Tín hiệu vui từ đề Văn "mở"

02:06, 27/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với cách ra đề thi môn Văn gợi mở, sáng tạo và được đánh giá cao; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua là tín hiệu phấn khởi của năm học đầu tiên thực hiện nhiều đổi mới mang tính đột phá trong việc “Dạy, học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh”.

TIN LIÊN QUAN

Mới, nhưng không lạ…

Dõi theo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, nhiều phụ huynh và giáo viên đã bày tỏ sự ủng hộ trước những đổi mới của đề thi môn Văn. Thầy Nguyễn Tấn Huy, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Lê Khiết cho biết: “Đề thi năm nay đã thay đổi tư duy lối mòn “học gì thi nấy”. Nếu trước kia, thí sinh phải học thuộc làu kiến thức trước mỗi kỳ thi, dẫn đến hệ lụy “dạy tủ, học tủ” do học sinh không thể nhớ hết. Thì nay, các em được tạo điều kiện phát triển tối đa năng lực hiểu biết, kỹ năng cảm thụ và liên hệ thực tế của mình”.

 Học sinh sôi nổi trao đổi về đề thi môn Văn sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua.
Học sinh sôi nổi trao đổi về đề thi môn Văn sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua.


Theo đó, thay vì đặt câu hỏi tái hiện kiến thức, yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc; phần đọc - hiểu của đề thi đưa ra trích đoạn ngoài sách giáo khoa (đoạn trích “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”- Ngữ văn lớp 7) để thí sinh thể hiện kỹ năng đọc hiểu và vận dụng kiến thức Tiếng Việt trong làm văn. Câu hỏi số 1 phần Làm văn nêu lên 4 chủ đề (Đừng e ngại thừa nhận bản thân mình chưa hoàn hảo… Đừng đóng cửa lòng mình… Đừng sợ hãi hay run sợ khi đối đầu với khó khăn...  Đừng đánh mất ước mơ…), là những lời khuyên ý nghĩa, gắn với thực tế của tuổi trẻ. Học sinh được lựa chọn một chủ đề theo sở thích và hiểu biết của mình để trình bày suy nghĩ (trước đây chỉ có một chủ đề duy nhất). Ở câu hỏi số 2, với bức tranh mùa xuân trong đoạn trích của hai tác phẩm Truyện Kiều và Mùa xuân nho nhỏ, yêu cầu học sinh nêu cảm nhận. Mục đích của phần thi này là đánh giá năng lực so sánh, phản biện; khả năng vận dụng các kỹ năng, phương pháp để giải quyết yêu cầu của đề.

Tuy mỗi yêu cầu của đề đều có sự đổi mới, nhưng theo cô Hồ Ngọc Sương- Phó hiệu trưởng Trường THCS Chánh Lộ thì: “Nội dung của đề thi được phát triển trên cơ sở “Chuẩn kiến thức kỹ năng” của Bộ GD& ĐT, cấu trúc đề thi tương tự với cấu trúc đề thi minh họa đã được Sở GD& ĐT công bố trước đó. Do đó, có thể nói đề thi này mới, nhưng không lạ, không “làm khó học sinh”.
 
Đột phá để thay đổi việc dạy và học


 Ông Trần Hữu Tháp - Phó GĐ Sở GD& ĐT cho biết: Sau 2 năm thực hiện đổi mới việc “Dạy, học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh” (từ năm học 2013-2014), nhưng chưa đạt nhiều hiệu quả. Năm học vừa qua, Sở đã chọn khâu kiểm tra, đánh giá; trong đó có việc xây dựng những đề Văn "mở" như trên để làm bước đột phá, từ đó tác động ngược lại việc dạy và học, buộc giáo viên và học sinh phải đổi mới phương pháp truyền đạt và tiếp thu kiến thức.

 Đối với đề thi “mở”, học sinh không thể học thuộc làu và phụ thuộc vào bài mẫu; giáo viên cũng không thể truyền đạt kiến thức một chiều, mà cần hướng dẫn phương pháp để học sinh có thể phát triển năng lực tư duy của mình. “Đề mở không có nghĩa là học ít đi, mà còn đòi hỏi giáo viên và học sinh phải học tập và rèn luyện nhiều hơn, nhằm đáp ứng được những yêu cầu của giáo dục trong thời đại mới”, thầy Nguyễn Tấn Huy nhấn mạnh. Trên cơ sở đó, từ đầu năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn phương pháp “Dạy, học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh” cho giáo viên cốt cán của tất cả các bộ môn. 100% giáo viên bộ môn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn lại thông qua các giáo viên cốt cán.

Song song với việc đổi mới đề thi, cán bộ làm đề và chấm thi cũng phải đổi mới tư duy, không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để vững vàng và linh hoạt trước những tình huống phát sinh, không có trong đáp án. Ông Trần Hữu Tháp nói: “Chúng ta đã khuyến khích học sinh thể hiện quan điểm, cho các em nói lên tiếng nói của mình thì không nên áp đặt, lấy quan điểm của giáo viên để làm “đáp án”. Đối với đề “mở”, học sinh có quyền trình bày bài thi bằng nhiều hình thức, miễn hợp lí, chặt chẽ, có sức thuyết phục mà không vi phạm pháp luật, đạo đức. Đồng thời, những học sinh có tư duy sáng tạo sẽ có thêm điểm khuyến khích để phân loại học sinh”.

Có thể thấy, đổi mới giáo dục không còn là vấn đề của riêng ngành giáo dục, mà đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh và giáo viên trước những đột phá trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua là tín hiệu vui, cho thấy giáo dục tỉnh ta đã và đang đổi mới tích cực, đúng hướng.  


 Bài, ảnh: HÀ XUYÊN


 


.