Nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học: Cần "giảm tải" cho giáo viên

01:10, 28/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Sau 10 ngày triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, nhiều giáo viên than trời vì khối lượng công việc đội lên gấp nhiều lần, thậm chí một giáo viên phải “ôm sô” vài chục cuốn sổ.

TIN LIÊN QUAN


Phụ huynh vui mừng

Có con học lớp 3 tại Trường Tiểu học xã Bình Hiệp (Bình Sơn), chị Võ Thị Hải Yến rất vui khi những ngày qua trong vở con có những lời nhận xét rất chân tình và chính xác của cô giáo.

Chị Yến kể, những năm học lớp 1, lớp 2, nhiều hôm con đi học về mặt buồn hiu vì bị điểm 8 trở xuống vì thói quen của các bậc phụ huynh và học sinh chỉ thích điểm 9, 10. Những lúc như vậy, không những con mà chị cảm thấy rất khó chịu và càng ép con học nhiều hơn. Đôi khi thấy thương con, nhưng vì áp lực học tập nên chẳng còn cách nào khác.

Nhận xét, đánh giá thay cho chấm điểm, chị Yến bày tỏ vui mừng. Theo chị, những lời nhận xét của cô giáo rất hay, chính xác và có tính khích lệ cao. Nếu như trước đây, bài của con bị sai, cô giáo chỉ cho điểm và đánh dấu sai vào chỗ đấy nên nhiều lúc phụ huynh cũng khó nhận biết. Bây giờ nhận xét, đánh giá, thầy cô giáo chỉ ra lỗi cụ thể, kèm theo đó là lời động viên rất chân tình.

 

Việc nhận xét, đánh giá phát huy tính nhân văn trong giáo dục.
Việc nhận xét, đánh giá phát huy tính nhân văn trong giáo dục, đặc biệt là bậc tiểu học.

 

Cùng đồng tình với việc bỏ chấm điểm, chị Nguyễn Thị Thanh có con học tại Trường Tiểu học Trương Quang Trọng tỏ ra ủng họ nhiệt tình cách làm này.

“Ai chẳng nóng ruột khi con hôm nay bị điểm kém? Để rồi ép các em quay cuồng trong việc học, chẳng có thời gian nghỉ ngơi vui chơi mà lẽ ra lứa tuổi các em phải được hưởng. Việc nhận xét, đánh giá sẽ khích lệ các em. Trẻ con cần nhất là yêu thương, sẻ chia, động viên”- chị Thanh bày tỏ.

Giáo viên như con thoi

Cái được của phương pháp này là giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh. Ngược lại, áp lực tạo ra cho giáo viên không nhỏ.

Trước đây, thay vì thực hiện việc chấm bài và cho điểm, bây giờ giáo viên phải cần thêm thời gian để ngồi nghĩ và viết ra những lời nhận xét, đánh giá, chỉ ra điểm yếu , cái sai của các em. Vì thế, giáo viên gần như phải làm việc suốt ngày.

Có mặt tại Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) trong giờ học, chúng tôi ghi nhận tình cảnh rất “đáng thương” của các thầy, cô giáo.

Vừa kết thúc giờ giảng, trong khi thầy, cô giáo tranh thủ chấm bài thì hàng chục em nhốn nháo chạy lên bàn giáo viên hỏi “Cô ơi, thầy ơi, ghi vậy thì em được mấy điểm?”. Vừa chấm, thầy cô lại phải mất nhiều thời gian để giải thích cho các em hiểu.

Thầy Lê Văn Địch- giáo viên chủ nhiệm lớp 4B than thở. “Ngày xưa ra chơi mình còn có thời gian nghỉ ngơi chút ít chứ giờ rãnh đâu ôm vở chấm bài đó. Học sinh học ngày thì giáo viên phải tranh thủ cả buổi trưa để nhận xét cho các em.”-

Ở những trường có ít học sinh, giáo viên đã vậy, các trường được xem là trường điểm như Tiểu học Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm có đến 50 học sinh/lớp, giáo viên chẳng khác nào con thoi.

“Một lớp 50 em mà học sinh làm bài muôn màu muôn vẻ, nên phải ngồi nghĩ ra lời để phê rồi giải thích cho chúng là hết giờ rồi. Chưa kể về nhà phụ huynh liên tục gọi hỏi phê vậy là cháu được bao nhiêu điểm. Thế thì thời gian đâu mà chúng tôi dạy?”- một giáo viên ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo bộc bạch.

 

Học sinh
Giảm bớt áp lực cho học sinh đồng nghĩa với việc tăng áp lực cho giáo viên.


Để đối phó với khối lượng công việc đội lên gấp nhiều lần, nhiều giáo viên đã nghĩ ra cách khắc lời phê có sẵn và thêm biểu tượng. Khi đó, giáo viên chỉ việc đóng dấu thay lời phê. Chẳng hạn, 10 điểm sẽ đóng dấu số với nội dung con học giỏi, làm bài tốt và mặt cười, dưới 5 điểm đóng dấu có hình mặt mếu thể hiện sự không hài lòng;…

Cách làm này, không vi phạm quy chế vừa đỡ vất vả cho giáo viên, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên lạm dụng vì nó máy móc, rất dễ gây sự nhàm chán cho học sinh, lại phản tác dụng. Mục đích của đổi mới lần này là giảm áp lực, động viên, khích lệ, uốn nắn các em kịp thời, tính nhân văn được đặt lên hàng đầu.

Ông Đặng Phiên- Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho rằng: Nếu sử dụng những mẫu có sẵn, vô hình chung, sẽ không tạo được cho các em sự phấn khởi, động lực trong học tập.

Chẳng hạn, cùng một bài làm có nhiều điểm đạt điểm 10, một em có thể đạt được nhiều điểm 10 mà hôm nào cũng nhận được lời phê “em rất giỏi kèm theo mặt cười”, chẳng có lời phê nào mới khiến các em chẳng còn hứng thú.

Cần “giải phóng” cho giáo viên

Theo quy định, mỗi tháng giáo viên phải viết 2 lời nhận xét cho cùng 1 học sinh ở ba nội dung trong hai cuốn: sổ liên lạc và sổ theo dõi, đánh giá học sinh.

Đó là chưa kể đến những sổ sách khác như giáo án, sổ ghi kế hoạch giảng dạy, sổ điểm cá nhân, sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc, học bạ, sổ thu tiền, họp khối, họp chuyên môn, họp hội đồng, phiếu dự giờ,…

Tính ra có khoảng trên dưới 20 loại sổ mà giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện thường xuyên. Còn giáo viên bộ môn như âm nhạc, thể dục phải “ôm sô” thêm vài chục nữa bởi họ dạy rất nhiều lớp.

Mình dạy 16 lớp, chỉ riêng sổ chuyên môn đã có tới 22 sổ, vì nhiều lớp vượt quá 35 học sinh nên phải thêm 1 sổ nữa. Đã dạy 9 tuần rồi cũng chưa thấy sổ về, đang lo chẳng biết cách nào để nhớ hết mà nhận xét từng em”- một giáo viên dạy bộ môn âm nhạc chia sẻ.

“Áp lực hành chính quá lớn, trong khi việc dạy lại mất nhiều thời gian. Để giáo viên toàn tâm, toàn ý với học trò, nên giảm áp lực cho họ bằng cách giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà. Có như vậy, Thông tư 30 mới phát huy tác dụng như mong đợi.”- thầy Trần Quang Hiếu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh kiến nghị.


 

Bài, ảnh: Ái Kiều


.