Chuyện học sử và noi gương sáng Anh hùng

10:10, 29/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để thu hút học sinh ngày càng đam mê môn học lịch sử, nhiều năm qua, ngành giáo dục & đào tạo Quảng Ngãi đã tổ chức hưởng ứng cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tổ chức các mô hình “Noi theo gương sáng Anh hùng”... Đây là những hoạt động thiết thực và bổ ích đối với học sinh.

 Yêu sử từ những chuyện kể của ông

 Mặc dù học trội các môn tự nhiên, nhưng em Nguyễn Hằng Nga, học sinh lớp 7B Trường THCS thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) vẫn mê môn Lịch sử. Tình yêu môn Lịch sử của em bắt đầu không phải từ những cuốn sách phổ thông mà từ những câu chuyện mà ông ngoại và ông nội em trải nghiệm qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc kể lại.  Mỗi câu chuyện đều gieo vào lòng Nga niềm xúc động lẫn sự tò mò ngay từ những ngày học cấp 1. Bước vào lớp 6, tình yêu của Nga đối với môn Lịch sử càng rõ hơn. “Bài nào con cũng học thuộc. Rồi con xem câu hỏi trong sách giáo khoa, lên mạng tìm hiểu thông tin cho bài liên quan, chỗ nào khó hiểu con hỏi mẹ”, Hằng Nga bộc bạch.

Đổi mới phương pháp dạy học đang là yêu cầu đặt ra đối với ngành giáo dục và đào tạo. Trong ảnh:  Học sinh Trường THCS thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) trong giờ học sử.
Đổi mới phương pháp dạy học đang là yêu cầu đặt ra đối với ngành giáo dục và đào tạo. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) trong giờ học sử.


Từ những câu chuyện kể của ông nội, ông ngoại và sự chỉ bảo của mẹ, Hằng Nga đã được bồi bổ kiến thức và ngày càng đam mê môn Lịch sử. Năm học 2014-2015, trường tổ chức cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” - cũng là thời điểm đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, khiến Hằng Nga xúc động nên em quyết định chọn đề tài “Chiến dịch Điện Biên Phủ” cho bài thi. Hằng Nga lấy nhân vật đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trung tâm của câu chuyện. Nhờ có kiến thức toàn diện, viết xúc tích, rõ ràng, rành mạch ý tứ và trình bày đẹp nên bài thi của em đã lọt qua các vòng thi cấp huyện, tỉnh và đoạt giải ba Quốc gia.

Thầy Huỳnh Tấn An – Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn La Hà, nhận xét: “Hội đồng chấm thi cấp huyện, tỉnh đều khen ngợi và quyết định tuyển chọn bài của Nga dự thi cấp Quốc gia. Kết quả tuy đạt giải ba, nhưng đó là kỳ tích lớn, đem lại niềm  vinh hạnh cho em, gia đình và cả nhà trường.
 

Đổi mới phương pháp dạy học, khơi dậy tình yêu học sử đối với học sinh không những giúp các em ý thức rõ hơn giá trị truyền thống cách mạng, sự hy sinh lớn lao của cha ông mà càng yêu môn Lịch sử hơn, phấn đấu học tập, hình thành trong các em lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa...

Khơi dậy niềm đam mê dạy và học sử

Thầy An cho rằng, trong năm học 2015 – 2016, nhà trường tiếp tục phát động học sinh tham gia cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” trong toàn trường. Ngay từ đầu năm học, trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên nâng cao trách nhiệm và thay đổi phương pháp dạy môn Lịch sử nhằm khơi dậy niềm đam mê, hứng thú học tập cho học sinh. Cô Phạm Thị Xuân Thảo, giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường THCS thị trấn La Hà, chia sẻ kinh nghiệm: Mỗi giáo viên dạy sử phải có trách nhiệm với chính môn học của mình. Trước kiến thức trong sách giáo khoa quá nhiều, giáo viên muốn truyền đạt hết thì không đủ thời gian của 1 tiết học. Vì vậy, giáo viên phải có phương pháp dạy, gắn việc học Lịch sử với từng sự kiện, sự việc cụ thể, gợi ý cho học sinh tự tìm ý nghĩa của từng sự kiện đó với cuộc sống hiện nay; hạn chế dạy theo kiểu đọc từ sách giáo khoa cho học sinh chép. Trường hợp của em Nguyễn Hằng Nga đoạt giải Quốc gia cũng nhờ từ cách dạy và học thế này.

Một điều có ý nghĩa thiết thực hiện nay nữa là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cụ thể hóa nội dung Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015- 2030", bằng việc tổ chức chương trình "Hành trình về nơi thành lập tổ chức đảng đầu tiên của tỉnh" cho thế hệ trẻ. Mới đây, Ban Tuyên giáo tiếp tục tổ chức phát động Mô hình giáo dục truyền thống “Noi theo gương sáng Anh hùng” tại Trường THPT Bình Sơn. Mô hình được giới thiệu bằng những hình ảnh trực quan sinh động về chân dung và tóm tắt thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của các đồng chí Nguyễn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (đầu tiên năm 1930), Lê Thị Hành – Quyền Bí thư huyện Bình Sơn (tháng 10.1930 – tháng 2.1931) và các danh nhân, chí sĩ yêu nước Trương Định, Lê Trung Đình và nhà thơ tài hoa Tế Hanh...

MAI HẠ


 


.