Ngập tràn "phao" mùa thi

07:06, 03/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ bắt đầu mùa thi, thay vì dành thời gian cho việc học tập, ôn luyện, nhiều em học sinh lại có suy nghĩ tìm cách đối phó để vượt qua mùa thi bằng cách đem "phao". Thực trạng này diễn ra đã từ lâu, đến nay câu chuyện gian lận trong thi cử vẫn còn nhức nhối.

Phao vẫn vào phòng thi

Tại các cửa hiệu photocopy gần các điểm trường THCS,THPT trên địa bàn tỉnh... không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn học sinh đến mua phao, in phao để mang vào phòng thi vào mỗi mùa thi cử. Đủ kích cỡ, kiểu chữ, hình dạng, nhưng hiện nay, các em  thường chuộng kiểu phao thi gấp dưới dạng cỡ giấy và cỡ chữ siêu nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay… Việc sử dụng và nhìn được những phao thi dạng như thế này là điều không dễ dàng, phải có một quá trình làm quen, tập sử dụng, nhưng các em vẫn cho rằng thà mất thời gian để rèn luyện cách xem phao còn hơn là học bài, ôn luyện để có kiến thức.

 

Phao được mang vào phòng thi với cỡ chữ siêu nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay
Phao được mang vào phòng thi với cỡ chữ siêu nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay


Sử dụng phao thi, tài liệu là điều cấm kỵ, phạm vào quy chế thi, thế nhưng việc phao thi nhan nhản ở các phòng học, sân trường sau mỗi buổi thi kết thúc trở thành điều quá đỗi quen thuộc. Không biết bao nhiêu phần trăm phao thi được các bạn mang vào phòng thi và đã sử dụng được, nhưng thực trạng in, mua phao thì ngày càng diễn ra tràn lan, khiến nhiều người phải suy ngẫm: Tại sao mỗi kỳ thi, chính là mỗi lần kiểm tra, xem xét lại quá trình học tập của chính các em mà lại trở thành một việc khó nhọc, để phải đối phó, gian dối.

Bao giờ mới chấm dứt?

Việc đổi mới trong thi cử là điều cấp thiết nhất, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và xóa bỏ tình trạng gian lận trong thi cử. Nhưng hầu như, cứ mỗi mùa thi, thực trạng quay cóp, đem tài liệu vào phòng thi vẫn chưa hạ nhiệt. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Cảm – cán bộ phụ trách chuyên môn khối THCS thuộc Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh, cho biết: Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, trong một đề thi, nội dung thi chia thành 40% nhận biết, khái niệm; 30% là thông hiểu; 20% là vận dụng thấp; 10% là vận dụng cao. Vì cơ cấu của đề thi như thế, nên không thể nào ra đề nằm ngoài trọng tâm của sách giáo khoa, lý thuyết được học. Cho nên khi bắt đầu mùa thi, thay vì dành thời gian cho việc ôn luyện, nhiều em học sinh lại dành thời gian gần tới ngày thi photo tài liệu đem vào phòng thi nhằm đối phó với 40% lý thuyết.

Để chấm dứt thực trạng này không phải là việc đơn giản và không thể làm nhanh chóng, vì nó bao gồm ý thức của học sinh và công tác giảng dạy, ra đề thi và coi thi... Hy vọng các cấp ngành sớm có những đề án, giải pháp kịp thời để nâng cao được chất lượng giáo dục cũng như cách dạy học, ra đề thi, coi thi đi vào thực chất hơn.


Bài, ảnh: H.THU- Đ.SƯƠNG


 


.