Người lao động ít ý thức trong việc nhận biết mình mắc bệnh nghề nghiệp

06:08, 21/08/2011
.

(QNg)- Đa số người lao động không nhận biết được mình mắc các căn bệnh nghề nghiệp thường gặp như  bụi phổi silic, bệnh điếc nghề nghiệp, rung chuyển nghề nghiệp, loét da, loét vành ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc, sạm da, bệnh nhiễm độc chì, bệnh lao nghề nghiệp… và nhiều bệnh khác. Người lao động vẫn chưa hiểu rõ và  ý thức được sự nguy hiểm của bệnh nghề nghiệp. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến bản thân họ và cả đối với nơi họ đang làm việc…
 
Cơ thể xanh xao, thở không ra hơi, nói không thành tiếng, nhưng anh Lâm - công nhân mỏ đá An Hội, thuộc xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) vẫn không biết mình có bệnh. Tới lúc cảm thấy người không còn sức nữa, anh Lâm mới đến bác sĩ và biết mình đã bị "bệnh bụi phổi silic" nặng.

 

 
Người lao động tại các lò gạch thủ công tiếp xúc hàng ngày với than đá (tác nhân gây bệnh bụi phổi silic) nhưng không có trang bị bảo hộ lao động.
Người lao động tại các lò gạch thủ công tiếp xúc hàng ngày với than đá (tác nhân gây bệnh bụi phổi silic) nhưng không có trang bị bảo hộ lao động.
 
Đây là căn bệnh nghề nghiệp mà đa số công nhân khai thác đá như anh mắc phải. Anh Lâm cho biết, anh bắt đầu thấy khó thở từ vài năm trước, lại biếng ăn. Người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi uể oải, nhưng anh không đi khám, vì thấy bệnh cũng chẳng có gì nghiêm trọng. Anh cứ nghĩ rằng do công việc nặng nhọc, lại cứ hay cố làm thêm giờ, nên mệt mỏi không muốn ăn. Làm việc tại mỏ đá bụi tung mù trời, không khí lại luôn nóng bức, bịt miệng trong vài ba lớp khăn mà vẫn không tránh khỏi bụi thì khó thở là chuyện bình thường. Và khi về đến nhà thì anh Lâm lại thấy dễ chịu, nghỉ một đêm sáng ra thì cảm thấy người khỏe hơn.
 
Cho đến vài tháng gần đây, anh Lâm thấy sức khỏe xuống dốc quá nhanh, người cứ như rã ra sau mỗi ngày làm việc nên anh mới đi khám bệnh. Biết ra thì bệnh đã khá trầm trọng. Bác sĩ cho biết, nếu muốn giữ sức khỏe thì anh Lâm nên ngưng ngay công việc đang làm, phải được nghỉ ngơi một thời gian dài để điều trị. Nhưng "làm sao mà nghỉ việc trong khi mình là lao động chính trong gia đình" - anh Lâm nói. Và chỉ sau một vài ngày nằm viện, anh Lâm lại trở về với công việc của mình ở mỏ đá.
 
Trường hợp của anh Lâm cũng giống như hàng nghìn lao động đang mắc các bệnh nghề nghiệp khác. Đến nay các nhà nghiên cứu đã xác định được một số dạng bệnh nghề nghiệp như: hen nghề nghiệp, các bệnh bụi phổi, nhiễm độc kim loại, nhiễm độc các chất khí, điếc nghề nghiệp... Dễ mắc các bệnh này là những người làm trong các nghề: May, dệt, luyện cán thép, sản xuất xi măng, khai thác đá, thợ uốn tóc, giáo viên, người làm trong kho đông lạnh, xây dựng, sản xuất hóa chất... từ 3 năm trở lên.

Được biết, bệnh nghề nghiệp làm người lao động mất dần sức khỏe qua thời gian làm việc. Trải qua 3 giai đoạn (ủ bệnh, phát bệnh trong một thời gian dài và chuyển dần sang mãn tính). Kể từ lúc mới có dấu hiệu phát bệnh tới lúc chuyển sang mãn tính, mất khoảng chục năm. Thế nhưng thực tế, hầu hết người nhập viện điều trị bệnh nghề nghiệp thường đã mắc bệnh từ rất lâu, hiện đang hoặc đã chuyển sang giai đoạn mãn.
 
Họ thường có thời gian làm việc trên 10 năm trong môi trường độc hại. Việc điều trị khi bệnh đã vào giai đoạn mãn tính chỉ có thể cải thiện triệu chứng, giúp bệnh nhân tĩnh dưỡng, chứ không thể giúp họ hết bệnh, nhất là bệnh phổi silic. Mà những người bị bệnh này thường rất dễ bị nhiễm thêm bệnh lao.
 
Mặc dù vậy rất ít người biết và tự tìm đến khám bệnh nghề nghiệp. Người lao động chỉ khám bệnh khi các công ty, xí nghiệp mời bác sĩ đến khám đồng loạt. Và họ cũng chỉ đi điều trị khi được công ty đưa đi. Còn chưa thấy ai tự đến nhập viện vì bệnh nghề nghiệp cả. Điều này cho thấy, người lao động ít hiểu biết về tình trạng sức khỏe và bệnh nghề nghiệp. Cũng vì không hiểu biết bệnh nghề nghiệp, nên khi có các dấu hiệu như khó thở, ho, mệt mỏi, chán ăn... người lao động không biết đó là tín hiệu bắt đầu giai đoạn ủ bệnh.
 
Nếu quan tâm đến sức khỏe thì họ đi khám bệnh thông thường. Và bác sĩ chỉ khám theo các triệu chứng thông thường thì không thể giúp bệnh nhân khắc phục tình trạng bệnh ở giai đoạn đầu. Người làm việc trong môi trường độc hại, nếu có kiến thức về căn bệnh mình sẽ mắc phải thì nên đi khám bệnh nghề nghiệp. Bác sĩ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp sẽ xác định đúng nguyên nhân gây bệnh ngay lúc mới khởi phát, từ đó có những tư vấn kịp thời để người lao động biết mà phòng tránh.
 
Người lao động đã ít hiểu biết về bệnh, nhưng các chủ lao động cũng không mấy quan tâm đến sức khỏe của công nhân. Người sử dụng lao động cần quan tâm tới việc cải thiện môi trường làm việc và trang bị bảo hộ an toàn cho công nhân. Bởi sức khỏe công nhân tốt thì người được lợi trước tiên chính là người sử dụng lao động. Đồng thời người lao động cũng cần tìm hiểu về các bệnh nghề nghiệp, để có thể nhận biết sớm các triệu chứng bệnh, đề phòng ngay từ đầu và tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp sẽ giảm đi rất nhiều.    
      
 
Bài, ảnh: Vũ Yến

.