Luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn: Cần sự quyết tâm

08:09, 25/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 61 của Chính phủ được ban hành cách đây hơn 7 năm. Ở tỉnh ta, chính sách này chưa được thực thi một cách bài bản, giáo viên vùng cao vẫn phải mòn mỏi chờ đợi.

TIN LIÊN QUAN


Chính sách thực thi theo kiểu “hên, xui”

Có dịp lên vùng cao, tận mắt chứng kiến giáo viên vã mồ hôi đi vận động học sinh ra lớp, miệt mài dạy cho các em từng con chữ và sống trong cảnh thiếu thốn, tạm bợ… mới càng thấy thương và cảm phục sự cống hiến của những người gắn mình với nghiệp “gõ đầu trẻ” vùng xa xôi, hẻo lánh. Hàng nghìn giáo viên mong ngóng Nghị định 61 của Chính phủ được thực thi để có điều kiện xây dựng, vun đắp cái gọi là cuộc sống riêng tư như bao người. Nói như thế không có nghĩa họ lơ là việc dạy, ngược lại bên cạnh sự chờ đợi vẫn là nhiệt huyết cống hiến, thậm chí chẳng có mùa hè nào được nghỉ ngơi.

 

Một tiết thể dục của học sinh Trường THCS Sơn Mùa (Sơn Tây).
Một tiết thể dục của học sinh Trường THCS Sơn Mùa (Sơn Tây).


Mới đây có dịp gặp lại thầy giáo Huỳnh Kim Mậu (46 tuổi, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THCS Ba Lế, huyện Ba Tơ), người chúng tôi tình cờ quen cách đây 3 năm trong chuyến tác nghiệp ở vùng cao. Ngày ấy thầy giáo Mậu đã “ba lần, bảy lượt” làm đơn xin luân chuyển công tác về đồng bằng nhưng đi đến đâu cũng nhận được câu trả lời “không có nhu cầu, không có chỉ tiêu”. “Vẫn chưa chuyển được hả anh?”, chúng tôi buột miệng hỏi. Thầy giáo Mậu buồn rầu đáp: “Chưa em. Khó quá. Chắc ở luôn Ba Lế, không chuyển nữa”. Thì ra nhiều lần xin chuyển không được nên 2 năm nay thầy giáo Mậu gác lại ước nguyện về đồng bằng công tác. “Thôi thì mình cứ tiếp tục rồ ga “chinh chiến” trên chặng đường từ TP.Quảng Ngãi lên Ba Lế và ngược lại. Hơn 25 năm gắn bó với Ba Tơ, giờ cố gắng thêm mười mấy năm nữa”, thầy giáo Mậu nói vui nhưng cũng đầy trăn trở.

Thay vì vui mừng khi Nghị định 61 của Chính phủ mới được ban hành thì nay mỗi khi nghe nhắc đến không khỏi buồn lòng. Nhiều người bảo, chính sách luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn được thực thi theo kiểu “hên, xui”. Có người mới “chân ướt chân ráo” dạy ở vùng cao đã được chuyển về đồng bằng. Thế nhưng, nhiều người hàng chục năm công tác nơi núi rừng, xin luân chuyển mãi nhưng chẳng nơi nào tiếp nhận. Có nhiều giáo viên nữ mải chăm lo mang ánh sáng tri thức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện để xây dựng mái ấm hạnh phúc cho riêng mình.

“Dậm chân tại chỗ” nếu cứ than khó!
 

Nghị định 61 của Chính phủ quy định: Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời gian công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng./.

Quả thật không đơn giản để thực hiện rốt ráo việc luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn. Nói như thế không có nghĩa là không làm được nếu có quyết tâm. Lâu nay giáo viên ở vùng cao chủ yếu “tự bơi” trong việc xin luân chuyển về đồng bằng. Bức xúc trước thực tế nhiều giáo viên công tác lâu năm ở miền núi không được luân chuyển, ông Đặng Tấn Thủ-Phó Chủ tịch UBND Sơn Tây nói: “Hơn chục năm theo dõi lĩnh vực giáo dục ở Sơn Tây, tôi chưa thấy giáo viên ở đồng bằng luân chuyển lên miền núi, chỉ thấy giáo viên ở miền núi chờ giáo viên ở đồng bằng nghỉ hưu rồi chuyển về. Bất cập này cần được quan tâm tháo gỡ”.
 
Ông Nguyễn Minh Trí-Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng thì lo ngại trước thực tế học sinh miền núi và đồng bằng thụ hưởng quyền lợi không ngang nhau. “Học sinh miền núi rõ ràng chịu thiệt. Chúng ta luôn đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Thế nhưng, giáo viên ở miền núi có cơ hội thì ngay lập tức chuyển về đồng bằng. Giáo viên lên dạy ở miền núi chủ yếu là mới ra trường… Đây là thách thức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục miền núi”, ông Trí phân tích.   

Lý giải nguyên nhân chậm triển khai chính sách luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn, ông Vũ Đức Tế-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, theo phân cấp các huyện, thành phố quản lý giáo viên bậc mầm non, tiểu học, THCS. Sở GD&ĐT chỉ quản lý giáo viên bậc THPT. Đối với bậc THPT, những năm gần đây đã xét chuyển nhiều giáo viên miền núi về dạy ở đồng bằng. Ông Tế bày tỏ quan điểm: “Việc luân chuyển giáo viên giữa miền núi và đồng bằng phải thực hiện giống như nghĩa vụ quân sự. Giáo viên dạy lâu năm ở đồng bằng lên dạy ở miền núi, hết thời gian quy định sẽ về dạy ở trường trước khi luân chuyển. Còn giáo viên mới ra trường về dạy trước tiên ở đồng bằng để học hỏi kinh nghiệm, sau đó lên dạy ở miền núi”. Theo ông Tế thì đây cũng là giải pháp Sở GD&ĐT đang tham mưu để UBND tỉnh ban hành chính sách luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn.


Bài, ảnh: Minh Anh
 


.