Chuyện học dưới chân núi Cà Đam

04:10, 30/10/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Thôn Nước Nia nằm dưới chân núi Cà Đam- nơi đây được coi là một trong những vùng khó khăn nhất của huyện miền núi Trà Bồng. Thế nhưng, vượt qua khó khăn, các em học sinh dân tộc Cor ở thôn Nước Nia, xã Trà Bùi hằng ngày vẫn cần mẫn đến trường để học từng con chữ, phép tính...

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi đến điểm trường thôn Nước Nia vào những ngày trung tuần tháng 10. Để đến được nơi đây, phải vượt quãng đường hàng chục km từ thị trấn Trà Xuân vòng lên xã Trà Trung (Tây Trà), sau đó phải mất hơn 30 phút vượt qua con đường dốc, gập ghềnh sỏi đá, chúng tôi mới đến được điểm trường thôn Nước Nia.
 
Ngôi trường nằm lọt thỏm trong thung lũng núi Cà Đam. Nói là trường, thế nhưng điểm trường này đã xuống cấp trầm trọng, không cổng chào, không cửa, bàn ghế xiêu vẹo, có phòng học tường phải lấy tre để che chắn mới có thể học. Tại điểm trường này có 4 lớp học, trong đó có 1 lớp mẫu giáo với 23 cháu, còn lại là 3 lớp với 1 lớp 1, 1 lớp 3 và 1 lớp 5 với 50 em học sinh.  
 
Học sinh theo học tại điểm trường thôn Nước Nia đều là dân tộc Cor. Khác với học sinh vùng xuôi, con đường tìm đến con chữ của học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, trăn trở. Để đến được trường nhiều học sinh đã phải cố gắng rất nhiều, nhiều em phải băng rừng, vượt suối và vượt lên chính hoàn cảnh gia đình để có được con chữ. Các em rất khát khao con chữ, nên kiên trì bám lớp, bám trường cho dù đó là ngày nắng hay ngày mưa. 
 
Thầy Dương Văn Nhàn- Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Trà Bùi chia sẻ: Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng hầu hết các em học sinh ở thôn Nước Nia đều có tinh thần vượt khó học tập. Các em đi học rất siêng năng, lớp lúc nào sĩ số cũng đảm bảo 100%. Đây là dấu hiệu tốt, rất đáng tự hào về tinh thần hiếu học nơi vùng cao này. 
 
Sỉ số lớp học ở đây hầu như lúc nào cũng đảm bảo
Sĩ số lớp học ở đây hầu như lúc nào cũng đảm bảo
 
Cuộc sống khó khăn, chặng đường đến trường còn lắm gian nan, nhưng chuyện học  nơi vùng cao này vẫn luôn rộn ràng. Dù trải qua biết bao mùa, với cái nắng chói chang của mùa hè, hay cơn mưa xối xả của mùa mưa và những cơn gió rét buốt của mùa đông… đều không làm tắt đi ngọn lửa hiếu học luôn cháy trong các em. Khi hỏi có bao giờ các cháu nghĩ sẽ bỏ học chưa? Các em đều lắc đầu và cười hồn nhiên.
 
“Nhà em ở cách xa trường, đi học khó lắm nhưng em vẫn thích đến trường, được học cái chữ, được gặp bạn bè, thầy cô giáo. Em sẽ cố gắng học để mai này trở thành cô giáo”- em Hồ Thị Tuyết nói. 
 
Chính khát khao được đến trường, được học con chữ của của các em đã khiến không ít thầy cô giáo khi đặt chân lên vùng đất khó này càng gắn bó và yêu nghề, thương yêu các em nhiều hơn.
 
“Học sinh ở đây tuy khó khăn nhưng rất hiếu học và thích đến trường học chữ. Mới đầu vào dạy tại điểm trường này, tôi thấy rất bất ngờ vì học sinh ở đây đi học rất đảm bảo và đầy đủ. Có em, quãng đường từ nhà đến điểm trường rất xa, nhưng cũng lặn lội đến trường học”- cô giáo Trần Thị Phương Uyên bộc bạch. 
 
Các em khao khát được đến trường để học con chữ
Các em khao khát được đến trường để học con chữ
 
Dù hầu hết các em học sinh đều có tinh thần ham học, thế nhưng con đường học tập của các em hết sức gian nan. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi học hết bậc tiểu học, học sinh ở thôn Nước Nia lại phải đi xa hơn 40km ra trung tâm xã để học tiếp THCS, rồi ra thị trấn để học THPT. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, đường xa  nên tỷ lệ học sinh học hết cấp 2, cấp 3 và đi học chuyên nghiệp ở thôn Nước Nia rất ít. 
 
Chính quyền địa phương, thầy cô ở các trường cũng vận động, tuyên truyền và động viên, song chén cơm, manh áo và nỗi nhọc nhằn còn níu bước chân các em  ở thôn vùng cao này.  “Về lâu dài, để tạo điều kiện cho học sinh theo học lên các bậc học cao hơn, rất cần sự quan tâm từ nhiều ngồn lực, và chung tay của toàn xã hội để tạo điều kiện xây dựng cơ sở vật chất trường học, hạ tầng giao thông…và đưa cuộc sống của người dân ngày càng phát triển hơn”- thầy Dương Văn Nhàn- Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Trà Bùi mong muốn. 
 
Dẫu còn khó khăn, thiếu thốn nhưng với quyết tâm “tìm chữ” của học sinh, nỗ lực nhiệt huyết của giáo viên vùng cao cùng sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, chúng tôi tin tưởng rằng tương lai của con em vùng cao dưới chân núi Cà Đam sẽ ngày càng thay đổi, để mai này con chữ sẽ làm bừng sáng cuộc sống nơi đây. 
 
PV

.