Cán bộ xã, việc và đời

03:12, 16/12/2011
.

(QNĐT)- Chuyện “đau lòng” của ông Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khi lương trung bình của nhân viên ngành điện mới chỉ ở mức 7,3 triệu đồng/tháng đã làm nóng dư luận thời gian qua. Và dù đặc thù công việc có khác nhau, cũng không kém phần vất vả, nhưng lương của cán bộ xã ở nông thôn chỉ ở mức trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Liệu có đau lòng? Họ sống như thế nào?

Lấy cơ cực “nuôi” chức cán bộ xã

Cứ gần 2 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Thuần – Cán bộ văn hóa – xã hội xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ lại tất tả ra đầm Lâm Bình để thu gom cá từ những giàn đăng nò đặt tại đầm Lâm Bình. Rét lạnh những ngày gần đây làm cho công việc của anh khá vất vả. Vì cứ sau một hồi ngụp lặn trong làn nước lạnh buốt thì hai hàm răng của anh lại va vào nhau liên hồi, toàn thân tím tái. Thi thoảng, anh phải trở lên trên ghe và ngồi quấn bạt ny lông kín người và rít thuốc liên hồi để cho cơ thể bớt lạnh rồi mới tiếp tục công việc.

(QNĐT)- Chuyện “đau lòng” của ông Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khi lương trung bình của nhân viên ngành điện mới chỉ ở mức 7,3 triệu đồng/tháng đã làm nóng dư luận thời gian qua. Và dù đặc thù công việc có khác nhau, cũng không kém phần vất vả, nhưng lương của cán bộ xã ở nông thôn chỉ ở mức trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Liệu có đau lòng? Họ sống như thế nào?
Sau hơn 3 giờ ngâm mình trong làn nước lạnh buốt, anh Nguyễn Văn Thuần lại vội đến trụ sở với công việc thường ngày của một cán bộ xã.


Hơn 3 giờ dầm mình trong làn nước giá buốt như thế anh cũng kiếm được từ 50.000 – 70.000 đồng. “Tuy không đáng là bao so với công sức bỏ ra, nhưng đấy là khoản thu nhập chính lo cho gia đình. Bởi vì lương cán bộ xã của tui chỉ hơn 1,5 triệu đồng, chỉ đủ đổ xăng xe và phong bì dự vài đám tiệc trong tháng” – anh nói.

Với anh Phạm Cho – Cán bộ giao thông – thủy lợi và lâm, diêm nghiệp xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ thì cứ sau giờ làm việc thì anh lại ra đồng canh tác gần 4.000m2 ruộng muối. Kết thúc vụ muối thì anh lại tranh thủ bốc vác thuê và làm nhiều công việc nặng nhọc khác.

Vào những ngày nghỉ cuối tuần, anh lại đi bạn cho những chủ tàu cá hành nghề lưới vây rút gần bờ với khoản thu nhập mỗi ngày từ 60.000 – 80.000 đồng. Để cùng với anh lo cho 3 người con được đến trường, vợ anh là chị Nguyễn Thị Chính phải còng lưng vác đá chẻ thuê cho những chủ mỏ trong vùng với nguồn thu nhập từ 50.000 – 70.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, công việc này “chơi nhiều hơn làm” nên khoản thu nhập hàng tháng của chị chẳng đáng là bao.

“Cuộc sống của gia đình tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tui vẫn luôn động viên vợ cố gắng vượt qua. Và cũng nhờ sự tần tảo của vợ nên tui mới có điều kiện tham gia công tác ở xã với khoản lương sau khi trừ bảo hiểm thì còn chưa đến 800.000 đồng” – anh cho biết.

 Buồn lòng với lương cán bộ xã

Ở tuổi 43, anh Cho đã có 21 năm tham gia công tác xã hội. Sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp quản lý kinh tế vào năm 1990, anh đảm nhận chức vụ kế toán HTX sản xuất muối Sa Huỳnh rồi đến Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm. Đến năm 2009, anh được điều động về xã phụ trách công tác giao thông – thủy lợi và lâm, diêm nghiệp. Hàng ngày, anh luôn bận rộn với những số liệu báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo xã giải quyết những trường hợp liên quan đến lĩnh vực mà anh phụ trách.

fg
Cứ sau giờ làm việc ở trụ sở, anh Cho lại đi bốc vác và làm nhiều công việc khác để kiếm tiền lo cho gia đình.


Anh còn hường xuyên đi cơ sở để hướng dẫn người dân phương pháp sản xuất muối chất lượng cao và vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi… Tuy công việc khá vất vả nhưng với mức lương hệ số 1 nên sau khi trừ tiền bảo hiểm, anh Cho chỉ nhận được hơn 700.000 đồng/tháng.   

Với anh Nguyễn Văn Thuần thì đã có hơn 7 năm tham gia công tác xã hội với chức danh ban đầu là Phó Trưởng thôn Mỹ Trang. Sau đó, anh được điều động về xã đảm nhiệm nhiều chức danh khác nhau và hiện giờ là cán bộ hợp đồng văn hóa – xã hội xã Phổ Cường.

Công việc của anh là hoàn thành thủ tục và cấp phát tiền cho những người hưởng chế độ bảo trợ xã hội, tổ chức tiếp nhận và cấp phát hàng hóa cứu trợ cho nhân dân. Anh còn thường xuyên đến địa bàn 7 thôn trong xã để hướng dẫn cho người dân hoàn thành nhiều loại thủ tục giấy tờ liên quan…

Công việc khá vất vả và chiếm nhiều thời gian trong ngày, kể cả phải làm thêm những ngày nghỉ cuối tuần khi cần thiết, nhưng anh cũng chỉ nhận được hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Điều anh lo lắng là hiện anh chưa được UBND xã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để làm cơ sở tính lương hưu về sau, mặc dù anh đã tốt nghiệp lớp trung cấp quản lý hành chính.

Không chỉ riêng anh Cho và anh Thuần mà hiện còn nhiều trường hợp khác cũng đang phải “gồng mình” đảm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã với mức lương quá thấp so với mức sống hiện tại. Nhiều người đảm nhiệm chức danh cán bộ bán chuyên trách hay cấp phó các hội, đoàn thể chỉ nhận được khoản lương hàng tháng trên dưới 800.000 đồng. Và cũng đã có nhiều trường hợp không được đóng bảo hiểm xã hội nên sau nhiều năm làm việc ở xã đến khi về nghỉ chỉ với hai bàn tay trắng. Liệu chất lượng công việc của họ có được nâng cao?

    Khi được hỏi về dự định trong tương lai thì anh Thuần lại đưa mắt nhìn vào đống hồ sơ cao chất ngất trong phòng làm việc và lật sổ tra xét những đối tượng nghèo khổ cần được cứu giúp. Và anh lại ngoảnh mặt ra đầm Lâm Bình, nơi có những chiếc ghe đang buông lưới cùng những tiếng gõ vào mạn thuyền vang vọng chiều đông. Riêng với anh Cho thì hí hoáy viết vội bản kế hoạch sữa chữa đường giao thông và kênh mương thủy lợi bị tàn phá sau đợt lũ vừa qua. Rồi anh chợt thở dài nhìn ra cánh đồng muối trắng xóa nước mưa cùng những ụ muối nằm chỏng chơ giữa trời chiều u ám.


                        Trang Thy

 


.