Vấn nạn tuyển dụng lao động "chui" - Kỳ 2: Xử lý chỉ ở bề nổi

10:11, 03/11/2012
.

(QNg)- Trước thực trạng nạn buôn bán người, lừa đảo người lao động của các "cò" lao động đến từ địa phương khác làm ăn bất hợp pháp, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và đã có không ít đối tượng phải tra tay vào còng với những bản án nghiêm minh.… Tuy nhiên, con số đó chỉ là bề nổi, còn "tảng băng chìm" về tuyển dụng lao động "chui" và bóc lột người lao động vẫn là một ẩn số cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều cấp, ngành…

TIN LIÊN QUAN


Vào giữa tháng 2/2012, trong lúc tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 24A, đoạn qua xã Ba Liên (Ba Tơ), lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Ba Tơ phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 56P - 8205, do vợ chồng Lê Văn Tiến (1978) và Trần Thị Thu Thanh (1980), trú quận Tân Bình (TP HCM) thuê có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu cho xe dừng để kiểm tra thì phát hiện trên xe có các em nhỏ người dân tộc H'rê.

Hai học sinh được cơ quan Công an huyện Ba Tơ giải cứu trước khi xe ô tô chở các em vào TP. Hồ Chí Minh.
Hai học sinh được cơ quan Công an huyện Ba Tơ giải cứu trước khi xe ô tô chở các em vào TP. Hồ Chí Minh.


 Tại cơ quan điều tra, vợ chồng Tiến khai nhận có móc nối với Phạm Văn Tha (1992) ở xã Ba Tô, là người đã từng làm công cho Tiến và Thanh để tìm kiếm thêm người làm cho quán ăn tại TP. HCM nên Tha đã lôi kéo Phạm Văn Grat (15 tuổi), Phạm Văn Quế (14 tuổi) học sinh lớp 8 Trường THCS Ba Tô và Phạm Văn Hút (18 tuổi) cả 3 ở xã Ba Tô (Ba Tơ) bỏ học để vào TP. HCM.

Không chỉ lừa để bóc lột sức lao động mà nhiều đối tượng tuyển dụng lao động còn lừa dối, dụ dỗ bán ra nước ngoài để rồi cả thân xác và tinh thần đều bị bóc lột. Trước đó, vào năm 2004 Phạm Thị Tanh (SN 1984), trú xã Ba Vì (Ba Tơ) bị lừa sang Trung Quốc để phụ nghề buôn bán tạp hoá cho một người ở Trung Quốc và trở thành gái mại dâm tại Trung Quốc. Ấm ức vì bị lừa bán, lại vừa muốn có tiền tiêu xài, năm 2008 Tanh cấu kết với một số đối tượng người Việt đang sinh sống tại Trung Quốc trở về Việt Nam móc nối với các đối tượng trong nước lập đường dây dụ dỗ và bán người sang Trung Quốc.

Theo hồ sơ của cơ quan Công an huyện Ba Tơ, từ tháng 8/2008 đến 9/2008 Tanh và đồng bọn đã thực hiện 2 vụ dụ dỗ bán người sang Trung Quốc. Đến tháng 9/2008 Tanh tiếp tục về Ba Tơ và Sơn Hà tìm những phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ, cả tin để dụ dỗ đi bán tiếp. Khi chuẩn bị đưa 2 phụ nữ lên xe sang Trung Quốc thì bị Công an phát hiện bắt giữ tại xã Đức Lân (Mộ Đức).  

Tại phiên toà sơ thẩm, căn cứ Điều 119 và Điều 120 Bộ luật Hình sự, Toà án nhân dân tỉnh tuyên phạt Phạm Thị Tanh 18 năm  tù giam, Trương Văn Thành 17 năm tù giam, Phạm Văn Thào và Phạm Thị Sô mỗi người 15 năm tù giam về tội buôn bán người. Đồng thời, phải bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình các bị hại.

