Ông già đi “gieo” chữ trên vùng cao

10:02, 14/02/2011
.

(QNg)- Một lần đến xã nhận thuốc tây hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông vô cùng ngạc nhiên bởi không ít người trong thôn nhờ mình ký nhận giùm. Những lần sau cũng vậy, có điều lạ là số người nhờ lại tăng lên, sự ngạc nhiên ban đầu của ông đã thành nỗi trăn trở. Thế rồi ông quyết định đội nắng, mưa đi vận động nhân dân trong làng ai biết chữ sẽ “dạy” cho người không biết chữ. Ấy vậy mà hơn 2 năm “vác tù và” ông đã xóa được nạn mù chữ trong làng. Ông là Trần Văn Lịnh (SN 1942), ở thôn 9, xã Ba Vinh (Ba Tơ).

Rẽ qua ngọn đồi nhỏ ở thôn 9, chúng tôi đến nhà ông Lịnh - người khởi xướng cho phong trào xóa nạn mù chữ trong làng. Tuy tuổi đã cao, sức yếu, nhưng trông ông vẫn còn minh mẫn, khi chúng tôi đề cập đến chuyện xóa mù chữ ông như được giải tỏa bởi chuyện mù chữ đã từng ám ảnh trong ông suốt thời gian dài. Ông kể: Vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, năm 1995 ông đưa vợ con lên thôn 9 để lập nghiệp. Nghèo nhưng điều ước duy nhất của ông là làm sao con cái mình được học hành đến nơi đến chốn. Vậy mà bữa rau, bữa mắm, cuối cùng ông cũng đã lo cho 4 đứa con ăn học thành đạt, cả 4 đều là giáo viên đang dạy học tại các trường ở huyện Ba Tơ...
 
Ông Lịnh đi vận động lớp học.
Ông Lịnh đi vận động lớp học.

Cách đây 2 năm một buổi lên nhận thuốc tây hỗ trợ tại UBND xã Ba Vinh ông phát hiện có điều lạ mỗi lần nhận thuốc, số người nhờ ký lại tăng thêm. Vậy là ông quyết định đội nắng đi vận động nhân dân trong vùng mở lớp xóa mù chữ. Ban đầu, ông vận động bà con trong xóm mở nguyên một lớp dạy chữ, chọn một người biết chữ để dạy. Thế nhưng lớp học ngày càng thưa thớt, do bà con ai cũng phải đi làm ruộng, làm nương, làm rẫy, nên không có thời gian đến lớp để học.

Thấy chưa hiệu quả, ông lại kêu gọi thành lập một nhóm gồm 5 thành viên gọi là nhóm xóa mù chữ. Nhóm này có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng tham gia học chữ. Vì học tập trung không hiệu quả, ông đề nghị chuyển sang học tại nhà, nghĩa là trong mỗi gia đình ai biết chữ phải chỉ lại cho người không biết chữ. Mỗi ngày ông phân công mỗi thành viên đến tận nhà có người không biết chư,õ để kiểm tra, đôn đốc một lần. Như mưa dầm thấm đất, phong trào xóa mù chữ trong làng lan rộng nhanh chóng và thu hút được đông đảo bà con hưởng ứng.

Theo ông chúng tôi xuôi xuống sườn đồi đến thăm các gia đình có người không biết chữ đang theo học lớp xóa mù chữ tại nhà. Vừa đến đầu ngõ nhà anh Phạm Văn Đất, chúng tôi liền bắt gặp cảnh con gái (học lớp 9) đang dạy chữ cho bố. Lớp học tình mẫu tử cũng rất nhộn nhịp, lâu lâu con lại phải sửa tiếng "bi bô"  của bố, vì đọc sai. Anh Đất cho biết: Hơn 40 năm rồi giờ mới biết viết, biết đọc chữ. Sướng lắm, giờ mà đi lên xã làm giấy tờ hay bán keo, bán lúa, mình cũng biết viết giấy rồi. Có được điều này là nhờ chú Lịnh nhiều lắm. Chú sang nhà nhắc nhở suốt, rồi kiểm tra tôi đọc, tôi viết như thế nào, những lúc đứa con gái đi học ở trường thì chú lại sang chỉ cho tôi học. Vợ anh Đất cũng tham gia lớp học này, nay đã biết chữ.

Rời nhà anh Đất, ông Lịnh lại dẫn tôi sang nhà chị Phạm Thị Sang - người đã xóa mù chữ cách đây gần một tháng. Chị Sang kể: Lúc còn nhỏ gia đình nghèo quá, ba mẹ bắt đi làm nương để kiếm gạo ăn thôi, chứ ông bà không có tiền cho đi học. Lớn gần có chồng mà không biết chữ dị lắm, mỗi lần lên xã thấy họ đọc báo, hay nhờ mình viết gì là mình xấu hổ chạy về luôn... Ban đầu nghe bác Lịnh chỉ bảo phải học chữ, mình ngại lắm, thấy khó quá nhưng lúc học được rồi lại thấy ham.

Theo chân ông Lịnh chúng tôi tiếp tục đến thăm nhiều gia đình khác đang thực hiện phong trào xóa mù chữ tại nhà cho đến khi mặt trời xuống núi hẳn. Anh Phạm Văn Rạch - Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi rất quan tâm và thường xuyên theo dõi phong trào xóa mù chữ của bà con ở thôn 9. Sau thời gian vận động, phong trào đã đi vào chiều sâu và rất hiệu quả. Từ con số 15% khẩu không biết chữ, đến nay ở thôn 9 đã xóa hẳn con số này. Thời gian tới, lãnh đạo xã chỉ đạo các hội, đoàn thể tăng cường vận động nhân dân nhân rộng mô hình này tại địa phương.

Bài, ảnh: Văn Nam

.