Người thầy đầu tiên trên vùng đất khó

11:03, 19/03/2012
.

(QNg)- Vào những năm đầu thập niên cuối thế kỷ trước, vùng núi rừng Trà Xinh (Tây Trà) là nơi rừng thiêng nước độc, đi lại chỉ qua những con đường mòn nhỏ ven suối. Thời đó, cái ăn còn khó nên con chữ cũng chưa đến được với đồng bào nơi đây. Với cái duyên và tấm lòng với người dân, chàng thanh niên Đinh Xăng Cầm trở thành người thầy đầu tiên mang con chữ đến vùng đất nghèo khó này.

TIN LIÊN QUAN

 
Xuất thân là người dân tộc Hrê, quê ở xã Long Môn (Minh Long), học hết lớp 9, thanh niên Đinh Xăng Cầm (sinh 1974) cùng với những người bạn vượt núi từ quê nhà đến vùng đất Trà Xinh để làm ăn.  Tuy nhiên, khi đến nơi đây, công việc làm ăn không dễ dàng gì, không có vốn liếng về lại quê nhà nên chàng thanh niên này phải bám trụ với vùng đất này. Để kiếm sống, với kiến thức mình học được, chàng thanh niên người Hrê dựng lều để dạy học cho con em trong làng.

Thầy giáo Đinh Xăng Cầm bên những học sinh thân yêu của mình.
Thầy giáo Đinh Xăng Cầm bên những học sinh thân yêu của mình.


Vượt hàng chục đèo dốc, chúng tôi tìm đến điểm trường đội 7, thôn Trà Kem (thuộc trường THCS&TH Trà Xinh), nơi thầy giáo Đinh Xăng Cầm công tác. Gương mặt thầy giáo Cầm sáng và hiền, ánh lên vẻ phúc hậu  rất dễ gần. Ít ai biết, trước khi trở thành thầy giáo, người đàn ông này có một cuộc sống tha hương đến những vùng quê khốn khó để kiếm sống. Với 17 năm mang cái chữ đến với những thế hệ học trò con em đồng bào nơi đây thì 10 năm thầy bị căn bệnh gút hành hạ.

Thầy Cầm chia sẻ, mặc dù đi lại rất khó khăn, nhưng được lên lớp mỗi ngày thì tinh thần thoải mái và khỏe hơn. Đó là động lực để thầy có thể chiến đấu với bệnh tật suốt chục năm qua để mỗi ngày được đến lớp với những học trò nghèo.
Thầy Cầm kể lại, vào những năm 1993- 1994, khi công việc làm ăn thất bại, thầy bắt đầu kiếm sống bằng việc mở trường dạy chữ. Những ngày đầu, con em người dân quanh vùng rất thích học cái chữ. Để con em mình được đi học, người dân tự nguyện dựng trường. Ngôi trường lúc đó được dựng lên từ những tấm phên bằng tre, nứa, mái lợp lá cây. Lớp học những ngày đầu chừng 20 học sinh, trong đó học sinh lớn tuổi nhất là 20 tuổi. Ngoài ra, buổi tối phải thắp đèn dầu để những người lớn tuổi trong làng đến học cái chữ.

Về sau, bà con góp tiền lại và thầy phải ra tận xã Trà Phong để mua sách vở về cho học sinh. Học phí lúc đó thầy nhận không phải là tiền mà là những bữa ăn đạm bạc qua ngày, sống cùng với hoàn cảnh của người dân nơi đây. Một thời gian sau, thầy ký hợp đồng với xã Trà Xinh mở một lớp học quy mô hơn. Đến mùa hè năm 1995, trường học được xây dựng trên vùng đất Trà Xinh. Thầy Cầm được Phòng Giáo dục huyện Trà Bồng lúc đó đưa đi đào tạo lớp "cắm bản" tại Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi. Sau đó thầy về dạy học tại Trường tiểu học Trà Xinh đến nay.

Là một người đặt viên phấn đầu tiên ở vùng núi Trà Xinh luôn khát khao con em nơi đây có cái chữ, sau này có kiến thức làm ăn, thay đổi cuộc sống, với những lứa học trò đầu tiên được thầy dạy chữ, giờ đây có người đang công tác tại cơ quan nhà nước cấp xã.  


Giờ đây, vùng đất Trà Xinh đã có những con đường lớn. Con em nơi đây đã có trường lớp khang trang để học, và thầy vẫn tiếp tục gắn bó với sự nghiệp của mình ở vùng đất vẫn còn lắm nghèo khó này. Tuy sức khỏe yếu, điều kiện gia đình khó khăn nhưng thầy vẫn dành tình yêu thương cho những học trò nghèo, với niềm mong mỏi là tương lai của đồng bào nơi đây tươi sáng hơn. Dù sức khỏe yếu nhưng thầy vẫn tâm huyết "khi nào còn đứng nổi thì tôi sẽ cố gắng hết sức đứng trên bục giảng để mang cái chữ đến với học sinh đồng bào nơi đây".


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN
 


.