Con chữ nơi miền đất khó

12:02, 26/02/2012
.

(QNg)- Con đường đến trường của các em quả thật gian nan, hết trèo đèo lại lội suối với quãng đường dài thăm thẳm. Thế nhưng các em vẫn đều đặn đi - về, bởi một lẽ cơn khát con chữ của các em học sinh nơi miền đất khó này chưa bao giờ vơi đi, mặc cho có hôm cái bụng chưa đủ no, đôi chân mỏi vì quãng đường xa...

 

TIN LIÊN QUAN

 
Nằm cách trung tâm huyện Tây Trà 11km về hướng Tây Bắc, Trà Khê là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tây Trà. Toàn xã có 3 thôn và cả 3 thôn ấy đều bị chia cắt bởi những con suối lớn. Trong đó thôn Sơn và thôn Hà nằm cách trung tâm xã khoảng 7km đường núi, nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi học của các em, nhất là các em bậc tiểu học.

Khát con chữ

Từ trung tâm huyện, chúng tôi đi ô tô vượt qua ít nhất 2 con suối với đường dốc thẳng đứng, mặt đường gồ ghề bởi đá núi nên mất cả giờ đồng hồ mới đến được trụ sở UBND xã Trà Khê. Có lẽ vì thế mà nhìn các em học sinh Trường Trà Khê lội bộ hàng giờ đồng hồ để đến trường khiến chúng tôi thật sự cảm phục bởi sự chịu khó và lòng nhẫn nại của các em.

Em Hồ Thị Trâm học sinh lớp 7 Trường Trà Khê chia sẻ bữa cơm trưa cho bạn học sinh cùng lớp.
Em Hồ Thị Trâm học sinh lớp 7 Trường Trà Khê chia sẻ bữa cơm trưa cho bạn học sinh cùng lớp.


Như em Hồ Thị Trâm, ở tổ 5, thôn Sơn 2, hiện đang là học sinh lớp 7 trường Trà Khê, phải đi bộ 2 giờ đồng hồ mới đến được trường. "Lớp 7 học buổi chiều, nhưng hôm nay có buổi tập trống đội nên em phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đi đến trường"- Trâm thổ lộ. Vì ở lại trường cả ngày nên Trâm phải nấu cơm ở nhà mang theo để ăn trưa. Tuy chỉ là cơm trắng với nước mắm, nhưng Trâm đã chia sẻ cho một bạn học cùng lớp để cùng nhau ăn một cách ngon lành. Không chỉ có Trâm mà nhiều học sinh khác cũng mang theo cơm trưa mỗi khi học cả ngày. Điều đó cho thấy các em thật sự đang khát con chữ. Trâm tâm sự "Được đi học như chúng em thế này là may mắn lắm rồi. Vì trước đây, với lứa tuổi như chúng em các anh chị không những không được đến trường mà còn phải lên rẫy phụ bố mẹ kiếm tiền hoặc ít nhất cũng phải ở nhà trông em, lớn vài tuổi nữa thì lấy chồng, cưới vợ".

Thầy Nguyễn Trí Dũng- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mặc dù địa hình xã Trà Khê khá phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nhưng phần lớn con em đồng bào nơi đây đã ý thức được tầm quan trọng của việc học nên hàng năm sĩ số học sinh đến trường luôn đạt cao. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh cũng như sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường. Giáo viên của trường không chỉ dạy cho em biết đọc viết, tính toán mà còn là người thân đối với các em để kịp thời động viên, làm công tác tư tưởng cho các em. Nhờ vậy nên tình trạng các em đi học giã gạo từng bước được khắc phục.

Băng rừng, lội suối đến trường

Các em học sinh ở Trường Trà Bùi (Trà Bồng) không phải vất vả với cơm đùm, cơm túm khi đi học như các bạn ở trường Trà Khê, vì đã có nhà bán trú. Tuy nhiên, cuối tuần các em đều phải về nhà để lấy thêm thức ăn, quần áo. Nhiều em từ nhà đến trường phải đi bộ hơn 25 cây số.

Đặt túi đồ trước cổng trường, kéo vạt áo lau mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt, em Hồ Văn Thuận (11 tuổi), học sinh lớp 5, kể: Nhà em ở thôn Quế (Trà Bùi), cách trường học khoảng 25 cây số nên mỗi tuần em chỉ về nhà 1 lần. Mùa mưa thì phải đến vài tuần, thậm chí có khi hơn cả tháng mới về. "Mỗi lần về nhà cháu chỉ chơi với ba mẹ và chị gái được một đêm rồi sáng chủ nhật lại đến trường. Nhớ ba mẹ nhưng nhà xa nên cháu phải đi đến trường sớm"- Thuận nói mà hai khoé mắt ngấn lệ. Hành trình từ nhà đến trường và ngược lại của Thuận mất gần một ngày đi đường mới đến nơi. Nhưng điều đáng biểu dương đối với Thuận là, tuy đường đi trắc trở nhưng hiếm khi nào Thuận nghỉ học.

Chị gái của Thuận là em Hồ Thị Hà, hiện là học sinh lớp 9 của trường cũng thế. "Mỗi tuần ba mẹ cho 2 chị em 40.000 đồng. Bữa sáng chỉ là 1 ổ bánh mì không. Số tiền còn lại, 2 chị em Thuận dùng để mua kem đánh răng, xà phòng và một số vật dụng cần thiết khác. "Tụi cháu như vậy cũng đỡ lắm rồi. Nhiều bạn phải nhịn ăn sáng lên lớp vì bố mẹ không có tiền"- Thuận chia sẻ.

Em Hồ Thị Chung, học sinh lớp 5 của trường, mỗi lần đi về nhà cũng mất cả tiếng đồng hồ. Nhà có 4 chị em, Chung là chị cả, đứa em út mới  3 tuổi. Vì không có bố nên mẹ Chung phải làm rẫy quần quật hết ngày này qua ngày nọ mới đủ gạo nuôi 4 con.

Chị Hồ Thị Hương- mẹ Chung tâm sự: Bố tụi nhỏ mất sớm do tai nạn trong khi làm rẫy nên các con hầu như không nhớ mặt bố. Một mình chị phải làm lụng nuôi các con. Từ tờ mờ sáng chị đã phải lên rẫy đến khi mặt trời khuất bóng chị mới về nhà. Chính vì vậy nên hầu như chị không còn thời gian để chăm sóc các con. Vì thế mấy chị em Chung tự đùm bọc chăm sóc lẫn nhau.

Nhờ có sự quan tâm của Nhà nước nên chị không phải tốn tiền lo cho con gái ăn học. Thỉnh thoảng chị mới cho Chung được 20.000 đồng để mua các vật dụng cần thiết. Có lẽ biết được nỗi vất vả của mẹ nên bản thân Chung luôn cố gắng học. Nhờ vậy mà trong những năm qua, Chung luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài một buổi học ở trường, Chung theo mấy cô chú đi kiếm củi về cho chị nuôi nấu cơm. Hôm thì đi làm thuê để kiếm tiền. "Có hôm em đi nhổ mì cho người ta cũng được 25.000 đồng. Số tiền trên con dùng để mua các vật dụng khi cần để khỏi xin tiền mẹ"- Chung khoe với chúng tôi.

Chia tay thầy trò nơi miền sơn cước khi mặt trời ngả bóng về chiều chúng tôi cảm thấy chạch lòng. Bởi lẽ, nơi ấy dù đối mặt với muôn vàng khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng thầy trò vẫn đùm bọc vượt qua để cùng nhau ra lớp đều đặn với hy vọng mang ánh sáng tri thức về xây dựng quê hương.


Trịnh Phương

 


.