Phương án thi THPT quốc gia 2017: Băn khoăn với cách thi mới

10:10, 03/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017. Về cơ bản phương án thi không có nhiều thay đổi so với dự thảo, nhưng khá mới mẻ so với cách thi trước đây, nên nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên băn khoăn.

TIN LIÊN QUAN

Sở GD&ĐT là đơn vị chủ trì tổ chức thi

Theo phương án thi THPT quốc gia 2017 Bộ GD&ĐT vừa công bố, Sở GD&ĐT sẽ là đơn vị chủ trì tổ chức thi và cán bộ, giáo viên các trường ĐH, CĐ sẽ phối hợp, tổ chức thi. Về hình thức thi, thí sinh giáo dục THPT phải thực hiện cả 6 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, ngoài ra thí sinh phải chọn một trong hai tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và tổ hợp khoa học xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) để đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Những thí sinh nào xét ĐH, CĐ thì sẽ được tách các môn trong tổ hợp để xét tuyển. Riêng thí sinh giáo dục thường xuyên thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ Văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 tổ hợp trên. Các em có thể lựa chọn thi Ngoại ngữ nếu có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ và các môn thuộc khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng, được chấm bằng phần mềm máy tính. Bài thi Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, do giáo viên chấm.

Đề thi cho mỗi thành phần trong bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm dành cho cả 3 môn). Năm nay, Bộ GD&ĐT có điểm khống chế (điểm liệt) cho các môn độc lập và từng môn thành phần trong tổ hợp là 1 điểm, như vậy sẽ hạn chế được việc thí sinh học lệch.

Cả thầy và trò đều lo

Theo ý kiến của nhiều giáo viên và học sinh, sự thay đổi phương án thi quá gấp, nhất là đối với môn Toán được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm. Nhiều thầy cô giáo ở nhiều bộ môn chưa được làm quen hình thức ra đề thi trắc nghiệm, nên cảm thấy lúng túng.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, thâm niên 22 năm dạy Toán tại Trường THPT Lê Trung Đình, cho rằng: "Lâu nay, thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ đối với môn Toán đều ra đề tự luận. Vì thế, trong mỗi bài học đều có phần bài tập kiểm tra đánh giá năng lực học sinh bằng hình thức trắc nghiệm nhưng không được quan tâm. Nay Bộ GD&ĐT đổi mới cách ra đề, nên chúng tôi có phần lo lắng. Mong Bộ GD&ĐT sớm có kho đề thi để học sinh làm quen".
 
Ông  Phạm Thạch Sinh- Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, nêu quan điểm: “Phương án thi là phù hợp với thực tế, nhưng với hình thức thi này, buộc học sinh phải nắm đầy đủ một khối lượng kiến thức lớn, tránh học tủ, học lệch. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần phải có lộ trình để giáo viên, học sinh làm quen và chuẩn bị. Nếu như bắt đầu triển khai từ lớp 10 và hướng học sinh vào guồng quay này thì không có gì phải lo ngại. Đằng này, Bộ GD&ĐT thay đổi quá đột ngột...".

Theo ông Lâm Tín - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, mặc dù Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã áp dụng phương án này trong kỳ thi tuyển sinh năm 2016, nhưng nhà trường không lường được là Bộ GD&ĐT sẽ triển khai đại trà. "Môn Toán và Giáo dục công dân thi theo hình thức trắc nghiệm thì rất khó, môn Toán lâu nay được dạy theo cách phân tích, giải theo hướng đào sâu, còn môn Giáo dục công dân lần đầu tiên được đưa vào thi tốt nghiệp, nên học sinh và giáo viên rất lúng túng", ông Tín phân tích.   

Không chỉ có giáo viên mà học sinh và phụ huynh cũng rất lo lắng trước sự thay đổi về phương án thi THPT quốc gia 2017. Em Trần Lê Nhật - Lớp 12 A1 Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, cho biết: "Ngay từ khi vào lớp 10 em đã chọn đi khối A để xét tuyển ĐH, CĐ, vậy nên em tập trung học kỹ các môn Toán, Lý, Hóa, đối với môn Sinh học, em chỉ học để tránh điểm liệt. Giờ theo phương án thi mới, em cảm thấy rất lo".

Mặc dù có phần lo lắng, song các trường học trong tỉnh hiện đang khẩn trương triển khai phương án thi để giáo viên và học sinh chủ động; đồng thời chỉ đạo các tổ bộ môn thành lập ngân hàng câu hỏi, soạn giáo án theo phương án trắc nghiệm để giúp học sinh làm quen với cách thức thi mới.

TRỊNH PHƯƠNG-MAI HẠ

 

-Ông Nguyễn Minh Trí - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Phương án thi THPT quốc gia  2017 đưa ra khá thuận lợi cho thí sinh vì cơ bản các em thi trắc nghiệm. Đáp án đưa ra cũng là một hình thức gợi ý cho thí sinh. Còn thi tự luận thì các em phải tư duy, lập luận. Tuy nhiên, nhược điểm của thi trắc nghiệm là không phát huy được tính sáng tạo và khả năng lập luận của học sinh. Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức thi là chuyện rất bình thường, vì trước đây đã từng chủ trì. Bộ GD&ĐT cũng sẽ cử cán bộ, giáo viên của các trường ĐH, CĐ hỗ trợ việc coi thi. Sở GD&ĐT đã thông báo phương án thi mới cho tất cả các trường học và yêu cầu nhà trường phổ biến cho giáo viên và học sinh, để chủ động trong việc dạy và học.

-Nhà giáo ưu tú Bùi Phụ Anh- Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Kế toán: Thi trắc nghiệm sẽ giúp đánh giá khách quan, công bằng hơn. Nhà trường có định hướng sẽ xét tuyển các tổ hợp truyền thống, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em đã có sự lựa chọn khối ngành từ trước. Bộ GD&ĐT cũng cần có sự tính toán, khảo sát thật kỹ nhằm đưa ra những đổi mới đúng đắn, phù hợp và đi vào nền nếp, không nên năm nào cũng đổi mới. Mục tiêu quan trọng nhất của sự đổi mới, đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

-Bà Phan Thị Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình (TP. Quảng Ngãi):  Lâu nay trường đã phân luồng, hình thành các khối thi tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, khi tiếp nhận phương án mới, trường rà soát lại số lượng học sinh đăng ký dự thi các khối thì có rất ít học sinh theo học khối C. Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có thêm môn thi Giáo dục công dân trong khối C, thì chắc chắn học sinh chọn khối này càng ít hơn.

 

M.HẠ- TR. PHƯƠNG (ghi)

 


.