Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với hiếu thảo, hiếu học

08:10, 31/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nhiều câu chuyện bình dị, gần gũi, ý nghĩa về tình cảm thiêng liêng cao quý, hiếu thảo, hiếu học, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng truyền tải đến sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng vào chiều 31.10.

TIN LIÊN QUAN

Nhân chuyến khảo sát và nói chuyện với tỉnh Quảng Ngãi về “Nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã có buổi nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng về “Hiếu thảo, hiếu học”.

Rất đông sinh viên, giảng viên đã có mặt từ rất sớm để chào đón và trực tiếp hầu chuyện vị giáo sư đáng kính. Dù đã bước sang tuổi 77, nhưng vẫn lối nói chuyện thân mật, gần gũi, dí dỏm như chia sẻ với khán giả trong chương trình truyền hình “Bạn của nhà nông”, “Hỏi gì đáp đó” khiến khán giả không ít lần ồ lên vỗ tay cười.

Chia sẻ những câu chuyện xung quanh việc hiếu thảo, giáo sư tâm sự câu chuyện về gia đình mình. Một gia đình nổi tiếng, hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.

 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng.


Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tâm sự: “Bố tôi sinh ra trong một gia đình thuộc thành phần bần nông, rất nghèo ở Hưng Yên. Nhưng tấm gương phấn đấu, những gì ông ấy hy sinh cho đàn con, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tôi rất tự hào về điều ấy”.

Giáo sư kể: Hồi đó, ba tôi làm giám đốc giáo dục Liên khu X (gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên - nay là Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Giang), sau đó là Liên khu Việt Bắc. Lương hằng tháng của cụ chỉ 40 cân gạo, quá nửa số đó phải để lại nhà cho vợ nuôi đàn con, phần còn lại mang đi theo những chuyến xe đạp rong đuổi khắp nơi để phát triển sự nghiệp giáo dục.

Khó khăn, vất vả trăm bề, nhưng một tiểu thư lá ngọc cành vàng, con của một gia đình danh giá- bà Nguyễn Thị Tề (mẹ giáo sư) chẳng bao giờ than thở một câu.

Để có tiền nuôi đàn con ăn học, bà Tề đã phải đi mua quần áo cũ của người tản cư mang lên miền núi bán. Ngày hòa bình lập lại, bà làm đại lý bán đường cho mậu dịch để kiếm từng đồng. Gần chục con người sống ở tập thể chỉ có mười mấy mét vuông thôi nhưng lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm.

Ông Nguyễn Lân, bố của giáo sư Nguyễn Lân Dũng không chỉ dốc hết tâm lực xây dựng ngành giáo dục nước nhà mà còn để lại cho đời sau nhiều giáo trình, bộ từ điển quý như Ngữ pháp Việt Nam, từ điển Muốn đúng chính tả...
 
Nghị lực và lửa yêu nghề của giáo sư Nguyễn Lân đã truyền lại cho 8 người con, “Mỗi tối, 8 anh em phải ngồi học với cây đèn dầu tự chế bằng hộp kem đánh răng. Gian khổ lắm nhưng ai nấy đều tự giác, hăng hái học tập” - giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhớ lại.

Nhờ đức độ, hy sinh của ông Lân và bà Tề mà đại gia đình lớn của ông bà (với gần 60 người) luôn giữ được nền nếp gia phong.
 
Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, chuẩn mực. Không chỉ 8 người con ruột mới là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà nhiều con rể, con dâu cũng là những trí thức có uy tín trong nhiều lĩnh vực. Đại gia đình giáo sư Nguyễn Lân có tới 7 tiến sĩ, 7 giáo sư và phó giáo sư.

 

Sinh viên đặt câu hỏi cho giáo sư.
Sinh viên đặt câu hỏi cho giáo sư.


Chia sẻ về hiếu thảo, giáo sư nhắn nhủ mọi người “Còn cha, còn mẹ là hạnh phúc nhất trên đời. Vậy đã bao giờ bạn nhìn kỹ những nếp nhăn trên mặt mẹ hay chưa? Cha mẹ không bao giờ muốn nghe con nói những lời hoa mỹ, đầu môi chót lưỡi mà thay vào đó là những lời chân thật, hiếu thảo, ham học. Đừng để tâm vào trau chuốt nhan sắc, cái vẻ bề ngoài, con người đẹp ở trí tuệ”.

Có sinh viên đặt câu hỏi, thông minh có phải do gen di truyền? Giáo sư nhắn nhủ: “Không có gen di truyền nào cho thông minh, có chỉ là môi trường, sự phấn đấu không ngừng của các thành viên trong gia đình. Ngày xưa lớp học của tôi, các bạn Nghệ Tĩnh học rất giỏi bởi họ rất nghèo nên phải ráng học với hy vọng đổi đời”.

Giáo sư cho rằng mỗi người có một mục đích học tập khác nhau, có người học để làm nghề, để kiếm tiền, có người học để hoàn thiện bản thân, để dạy con cái... Mỗi gia đình có một phương pháp giáo dục riêng nhưng cần dạy cho con ý chí phấn đấu và đừng cho con quá nhiều tiền. Giáo sư kể câu chuyện về một tỷ phú trên thế giới để lại di chúc chia cho mỗi con 10 triệu đô, trong khi tài sản của ông có thể cho mỗi đứa 10 tỷ đô, số còn lại ông dành cho công tác từ thiện.

Kết thúc chương trình, giáo sư nhắn nhủ đến mọi người phương châm sống của ông gói gọn trong 4 điều : "Sống khỏe - Chết nhanh - Ít của để dành - Nhiều người thương tiếc".

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.