Chuyển biến trong lựa chọn nghề nghiệp của học sinh

08:05, 30/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, với việc hàng nghìn sinh viên đại học tốt nghiệp ở tỉnh ta ra trường nhưng đang bị thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp, công ty rơi vào tình trạng “ thừa thầy”, “thiếu thợ”. Tình cảnh khốn khó về việc làm diễn ra trên nhiều ngành, nghề đã có những tác động tích cực đến việc đăng ký, lựa chọn nghề nghiệp tương lai của học sinh, phụ huynh trên địa bàn tỉnh.

Năm nay, theo thống kê bước đầu từ các trường cho thấy, số học sinh lớp 12 tỉnh ta chọn cụm thi tốt nghiệp THPT chỉ với mục đích để tốt nghiệp THPT tăng gần 10% so với năm ngoái. Điểm đáng chú ý khác của năm nay là, Địa lý - môn xã hội, được học sinh lựa chọn nhiều nhất, vượt xa các môn tự chọn còn lại.

Sự biến thiên của cụm thi và các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trong 3 năm qua cho thấy, học sinh lớp 12 có sự nhìn nhận thực tế hơn về tính chất kỳ thi, về lựa chọn ngành nghề. Rõ ràng, lâu nay cánh cửa ngành nghề, việc làm dành cho các thí sinh, sinh viên học ngành khoa học xã hội- nhân văn (khối C) rất hạn hẹp, nhưng tại sao năm nay lại có nhiều học sinh chọn thi môn Địa lý?

Học sinh Tây Trà trong giờ học. Ảnh: TL
Học sinh Tây Trà trong giờ học. Ảnh: TL


Từ thực tiễn, thầy Nguyễn Đắc Vương - Tổ trưởng tổ xã hội, dạy môn Địa lý, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) lý giải: Năm nay, nhiều học sinh chọn môn Địa lý để thi tốt nghiệp, bởi bộ môn này việc học và thi có một số thuận lợi hơn hẳn các môn học như Lịch sử, Sinh học.

Hơn nữa, việc nhiều trường CĐ, ĐH ở tốp dưới chỉ dựa vào kết quả tốt nghiệp và học bạ năm lớp 12 để tuyển sinh (hệ CĐ bỏ hẳn điểm sàn) thì cơ hội học tập của học sinh vô cùng rộng mở. Vượt qua được “cửa ải” kỳ thi tốt nghiệp THPT, gần như tất cả các em đều có trường, lớp, ngành nghề để học.

Đây là lý do học sinh có sự dịch chuyển lựa chọn cụm thi, các môn thi, hướng vào mục tiêu cơ bản, trước mắt là tốt nghiệp THPT. Chúng tôi nhận thấy, cách thay đổi về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ mấy năm nay đã có tác dụng tích cực đến giáo dục nhà trường, việc học tập, thi cử đối với học sinh trở nên, bớt áp lực, căng thẳng.

Thầy Nguyễn Ngọc Tân - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, dạy nghề huyện Sơn Tịnh cho rằng: Đã đến lúc, cần thay đổi tư duy sính bằng cấp, thích “làm thầy” của người dân ta bằng cách đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền cho họ hiểu rõ tương lai của con em họ phụ thuộc vào năng lực thực sự, chứ không phải là có tấm bằng để tiến thân. Cần giúp người dân nhận thức học để trở thành một công dân tốt, có nghề, có năng lực tự học khi làm nghề.

Công tác phân luồng học sinh THCS theo hướng 70% học sinh học tiếp lên bậc THPT, 30% học sinh còn lại chuyển sang đào tạo nghề. Muốn được vậy, trước hết, lượng chương trình, kiến thức sau khi học xong lớp 9 phải đảm bảo, vừa đủ để phụ huynh, học sinh yên tâm, tự tin với việc học nghề.

Với việc nhiều học sinh lớp 12 ở tỉnh ta năm nay chọn môn thi chỉ có mục tiêu thi tốt nghiệp, sau đó đi học ngành nghề hệ trung cấp, cao đẳng... thật sự là một tín hiệu tốt cho công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tình trạng thất nghiệp quá lớn như hiện nay khiến nhiều phụ huynh, học sinh Quảng Ngãi có cái nhìn thực tế hơn.
 

ĐỖ TẤN NGỌC

 


.