Giảm tải SGK: Nhiều bất hợp lý gây thất vọng!

08:09, 20/09/2011
.

Hướng dẫn giảm tải chương trình- SGK của Bộ GD&ĐT đã được triển khai ở nhiều nơi. Tuy nhiên, khi đưa vào áp dụng, nhiều giáo viên và nhiều trường học rơi vào trạng thái thất vọng bởi quá nhiều điểm bất hợp lý. PGS Văn Như Cương cho rằng, đáng ra phải thay đổi chương trình cho học sinh đỡ nặng thì Bộ lại áp đặt giảm chỗ nọ, chỗ kia trong SGK một cách nhỏ lẻ, vụn vặt.
 
Giảm tải cả kiến thức liên thông
 
Theo hướng dẫn giảm tải của Bộ GD&ĐT, lượng kiến thức giảm nhiều nhất là ở khối 12 với tỷ lệ giảm 11% ở học kỳ I và 12,5% ở học kỳ II.
 
 
Đấy là con số phân tích trên tổng thể của cả một khối học, nhưng nếu xét riêng lẻ từng môn, việc giảm tải chẳng thể coi là giảm tải. Ví dụ như đối với chương trình ngữ văn lớp 12, bài “Nhân vật giao tiếp” (trang 18 sách giáo khoa tập 2), trước đây các giáo viên dạy trong hai tiết học, nay chuyển sang hình thức dạy “Tự học có hướng dẫn” với thời lượng khoảng nửa tiết. Như vậy, môn ngữ văn 12 với thời lượng cũ là 105 tiết cả năm, nay được giảm tải một tiết rưỡi.
 
Tương tự, ở chương trình ngữ văn lớp 10, 11, toàn bộ thời lượng của cả năm học chương trình 11 là 123 tiết thì chỉ có giảm tải ba bài. Ở lớp 10, nội dung hoặc là lược bớt hoặc chỉ chuyển sang phần tự học có hướng dẫn, với thời lượng giảm tải không bao nhiêu.
 
"Bài cần giảm vẫn chưa giảm, trong khi những bài không nhất thiết giảm thì lại bị cắt bỏ” – đó là ý kiến của cô Khánh Phương, giáo viên môn Sinh học (Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội). Theo phân tích của cô Khánh Phương, ở bài "Quy luật di truyền của Mendel" là bài học quá khó so với một học sinh lớp 12 nhưng lại không được cắt giảm. Ngược lại, bài "Thuyết tiến hóa của Lamac", là phần quan trọng giúp học sinh có căn cứ để so sánh với các học thuyết sau lại bị cắt bỏ nên học sinh sẽ rất khó khăn khi học các học thuyết sau đó.
 
Tương tự môn Sinh học, môn Địa lý lớp 12 bỏ hẳn bài “Lịch sử hình thành phát triển lãnh thổ”, tuy nhiên, theo một giáo viên dạy địa ở trường THPT tư thục trên địa bàn huyện Từ Liêm, đây là kiến thức cơ bản mà học sinh cần nắm để hiểu một cách hệ thống hơn các bài sau đó, việc bỏ bài này sẽ khiến các em khó nắm bắt kiến thức theo hệ thống. Còn thầy Hữu Phương (phụ trách môn Lịch sử, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, môn Lịch sử cũng được giảm tải ở mức độ vừa phải giúp học sinh nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, môn học này không cắt cúp hẳn các bài mà chủ yếu giảm nhỏ lẻ các phần trong bài học nên khó định lượng giảm bao nhiêu phần trăm.
 
Đối với chương trình ngữ văn ở THCS, trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ở lớp 6, 7 bài về cách làm văn nghị luận, văn chứng minh được tinh giản, chỉ yêu cầu học sinh biết khái niệm sơ lược về văn giải thích, văn chứng minh. Theo các giáo viên dạy văn học ở bậc học này, đây là điều không hợp lý. Nếu học sinh chỉ hiểu khái niệm mà không được kiểm tra kỹ năng viết thì có khác này học xuông bởi lý thuyết không đi đôi với thực hành. Tuy nhiên, điều bất hợp lý là đến lớp 8, các em lại học văn chứng minh, giải thích. Đấy là điểm mà đa phần các giáo viên đều lúng túng bởi dạy sao cho đúng hướng dẫn giảm tải mà vẫn đảm bảo kiến thức nền cho các em ở các lớp tiếp theo.
 
Công lập giảm tải, dân lập vẫn dạy đảm bảo kiến thức
 
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, theo phản ánh của một số giáo viên sau khi triển khai hướng dẫn, việc giảm tải chương trình vẫn còn bất cập bởi đấy chỉ là cách cắt giảm rất cơ học.
 
Theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết, do phân phối số tiết của trường dân lập khác với trường công lập nên có những bài Bộ GD&ĐT yêu cầu giảm tải nhưng thấy vẫn cần thiết cho học sinh thì chúng tôi vẫn dạy.
 
PGS Văn Như Cương cho rằng, chương trình phổ thông hiện nay chưa thay đổi, học sinh đang gánh một chương trình quá nặng. Đáng ra phải thay đổi chương trình cho học sinh đỡ nặng thì Bộ lại áp đặt giảm chỗ nọ, chỗ kia trong SGK một cách nhỏ lẻ, vụn vặt.
 
Đây cũng là quan điểm của một số hiệu trưởng trường tư thục trên địa bàn huyện Từ Liêm. Giảm tải của Bộ GD&ĐT các trường vẫn thực hiện, nhưng các trường sẽ cân chỉnh trên thời gian thực học ở trường với yêu cầu đảm bảo kiến thức liên thông cho học sinh là tiên quyết.
 
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết, để đảm bảo đúng chương trình của năm học, các sở GD&ĐT chủ động chỉ đạo các nhà trường, giáo viên dành thời gian còn dư sau khi đã cắt giảm chương trình để đổi mới phương pháp, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém".

.