Hầu hết, người dân 6 huyện miền núi tỉnh ta trình độ dân trí còn thấp, việc tiếp cận với các thông tin về lừa đảo, dụ dỗ của các đối tượng buôn người cũng như bóc lột sức lao động còn nhiều hạn chế nên khi bị dụ dỗ họ vẫn không hề hay biết, đến khi biết thì mọi việc đã muộn. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và người dân nơi đây luôn mong muốn được làm việc để đổi đời cũng là một trong những lý do để các đối tượng xấu đến dụ dỗ, lôi kéo để rồi đưa người lao động vào "tròng". Trước thực trạng hiện nay, người lao động ở tỉnh ta nói chung và nhất là lao động trẻ ở các huyện miền núi cần được bảo vệ cũng như hỗ trợ về thông tin.

Không chỉ bây giờ, mà từ nhiều năm trước những đối tượng "cò" lao động sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn sao dụ dỗ, lừa được người lao động đi theo và "bán" cho các chủ rẫy để kiếm tiền. Dù đã có nhiều trường hợp may mắn trở về được với gia đình. Nhiều câu chuyện được kể ra hay đơn tố cáo của người trong cuộc. Tuy nhiên, việc can thiệp của cơ quan có thẩm quyền dường như chưa đủ sức để  răn đe.

Ông Đinh Lễ - Phó trưởng Công an xã Sơn Hạ cho rằng, việc quản lý lao động địa phương rất khó do một bộ phận những người này thường xuyên đi làm ăn xa và về quê một thời gian rồi lại đi tiếp nên một khi có sự việc cần đến chính quyền can thiệp người nhà mới đến báo cáo nên dù cố gắng cũng không thể "bao" hết được.

Ông Cao Đình Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho rằng, ông có nghe một số vụ việc liên quan đến tuyển dụng lao động gặp "sự cố" trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc giữa người lao động và người tuyển dụng lao động chỉ thỏa thuận bằng miệng mà không hề thông qua cơ quan chức năng có thẩm quyền nào nên rất khó xử lý một khi xảy ra "sự cố" như những trường hợp vừa qua. Sở đã có nhiều văn bản gửi về các huyện chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH triển khai xuống tận các xã để người dân hiểu rõ và cảnh giác. Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm cho người lao động ở trong nước và cả nước ngoài. Rồi phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn thanh niên và người dân làm kinh tế ở địa phương.

Theo Luật sư Lê Huynh (Đoàn luật sư Quảng Ngãi), nếu người nhận công từ 10 người trở lên và công việc kéo dài trên 3 tháng thì cần phải có hợp đồng lao động bằng văn bản. "Theo khoản 6, Điều 8 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội nước CHXHCN VN khóa XIII thông qua vào kỳ họp thứ 3 ngày 18/6/2012 thì người tuyển dụng lao động có hành vi dụ dỗ, hứa hẹn, lôi kéo, quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động là vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp này hầu hết người tuyển dụng lao động đã vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là hình sự tùy theo mức độ vi phạm đối với người tuyển dụng lao động khi vi phạm Điều 199 Bộ luật Hình sự về tội buôn bán người. Trong trường hợp như lời khai của những bị hại tại xã Sơn Hạ thì rõ ràng "cò" lao động có biểu hiện hành vi buôn bán người. Ngoài ra, việc lợi dụng lòng tin của người lao động dụ dỗ họ đi theo và sau đó quản thúc trong những căn phòng chật hẹp chờ người cần lao động đến "mua" về cũng có biểu hiện vi phạm Điều 123 Bộ luật Hình sự về tội bắt giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật" - Luật sư Huynh nói.

Cũng theo ông Huynh thì hiện nay dù Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn hạn chế. Như những trường hợp tuyển dụng lao động trên thì luật pháp nước ta chưa có điều khoản xử phạt rõ ràng. "Do đó, việc tuyển dụng lao động "chui" vẫn rất khó kiểm soát.

       
Lê Đức - Xuân Thiên
 


.