Nâng cao chất lượng giáo dục: Đâu là "bí quyết"?

06:08, 26/08/2012
.

(QNg)- Năm học mới 2012-2013 đã bắt đầu. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục vẫn đang là vấn đề khiến nhiều người trăn trở.
 
Nghiêm túc đánh giá năng lực học sinh

Nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề đau đáu trong suy nghĩ của rất nhiều người. Một cán bộ quản lí giáo dục cho rằng, "bí quyết" của việc nâng cao chất lượng giáo dục "nằm" ở chỗ nghiêm túc đánh giá năng lực của học sinh. Nghiêm túc không phải để hù dọa hay để tổ chức dạy thêm cho những học sinh hạn chế về học lực, mà là để nhìn thẳng vào sự thật, tìm cách  giúp học sinh học tập tiến bộ hơn. "Chỉ có như vậy mới tránh được tình trạng giáo dục nên lớp học sinh hổng kiến thức cơ bản", vị cán bộ này nói. Theo vị cán bộ có kinh nghiệm hàng chục năm trực tiếp đứng lớp và làm công tác quản líù giáo dục này, giáo dục nên lớp học sinh mang lỗ hổng kiến thức cơ bản là "mắc nợ" thế hệ trẻ, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Học sinh tham gia luyện tập thể dục giữa giờ.
Học sinh tham gia luyện tập thể dục giữa giờ.


Trao đổi với phóng viên, ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT quả quyết: "Để nâng cao chất lượng giáo dục thì cần phải đánh giá đúng thực chất học lực của học sinh". Theo ông, các trường nên học tập tính nghiêm túc trong công tác giáo dục ở Trường THPT số 1 Tư Nghĩa. Đây là ngôi trường thuộc tốp đầu về chất lượng giáo dục ở Quảng Ngãi. Học sinh Trường THPT số 1 Tư Nghĩa thi đỗ ĐH, CĐ luôn chiếm tỉ lệ cao (bình quân trên 40% mỗi năm). Riêng trong năm 2012, theo số liệu thống kê ban đầu, trong số 14 lớp ở khối 12 thì có 3 lớp tỉ lệ học sinh đỗ ĐH chiếm khoảng 80%. Các lớp còn lại bình quân mỗi lớp có 10 em đỗ ĐH.

Thầy giáo Trương Quang Dũng-Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, chia sẻ: "Nghiêm túc trong công tác dạy và học đã trở thành truyền thống của nhà trường. Công tác kiểm tra, đánh giá học lực học sinh được tổ chức nghiêm ngặt. Đội ngũ giáo viên nhiệt tình, mỗi người có cách dạy riêng, song đều nỗ lực để học sinh tiến bộ. Khi bước chân vào trường, mỗi học sinh nhận thức được tính nghiêm túc và tự bản thân không ngừng cố gắng".

Nâng cao trách nhiệm, đổi mới phương pháp
 
Ông Thái Văn Đồng nhấn mạnh, trong năm học này ngành giáo dục tiếp tục chỉ đạo các trường học thực hiện đổi mới công tác quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác quản lí tập trung giao quyền cho cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt trong nhà trường. Đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, trọng tâm là đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập gắn liền với xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực.

Thầy giáo Trịnh Minh Tường-Hiệu trưởng Trường THCS Đức Chánh bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, giải quyết được 3 yếu tố sau đây thì sẽ tìm ra lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là tâm huyết của người thầy giáo và người làm công tác quản lí. Gia đình, chính quyền địa phương phải quan tâm đến công tác giáo dục, đồng thời trang bị ý thức học tập cho học sinh".

Thầy giáo Trịnh Minh Tường nguyên là học sinh Trường THPT số 1 Tư Nghĩa. Ông là lớp học sinh trong những năm đầu thành lập trường, khi ấy đất nước chưa thống nhất. "Dạy và học rất nghiêm túc, nhất là công tác kiểm tra, thi cử", thầy giáo Tường nhớ lại lúc học tập ở Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (tên gọi của trường lúc đó là Trường THPT Thu Xà). Qua nhiều năm làm công tác quản lí, thầy giáo Tường rút ra kinh nghiệm từ chính ở mái trường nơi mình công tác, đó là "khi vào học ở ngôi trường trật tự, kỉ cương thì tự nhiên trong học sinh sẽ có ý thức nghiêm túc".

"Giáo dục học sinh không phải ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình từ dưới lên, đòi hỏi người thầy giáo phải có cái tâm trong sáng, hết lòng vì học sinh thân yêu", chúng tôi nhớ mãi câu nói của một ông giáo già dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục không đâu xa mà trong chính mỗi người thầy, người làm công tác quản lí giáo dục và sự quan tâm hỗ trợ thiết thực để đáp ứng tốt điều kiện dạy và học.     


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ  

 


.