Niềm đam mê chưa bao giờ vơi

01:10, 22/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gắn bó nhiều năm với mái trường vùng cao, nhiều nữ giáo viên vẫn luôn giữ nhiệt huyết với nghề bằng niềm đam mê chưa bao giờ vơi cạn. Các cô được đồng nghiệp, học sinh tin yêu, mến phục.

“Đất lạ” hóa quê hương

Gần chục năm trước, đường từ xã Trà Xinh xuống trung tâm huyện Tây Trà là một lối mòn bên những vực sâu, bùn đất lầy lội. Vậy nên có việc cần thiết lắm người dân mới vượt núi xuống trung tâm huyện. Tái hiện đôi điều về điều kiện vật chất, cuộc sống của người dân Trà Xinh lúc ấy, cô Trần Thị Minh Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Xinh như thấy vui hơn, khi những khó khăn ấy giờ đã là chuyện của quá khứ.

Cô Huệ luôn giúp đỡ học sinh nên được các em tin yêu, quý mến.
Cô Huệ luôn giúp đỡ học sinh nên được các em tin yêu, quý mến.


Ngược dòng hồi ức về những ngày đầu lên nhận nhiệm vụ trên mảnh đất khó, cô Hiền chia sẻ: “Đồng lương giáo viên thời đó eo hẹp, phải thắt lưng buộc bụng mới đủ chi tiêu cho bản thân, nhưng tuổi trẻ mà, nhiệt huyết và đam mê với nghề lắm. Có lẽ chính điều ấy là động lực giúp mình và đồng nghiệp vượt khó suốt hơn chục năm ròng”. Cách đây 12 năm, cô Hiền cùng một số giáo viên tiên phong lên Trà Xinh dạy chữ. Những ngày mưa, sương giăng phủ kín núi rừng, đêm đến không ánh đèn điện, điện thoại, nỗi buồn không diễn tả nổi. “Vậy sao cô và đồng nghiệp vẫn bám trường lớp cho đến bây giờ”- chúng tôi hỏi.

Cô Hiền bộc bạch: “Trường mầm non nằm ở nhiều điểm lẻ, cách xa trung tâm xã, hơn nữa giáo viên đều là nữ, nên điều kiện dạy và học cũng gặp nhiều trở ngại. Nhưng bằng tình yêu nghề, thương học trò, đồng nghiệp đi trước dìu dắt người đi sau, vượt qua những ngày đầu gian nan, cố gắng sống hòa đồng với đồng bào nơi rẻo cao, bây giờ chúng tôi xem mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Đến nay trường có 14 giáo viên, có đủ trình độ đảm nhiệm việc dạy học trên địa bàn xã. Tuy nhiên, nhiều giáo viên trẻ vẫn còn đang dạy hợp đồng, khắc khoải chờ biên chế, nên vẫn chưa yên tâm công tác...”

Vừa “dạy”, vừa “dỗ”

Đó là quan điểm về phương pháp dạy học của cô Đinh Thị Huệ- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Long. Nhiều năm gắn bó với mái trường vùng cao, cô Huệ và đồng nghiệp thấu hiểu được những cái khó mà học sinh của mình phải đối mặt hằng ngày. Cô chia sẻ: “Trình độ của học sinh miền núi không thể so bì với đồng bằng, thành phố. Nhiều khi việc lên núi nhổ mì, gặt lúa giúp gia đình còn quan trọng hơn việc học chữ. Vậy nên, để “kéo” học sinh đến trường, chúng tôi phải luôn tạo môi trường thân thiện, nhằm lôi cuốn các em”. Những năm trước, tình trạng học sinh THPT ở miền núi trong tỉnh nói chung, Minh Long nói riêng, bỏ học để lập gia đình luôn ở mức cao.

Để hạn chế thực trạng này, cô Huệ và nhiều giáo viên trong trường thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện trước trường về vấn đề giáo dục giới tính, những hệ lụy từ nạn tảo hôn. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay tỷ lệ học sinh bỏ học để lập gia đình đã giảm hẳn. “Nếu dùng biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở học sinh thì tôi nghĩ rằng sẽ không hiệu quả.

Ở miền núi, nhiều khi phụ huynh “khoán trắng” việc học của các em cho nhà trường, nên ở đây chúng tôi phải vừa “dạy”, vừa “dỗ”. Giáo viên như những người thân trong gia đình, không ngừng vun đắp tình yêu thương ấy. Dần dà các em sẽ hiểu rằng, việc đến trường không chỉ đơn thuần để học chữ, mà là còn để học cách làm người nữa”, Cô Huệ bộc bạch.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN



 


.