Chạy đua nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT

09:04, 04/04/2013
.

(QNĐT)- Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, các trường THPT và Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12, với hy vọng sẽ gặt hái thành công không chỉ ở kỳ thi tốt nghiệp mà cả kỳ thì đại học, cao đẳng.

TIN LIÊN QUAN


* Phân loại học sinh để ôn tập

Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh) có tỷ lệ đỗ 100%, nhưng đây là lớp học sinh cuối cùng của hệ bán công nên trường dành mối quan tâm đặc biệt cho lớp học sinh này. Trường phân học sinh theo đối tượng, học sinh trung bình yếu sẽ tập trung ôn kiến thức cơ bản để thi tốt nghiệp, học sinh khá, giỏi được ôn thi tốt nghiệp kết hợp luyện thi đại học, cao đẳng.

Thầy Đỗ Tấn Ngọc- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ đầu học kỳ 2, nhà trường đã có kế hoạch học tới đâu ôn tập tới đó và tăng tiết mỗi tuần thêm 2 buổi cho học sinh ở 8 môn học chủ đạo là Toán, Ngữ văn, Sinh, Hóa, Địa lý, Ngoại ngữ, Vật lý và Lịch sử.

Khi biết 6 môn thi, giáo viên bộ môn sẽ ôn tập theo đề cương chi tiết được tổ bộ môn biên soạn dựa trên đề cương của Bộ, đồng thời dành nhiều thời gian giúp các học sinh học yếu. Ngoài ra, học sinh còn tự tổ chức học nhóm, học sinh khá, giỏi được phân công kèm học sinh yếu.

Việc liên tiếp 5 năm thi tốt nghiệp môn Địa lý là bất ngờ với hầu hết học sinh, vì các em dự đoán sẽ thay thế bằng môn Lịch sử, nhưng có thể nói đây là bất ngờ có lợi với số đông học sinh.

 

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT,
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, các trường THPT và Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12.



Thầy Ngọc phân tích: “Địa lý khối lượng kiến thức nhẹ hơn, dễ học, đặc biệt là dễ lấy điểm trung bình nếu học sinh biết cách khai thác Atlat. Còn môn Lịch sử không chỉ đòi hỏi các em phải nhớ các sự kiện, mốc lịch sử mà còn phải có khả năng tổng hợp kiến thức”.

Trong 6 môn thi tốt nghiệp năm nay, số đông học sinh ngại nhất là môn Hóa nên các em cũng khá căng thẳng với việc ôn tập để vượt qua môn này. Các giáo viên bộ môn cũng đang rất cố gắng hỗ trợ các em ôn tập  để có kết quả tốt nhất.

Cô Nguyễn Thị Thu Ngân- giáo viên bộ môn Hóa, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, để triển khai kế hoạch ôn thi tốt nghiệp và đại học, cùng với việc tăng tiết học, các giáo viên trong tổ đã xây dựng ngân hàng bài tập, xâu chuỗi các dạng bài từ đề thi các năm trước để ôn tập cho học sinh trên phương diện hệ thống hóa kiến thức cơ bản, cô đọng kiến thức, đặc biệt chú trọng cho học sinh kết hợp tốt việc tính toán để giúp cho việc đưa ra đáp án chính xác và nhanh chóng.


Tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Thạc sỹ Đinh Duy Quang- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nhà trường đang phân hóa học sinh theo 2 khối là A và D. Nhà trường sẽ dành 6 tuần để tăng thêm 10 tiết dạy cho khối D và 11 tiết cho khối A. Trường cũng có kế hoạch phân hóa học sinh để vừa ôn thi các môn tốt nghiệp, vừa nâng cao kiến thức.

Song song đó, nhà trường đã tổ chức 2 kỳ thi thử để định hướng cho các em chọn trường thi phù hợp với năng lực của mình. Dự kiến 3 tuần nữa, trường sẽ tổ chức thi thử lần thứ 3, nhằm giúp các em hệ thống hóa kiến thức để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp và đủ khả năng thi vào các trường đại học, cao đẳng.

*Không cắt xén, không gây áp lực

Trước tình trạng nhiều trường THPT chạy đua bằng nhiều hình thức ôn tập gây căng thẳng cho học sinh như những năm trước, ông Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, đây là kỳ thi không có tính chất cạnh tranh, hơn nữa đề thi khá nhẹ nhàng, không đánh đố nên các trường không vì quá lo lắng tăng tiết quá nhiều, cắt xén chương trình, tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh. Như thế, các em bị áp lực sẽ không thể ôn tập hiệu quả.

Các trường tập trung ôn tập vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Bộ GD&ĐT cũng nhắc nhở các trường THPT và giáo viên phải thống nhất với học sinh và phụ huynh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

 

Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT,
Theo Bộ GD&ĐT, các trường không vì quá lo lắng mà tăng tiết quá nhiều, cắt xén chương trình, tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh.



Để tránh áp lực về thành tích dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp THPT không phản ánh đúng thực chất, Bộ GD&ĐT không lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên, nhà trường và địa phương.

Cũng theo ông Trần Hữu Tháp, nhà trường cần chỉ đạo giáo viên bộ môn tổ chức ôn tập theo nhóm, theo phân hóa năng lực. Cách tốt nhất là nên ôn tập cho học sinh theo các chuyên đề, nhóm vấn đề và hướng dẫn phương pháp tự học, rèn kỹ năng làm bài thi. Bố trí giáo viên có kinh nghiệm ôn tập, giúp những học sinh trung bình, yếu nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi.

Ngoài ra, giáo viên cần chú trọng hướng dẫn học sinh biết cách phân tích, trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, tạo cho các em tâm lý tự tin, thoải mái trước khi bước vào kỳ thi.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.