Gieo chữ nơi đại ngàn

12:11, 19/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là một trong những thế hệ giáo viên đầu tiên trong đội quân cắm bản hành quân lên đất Sơn Tây sau thời điểm tách huyện năm 1994, cô giáo Đinh Thị Bích Thuận, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đã âm thầm đem cái chữ “gieo xuống” vùng đại ngàn Sơn Long. Với 38 tuổi đời, 17 năm tuổi nghề, lắng đọng trong ký ức của cô là những kỷ niệm buồn vui và trong sâu thẳm vẫn là khát vọng đem con chữ đến với vùng sâu, vùng xa.

Mùa này, những cơn mưa trắng trời giăng giăng khắp các cánh rừng đất ngàn cau. Con đường từ huyện lỵ Sơn Tây về xã Sơn Long vốn đã lầy lội càng bị dìm sâu dưới lớp bùn đất đặc quánh. Anh cán bộ phòng giáo dục huyện đi cùng chia sẻ: “Bây giờ còn có đường, chứ ngày trước những giáo viên như cô Thuận phải vạch rừng mà đi dạy đấy”. Nghe anh nói, tôi càng cảm phục tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề của những người giáo viên nơi vùng cao này.

Nặng lòng với trẻ con vùng cao       

Sau hai giờ đồng hồ vật vã trên con đường lầy lội, tôi cũng đến được lớp học mầm non ở điểm trường Tà Vây, thuộc Tập đoàn 20, thôn Ra Pân, xã Sơn Long, nơi cô Thuận đứng lớp. Biết có khách, chưa kịp chào hỏi, cô  vội vàng bế cậu học trò Đinh Văn Sướng (5 tuổi) ra phía sau trường để vệ sinh. Cô nói: “Cháu nó hôm nay bị đau bụng”. Đưa cậu học trò vào lại lớp, cô Thuận bộc bạch: “Các cháu đau bụng còn đỡ, chứ tội nhất là có hôm chúng đi học đói, bị xỉu ngay tại lớp”. Thấy tôi tròn xoe mắt vì ngạc nhiên, cô Thuận giải thích: Bọn trẻ phải dậy sớm từ 5 giờ sáng, đi bộ hai giờ đồng hồ mới đến được lớp.

 

Lớp học mầm non do cô Thuận đứng lớp, phải mượn cơ sở  điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Sơn Long.
Lớp học mầm non do cô Thuận đứng lớp, phải mượn cơ sở điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Sơn Long.


Cha mẹ chúng phải lo đi rừng, lên rẫy kiếm cái ăn. Cháu nào may mắn được mẹ cho cái củ mì nướng ăn lót dạ, còn đa số đều đi học với cái bụng trống rỗng. Những lúc như vậy, cô Thuận lại bỏ tiền túi ra mua mì tôm, sữa về làm “ấm bụng” để các cháu có sức học tiếp. Cô giáo Thuận bùi ngùi kể: Sau khi học xong lớp 11 Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, năm 1996, Thuận được phân công về dạy học ở Trường Tiểu học Sơn Tinh. Sau đó, Thuận tham gia lớp đào tạo giáo viên mầm non do Dự án trẻ thơ của Bộ GD&ĐT mở ngay tại huyện Sơn Tây. Năm 2002, cô tình nguyện về cắm bản ở nơi heo hút của xã Sơn Dung (nay là xã Sơn Long mới chia tách năm 2008).

Ngày đầu tiên đặt chân đến Sơn Long, Thuận sững sờ, bởi chẳng thấy trường lớp đâu, chỉ là chiếc nhà sàn tạm bợ, học trò thì phải chờ đi vận động. Một mình Thuận đơn độc giữa vùng đất hoang vu và là nữ giáo viên duy nhất cùng với vài đồng nghiệp nam đang dạy ở điểm trường tiểu học lúc bấy giờ. Không có nhà ở, một người dân địa phương thương tình cho cô ở nhờ.

