thức, giáo dục cho học sinh nhân cách sống. Việc tìm kiếm thông tin qua mạng internet là nhanh chóng, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho học sinh.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tỏ ra lo lắng, khi hiện nay có không ít học sinh lướt web trên máy tính hoặc điện thoại không phải phục vụ việc học, tra cứu thông tin hữu ích, mà chủ yếu tham gia vào các trang mạng vô bổ, thậm chí là ảnh hưởng đến việc học. Do đó, việc phát triển văn hóa đọc trong học sinh cần  phải được đẩy mạnh.

 

Học sinh Trường THPT số 2 Tư Nghĩa đọc sách, báo trên thư viện vào giờ giải lao.
Học sinh Trường THPT số 2 Tư Nghĩa đọc sách, báo trên thư viện vào giờ giải lao.


Bà Trần Thị Thu Hằng -Hiệu trưởng Trường THPT Võ Nguyên Giáp (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: "Hiện nay có nhiều phương tiện thông tin, hoạt động giải trí, vui chơi nên nhiều học sinh sao nhãng việc đọc sách. Để hiểu hơn về cuộc sống, về con người... học sinh cần phải thường xuyên đọc sách". Bà Trần Thị Thu Hằng cho biết, thư viện của trường luôn mở cửa hai buổi/ngày. Trường tăng cường đầu tư các đầu sách, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút học sinh.

Đặc biệt, thư viện trường đầu tư "Tủ sách pháp luật" và các loại sách phù hợp với lứa tuổi học trò như truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư... Sắp tới, chi đoàn giáo viên sẽ phối hợp với thư viện của trường xây dựng "Tủ bút trung thực" và "Tủ sách kỹ năng sống", để khơi dậy văn hóa đọc cho học sinh toàn trường.

Còn tại Trường THPT số 2 Tư Nghĩa, thư viện của trường được tăng cường bổ sung các đầu sách, nhất là nguồn sách mới phát hành, đồng thời thường xuyên mở cửa phục vụ học sinh. Bên cạnh đó, cứ vào giờ chào cờ thứ hai hằng tuần, hay các buổi hoạt động Đoàn, hoạt động ngoại khóa, vào các dịp lễ, kỷ niệm, trường dành thời gian giới thiệu cho các em về những cuốn sách hay.

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

   
 


.