Bán xong Công ty may Đại Cát Tường: Ai trả nợ lương cho 320 công nhân?

10:07, 08/07/2011
.
* TRẦN ĐĂNG

(QNĐT)- Ngày 5/7, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã mua lại Công ty may Đại Cát Tường (KCN Tịnh Phong-Quảng Ngãi) trong phiên đấu giá với số tiền là 39,867 tỷ đồng. Hai ngày sau, sáng 7/7, hàng trăm công nhân của Công ty đã đến Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi để “bắt đền” vì theo họ, “bán xong mà sao không thấy trả nợ lương?”.
 

Nhà máy đã bán

Đại diện Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi, một lần nữa, lại phải trấn an công nhân: “Từ từ rồi các cơ quan chức năng sẽ giải quyết nợ lương, anh chị em không được manh động!”. Hình như đã quá quen với kiểu trấn an này mà chẳng giải quyết được gì, công nhân đã kéo ra nhà máy và chuẩn bị đập phá. Rất may là lực lượng công an và đội bảo vệ đã có mặt kịp thời để ngăn cản hành vi thiếu kiềm chế này. Tuy nhiên, câu chuyện nợ 1 tỷ 60 triệu tiền lương của 320 công nhân thì vẫn chưa biết giải quyết bằng cách nào.
 
 
Công nhân Công ty Đại cát Tường trong một lần học tập về luật đình công, tháng 12/2008. Ảnh: T.Đ
Công nhân Công ty Đại cát Tường trong một lần học tập về luật đình công, tháng 12/2008. Ảnh: T.Đ

Công ty may Đại Cát Tường bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2005, chức năng là may gia công xuất khẩu. Lúc cao điểm nhất, công nhân của nhà máy này lên đến 1.200 người. Thế nhưng, người lao động của doanh nghiệp này luôn sống trong tâm trạng “chờ lương”. Hầu như chưa khi nào họ nhận được một tháng lương đầy đủ theo đúng nghĩa của nó mà chỉ quen với khái niệm “tạm ứng”.

Đến năm 2008, việc “tạm ứng” nói trên cũng teo tóp dần và chấm dứt vào cuối năm 2009. Số công nhân cũng theo đó mà vơi dần, chỉ còn bám trụ được vài trăm, giờ thì tan đàn xẻ nghé.

Ông chủ của Đại Cát Tường thì “rời địa bàn” hơn năm nay sau khi ký vào các văn bản nợ với ngân hàng và với công nhân, kèm lời hứa là bán xong công ty, sẽ thanh toán nợ sòng phẳng.

Hơn một năm qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi-chủ nợ của Công ty may Đại Cát Tường đã rao bán công ty, song mãi đến ngày 5/7 vừa qua, tại phiên đấu giá được tổ chức tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới mua nhà máy với giá 39,867 tỷ đồng. Hay tin này, 320 công nhân của nhà máy thở phào và hy vọng sẽ được trả nợ lương, nhưng…

Ai trả nợ lương cho công nhân?

Ông Lê Hoàng, nguyên Chủ tịch Giám đốc Công ty may Đại Cát Tường phân bua: “Thực ra 1 tỷ 60 triệu mà chia cho 320 công nhân thì mỗi người không đáng là bao, nhưng công nhân họ bực ở chỗ, các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi cứ chỉ lòng vòng, chẳng một ai đứng ra giải thích để họ hiểu và yên tâm". Người đưa đầu chịu báng trong lúc dầu sôi này lại là ông Thái Hồng Đăng, Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi!

Ngay trong chiều ngày 7/7, ông Đăng đã mời đại diện công đoàn và một số cán bộ chủ chốt của Công ty Đại Cát Tường về trụ sở của ngân hàng để giải thích. Theo ông Đăng, “chúng tôi không thể lấy số tiền vừa bán được ấy để trả lương cho công nhân, vì đó là tài sản của Nhà nước mà Công ty Đại Cát Tường đã vay để xây dựng và mua sắm máy móc. Tuy nhiên, hiện Công ty vẫn còn một số máy móc (số tài sản này là của riêng Công ty, ngân hàng không có quyền bán), mà nếu đem bán thì số tiền thu được sẽ trả đủ số nợ cho công nhân, mặc dù hiện tại, Công ty Đại Cát Tường vẫn còn nợ chúng tôi gần 3 tỷ. Sau khi bán được số tài sản này, chúng tôi hứa là sẽ ưu tiên trả nợ cho CN trước, còn bao nhiêu, chúng tôi mới tiếp tục trừ nợ”.

TIN LIÊN QUAN
Thế nhưng, ai đứng ra bán số tài sản trên đây thì …chịu! Ông Thái Hồng Đăng hiến kế cho ông “cựu” Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Cát Tường: “Các anh về thảo một đơn kiện Công ty nợ lương công nhân và gửi về Tòa Lao động để họ xem xét. Nếu thấy việc nợ lương công nhân là có thật thì Tòa sẽ phân xử, giao tài sản ấy cho bên thi hành án, lúc đó thì mới bán được”.

Ông Lê Hoàng và một số cán bộ chủ chốt của Công ty Đại Cát Tường, nghe giải thích và “hiến kế” như vậy nên ra về và …tiếp tục hy vọng.

Theo chúng tôi, LĐLĐ và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phải vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt thì mới giải quyết được vụ nợ lương kéo dài này, nếu không sẽ không một ai đứng ra chịu trách nhiệm, trong khi hàng trăm công nhân thì lãnh đủ!

.