Những ngày tháng sống kham khổ, rồi những đợt về thăm gia đình, đi bộ cả ngày đường, đối diện với bao hiểm nguy nên cũng có lúc làm lung lay ý chí  của người giáo viên trẻ. “Dù vậy nhưng vì thương mấy đứa nhỏ nên tôi không thể bỏ cuộc được”, cô Thuận bộc bạch. Nan giải nhất đối với cô lúc này là làm sao thay đổi được nhận thức của đồng bào để cho con em đến trường học cái chữ. Lớp học ban đầu huy động được 45 học sinh, nhưng sau đó “rơi rụng” gần phân nửa. Những lúc như vậy, cô Thuận vừa phải lo công tác chuyên môn, vừa băng rừng, vượt suối đến từng nhà vận động học trò đi học lại.

Chỉ vỏn vẹn với đồng lương 170 nghìn/tháng lúc đó, cô Thuận phải tằn tiện để dành tiền mua đồ dùng, quần áo và cả kẹo, bánh để “dụ” đám học trò nhỏ. Tấm lòng của cô đã lay động bà con dân bản, gieo yêu thương vào từng lứa học trò, để rồi chúng quyết tâm theo cô giáo kiếm chữ.

Hạnh phúc muộn màng

Lặng lẽ từng ngày gieo chữ, đến nỗi quên chuyện riêng tư của mình khiến cha mẹ cô sốt ruột. Mỗi lần về thăm nhà, mẹ Thuận nằm bên đứa con gái thỏ thẻ: “Mày lấy chồng đi cho tao và cha mày đỡ lo”. Những lúc như vậy, Thuận chỉ biết an ủi mẹ: “Con cũng muốn lắm, nhưng có ai ưng đâu mà lấy”. Mà cũng bởi hoàn cảnh, cái vùng đất heo hút ấy thì biết tìm đâu ra ý trung nhân, khi mà xung quanh cô đều là những đồng nghiệp nam đã lập gia đình.

“Thuận cũng xinh đẹp, nết na, chịu khó. Đám trai làng thấy cô chỉ dám thương thầm chứ không dám tán tỉnh”, anh Đinh Xun Hân, đồng nghiệp cô Thuận kể. Ở quê, mẹ Thuận nhờ người mai mối, nhưng không mối nào thành công. Bởi điều kiện họ đưa ra là cô phải nghỉ dạy ở nhà, “chứ con gái gì mà đi cả tháng mới về một lần”. “Lúc đó, nghĩ đến cảnh ở lại quê lấy chồng, xa mấy đứa nhỏ, xa dân làng. Tôi buồn, khóc mấy đêm liền”, Thuận tâm sự. Thế là Thuận vác ba lô lên đường, tiếp tục sự nghiệp cõng chữ lên non.

Cô dành thời gian nhiều hơn để chăm chút cho những “búp măng non” của mình. Mãi đến năm 30 tuổi, một bận tình cờ cô giáo Thuận gặp anh Võ Quang (33 tuổi) quê Quảng Nam. Lúc bấy giờ anh đang phiêu bạt khắp các cánh rừng ở Sơn Tây để tìm trầm. Một cơn sốt rét rừng đã quật ngã sức vóc chàng trai vạm vỡ, để rồi anh phải nán lại vùng đất này. Thấy cô giáo Thuận, hiền lành, chịu thương chịu khó, anh đã say đắm từ cái nhìn đầu tiên. Anh quyết định định cư tại Sơn Long. Kết quả của tình yêu ngọt ngào ấy là hai đứa con ngoan hiền 1 trai, 1 gái. Điều mong mỏi nhất của cô giáo Đinh Thị Bích Thuận là sớm có ngôi trường khang trang, đầy đủ hơn để học trò vùng khó nơi đây vơi bớt thiệt thòi.

Những cơn mưa nơi miền sơn cước không ngừng trút xuống. Tiếng trẻ con vẫn ê a bên lớp học. Đường trở về đang thách thức phía trước, nhưng tôi thấy lòng mình ấm lạ. Bởi tấm lòng của cô giáo Thuận đẹp tinh khiết như cánh hoa rừng hoang sơ giữa đại ngàn.


 Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.