Lớp học của lòng nhân ái

08:01, 15/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lớp học đặc biệt mở ra ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) vào tháng 9.2013. Lớp có 12 học sinh với nhiều lứa tuổi, đủ loại khuyết tật từ chân, tay, câm, điếc đến bại não, đau tim, thiểu năng trí tuệ... Gần 4 tháng qua, những nhà giáo đã về hưu thuộc Hội Cựu giáo chức Tịnh Thọ đã đổ công sức, duy trì hoạt động của lớp đều đặn.

Nối vòng tay nhân ái

Trong điều kiện trường lớp còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng công sức của những nhà giáo già đã giúp các em hiểu biết, giao tiếp với mọi người... phần nào đã an ủi các bậc phụ huynh và làm lay động tấm lòng của các nhà hảo tâm.

 

  Mỗi buổi học của lớp học đặc biệt  luôn có hai thầy giáo giảng dạy.
Mỗi buổi học của lớp học đặc biệt luôn có hai thầy giáo giảng dạy.


Lần đầu tiên nghe các em khuyết tật được hỗ trợ quà, người dân Thọ Trung bỏ cả việc ngày mùa, tập trung về trường thôn từ sáng sớm để chứng kiến. Chiếc xe tải nhỏ chở 12 chiếc xe đạp dừng tại sân trường trong sự chào đón của mọi người. Các thầy cô giáo lớn tuổi, phụ huynh, học sinh vui hơn ai hết. 12 em khuyết tật, lớn nhỏ, xếp hàng ngay ngắn. Khi nhận món quà từ nhà tài trợ, có em đã mỉm cười, có em ríu rít cảm ơn...

Chị Đoàn Thị Mai, nhìn con Phạm Thị Vỹ Tiên (19 tuổi) đang tập đi xe đạp mà nước mắt rơi lúc nào chẳng hay: "Từ nhỏ đến giờ mới thấy con vui như vậy!  Nó bị khuyết tật bẩm sinh nên chẳng biết gì. Hy vọng đây là món quà để động viên con thường xuyên đến lớp...". Các thầy, cô cũng vui lây, khi các em đã biết nói lời cảm ơn, mừng những món quà thiết thực từ nhà hảo tâm trao tặng. Thầy Trần Đình Vương - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS xã Tịnh Thọ), cho rằng: "Các em sẽ sớm hòa nhập cộng đồng thôi! Bởi, các em đã bộc lộ được cảm xúc của mình, biết buồn, vui, yêu thích....".

Sau khi trao 12 chiếc xe đạp trị giá 10 triệu đồng của bác sĩ Nguyễn Tiến (quê thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa) hiện công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh gửi tặng các em, anh Hồ Chí Công- bạn bác sĩ Tiến thực hiện trao quà đã đi thăm trường, lớp. Anh Công xót xa: "Các em học trong điều kiện còn thiếu thốn quá. Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ, để các em có điều kiện học tập trong môi trường đầy đủ như các trường mầm non, tiểu học".

Tấm lòng của những cựu giáo chức

Lớp học đặc biệt này, được hình thành từ những ý tưởng của các nhà giáo đã về hưu. Sinh sống ở vùng đất chịu nhiều bom đạn của chiến tranh, rồi sự khắc nghiệt của vùng đất khô cằn quê mình, hơn ai hết những thầy, cô giáo hiểu rõ nỗi khổ của từng nhà. Nhất là những gia đình bị ảnh hưởng của chất độc hóa học thời chiến tranh sinh con bị khuyết tật. Sau khi Hội Cựu giáo chức được thành lập, 22 hội viên đã bàn bạc mở lớp dạy học cho các em khuyết tật. Người đi liên hệ với xã xin địa điểm, người đi khảo sát từng nhà để vận động các em khuyết tật có khả năng ra lớp để học tập, vui chơi...  

Lớp học hình thành trong sự động viên, khích lệ của nhiều người. Tuy nhiên, khi thực hiện công tác giảng dạy, những nhà giáo già phải đổ mồ hôi. "Thích thì em cười, em nói, không thích thì chơi. Nói động là em giận, bỏ học. Em thì nói ú ớ, cầm viết loạn xạ. Em thì chẳng nghe lời thầy giáo. Đang học có em bỗng hát hồn nhiên, hoặc bỏ đi chơi...." - thầy giáo Nguyễn Đình Sen thôn Thọ Bắc chia sẻ.

Những lúc như vậy, các thầy cô ân cần đến cầm tay từng em để đưa nét bút tập viết theo từng con chữ. Có em không nghe được thầy, cô giảng giải thì phải dùng cử chỉ. Lớp học đặc biệt, với đủ thành phần nên mỗi thầy cô giáo phải tự trang bị kiến thức cho mình. Ngoài dạy tiếng Việt, toán, các thầy cô phải tìm hiểu tài liệu ở Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh để về dạy cho các em cách giao tiếp, học thể dục thể thao, cách hòa nhập cộng đồng... "Dạy một học sinh khuyết tật, nhọc công bằng 10 học sinh bình thường. Dạy cho các em nhớ một chữ phải mất 2 - 3 ngày. Nói nhiều, dùng nhiều động tác mới dạy cho các em được"-thầy Sen bộc bạch.

Công sức của các thầy, cô cũng được đền đáp. Mặc dù, lớp học mới hình thành 4 tháng, nhưng giờ đây các em đã biết "đi thưa, về trình", biết đọc, biết viết... Cuộc sống của các nhà giáo về hưu còn nhiều khó khăn, sức khỏe yếu, nhưng thấy các em tiến bộ đã tiếp thêm động lực, để hằng ngày họ đạp xe đến lớp mà không đòi hỏi thêm đồng phụ cấp nào. Nói về lớp học này, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ Nguyễn Văn Ý, cho biết: "Việc mở lớp đã giúp cho các em khuyết tật đến trường, đỡ phần thiệt thòi. Tuy vậy, phòng học hiện nay mượn tạm phòng họp của thôn và đang xuống cấp nặng. Thời gian đến, xã sẽ trích kinh phí để sửa chữa và kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ để xây dựng mới".

Chia tay lớp học ra về trong trời chiều cuối năm, tiếng bi bô chưa rõ lời từ lớp học đặc biệt này cứ vang vọng mãi. Tôi hiểu, bằng tấm lòng nhân ái, các thầy cô đã cố gắng giúp các em bị khuyết tật đỡ phần thiệt thòi, sớm hòa nhập với cộng đồng .


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.