Học sinh dân tộc thiểu số: Vấp phải rào cản tiếng Việt

01:05, 10/05/2012
.

(QNg)- Nhiều học sinh dân tộc thiểu số vấp phải rào cản lớn khi tiếp cận chương trình giáo dục mang tính quốc gia, đó chính là tiếng Việt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường học có học sinh yếu kém chiếm tỷ lệ cao.

TIN LIÊN QUAN


Học sinh dân tộc thiểu số quen với môi trường giao tiếp bằng tiếng "mẹ đẻ". Trong mọi sinh hoạt của đời sống, các em nghe và nói bằng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Điều kiện ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên trẻ ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Kinh. Do đó, khi bước vào môi trường giáo dục ở bậc tiểu học, mặc dù ở bậc mầm non đã trải qua chương trình "làm quen" với tiếng Việt, thế nhưng đối với số đông học sinh dân tộc thiểu số thì tiếng Việt là rào cản lớn.

Học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Ba Tơ.
Học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Ba Tơ.


Anh Võ Phúc Huy-Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Quân (Tây Trà) tâm sự, giáo viên nói tiếng Kinh học sinh không hiểu. Học sinh nói lại bằng tiếng dân tộc thiểu số giáo viên "ngớ người". Chuyện này thường xuyên xảy ra ở vùng cao. "Dạy học cho học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, nhất là học sinh lớp 1 rất vất vả. Các em không thạo việc nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt nên khó mà học tốt các môn khác", anh Huy nói.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tiếng Việt là ngôn ngữ sử dụng chính trong trường học. Thế nên mặc dù khó khăn, đội ngũ giáo viên ở các huyện vùng cao không ngừng nỗ lực để truyền đạt kiến thức cho học trò. Tuy nhiên, những người làm công tác giáo dục ở vùng cao thừa nhận rằng, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng bởi rào cản tiếng Việt. Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Quân Võ Phúc Huy, tỉ lệ học sinh lớp 1 có học lực yếu kém chiếm khoảng 50% trong mỗi năm học. Hầu hết học sinh này yếu kém về tiếng Việt. Chị Nguyễn Thị Thành-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà cho biết, học sinh yếu kém ở khối lớp 1 và lớp 2 trên địa bàn huyện cũng chiếm khoảng 50%. Nguyên nhân chính là do học sinh khó tiếp cận tiếng Việt. Nhiều ngôn từ tiếng Việt học sinh dân tộc thiểu số không hiểu, do đó tiếp thu kiến thức một cách chậm chạp là điều dễ hiểu.

Trước đây, khi dự án hỗ trợ giáo dục trẻ em vùng khó khăn còn triển khai,  giáo viên ở vùng cao đỡ vất vả trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh. Dự án này tăng cường nhân viên hỗ trợ giáo viên cho các trường tiểu học. Nhân viên hỗ trợ giáo viên là người dân tộc thiểu số. Họ làm cầu nối giữa giáo viên và học sinh, nhằm giúp các em phát triển kỹ năng tiếng Việt. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, khi dự án kết thúc, giáo viên ở vùng cao lại phải "lao đao" với việc dạy tiếng Việt cho học sinh. Ông Phan Văn Việt-cán bộ phụ trách chuyên môn tiểu học (Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà) cho hay, giáo viên không thể thạo hết ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chỉ còn cách cố gắng diễn tả để học sinh hiểu thông qua vật dụng, hình ảnh. Ở xã Trà Xinh, bậc tiểu học có học sinh của 3 dân tộc thiểu số là Kor, Cadong và H’rê theo học. Trong khi đó giáo viên người Kinh không thông thạo hết ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục theo đó hạn chế dần. Ở lớp học, học sinh dân tộc thiểu số trò chuyện bằng ngôn ngữ của đồng bào mình mặc dù giáo viên ở các trường học thường xuyên nhắc nhở các em nói chuyện bằng tiếng Việt để phục vụ cho việc học tập.  

Rào cản tiếng Việt đối với học sinh dân tộc thiểu số khi tiếp cận chương trình giáo dục mang tính quốc gia là vấn đề khiến cho những người làm công tác giáo dục ở vùng cao trăn trở. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số, ngay từ bậc tiểu học đã không được "xây" nền móng kiến thức vững chắc bởi rào cản lớn nhất là tiếng Việt.


Bài, ảnh: Phương Lý
 


.