Chuyện tình xúc động ở D20

10:05, 03/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau chiến tranh, bạn bè xuất ngũ về lại quê hương. Duy chỉ có ông và người vợ vẫn ở lại chiến trường khói lửa. 40 năm sau ngày giải phóng, họ vẫn ở đó, nơi cả hai từng sống, chiến đấu. Đó là câu chuyện của ông Lâm Xuân Thiện và người bạn đời Đinh Thị Hê ở khu dân cư Trường Đảng, thôn Nước Bung, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).


Bén duyên bên giường bệnh dã chiến

Năm 1955, khi mới tròn 18 tuổi, Lâm Xuân Thiện thoát ly theo cách mạng. Đến với cái nôi cách mạng Sơn Hà, ông trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn D20. Năm 1964, trong một lần đánh đồi Tà Ma, xã Sơn Kỳ, ông bị thương nặng. Vết thương thấu bụng, cộng với cơn sốt rét rừng khiến ông gần như gục ngã. Được chuyển về bệnh xá D20, anh Thiện ngày đó nhận được sự chăm sóc đặc biệt của cô y tá người dân tộc Hrê Đinh Thị Hê vừa chuyển từ Huyện đội Ba Tơ xuống. Cuộc hội ngộ lần đầu tiên giữa hai người đã diễn ra như thế.  

Mối tình đẹp nhất D20 ngày nào, giờ hạnh phúc cùng con cháu ở tuổi xế chiều.
Mối tình đẹp nhất D20 ngày nào, giờ hạnh phúc cùng con cháu ở tuổi xế chiều.


Sau khi lành vết thương, ông Thiện lập tức quay lại tiểu đoàn tiếp tục chiến đấu. Từ năm 1964 - 1967, ông kinh qua nhiều vị trí và cũng có vài lần gặp y tá Hê, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở tình đồng chí. “Thời đó, không chỉ riêng tôi mà những thanh niên khác đều có chung một lý tưởng: Tình cảm trai gái đứng sau tình yêu Tổ quốc”, ông Thiện nói.

Cuối năm 1967, ông Thiện cùng với đơn vị đánh xuống Đức Phổ, tiêu diệt cứ điểm quan trọng của địch ở đây. Trận chiến đó, đơn vị ông chỉ còn lại bảy người. Ông Thiện lại bị trọng thương. Đồng đội đưa ông về Trạm phẫu của bệnh xá D20. Trời xui đất khiến thế nào, cô y tá người Hrê năm nào lại là người trực tiếp chăm sóc cho ông. Từng muỗng thuốc, thìa cháo... là cầu nối cho tình cảm giữa họ lớn dần. “Khi tôi nghe đơn vị nói chuẩn bị tiếp nhận một chiến sĩ bị thương nặng phải mổ khẩn, tôi không ngờ một lần nữa lại gặp anh” – bà Hê tâm sự.

Thương nhau, nhưng cả hai không dám mở lời. “Ba năm, hai lần bị thương. Cuộc chiến thì còn dài, lần thứ ba biết có còn sống hay không”, ông Thiện hồi tưởng. Còn với bà Hê: “Anh là trai Kinh, còn mình là gái Thượng. Có thương cũng  không thể nói ra được”.  
Năm 1972, vượt qua khói lửa chiến tranh, Tiểu đoàn D20 đã tác hợp cho cả hai. Ông lại cầm súng ra chiến trường, bà ở lại D20 chăm sóc thương binh. Một năm gặp nhau vài lần đã là may mắn. Tình yêu được thử thách cho đến ngày giải phóng.

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Chiến tranh kết thúc, trong hành trang trở về của hai vợ chồng là cô con gái đầu lòng Lâm Thị Ánh Tuyết. Khi bạn bè lần lượt về đồng bằng, thì ông Lâm Xuân Thiện cùng vợ quyết định ở lại Sơn Hà. Chiến trường Sơn Lăng ngày xưa giờ đã trở thành thị trấn Di Lăng, trung tâm huyện lỵ Sơn Hà, điện đường về đến đầu ngõ.

Thế nhưng, trong ký ức của ông Lâm Xuân Thiện 40 năm về trước, nơi đây núi rừng bủa vây. Cái đói trở thành nỗi lo lớn với ông Thiên, bà Hê. Nhưng gian khó không khuất phục được ý chí của hai người lính. Ngày ngày, ông phát rừng làm rẫy. Bà dọn những triền đất dọc suối gieo lúa, trồng khoai. Họ yêu mảnh đất từng gánh chịu những lần càn quét, dội bom của quân thù . Hạnh phúc kết hoa trong đói khổ. Sáu đứa con lần lượt ra đời, hai vợ chồng lại băng rừng, lội suối tìm chữ cho con. “Đó là cuộc chiến quan trọng nhất mà hai vợ chồng tôi phải làm. Không thể để con cái thất học được. Ở lại núi đã là thiệt thòi cho con trẻ, vợ chồng tôi không bù đắp được gì ngoài cho con cái chữ”,  ông Thiện nói.

Sáu người con đều vào đại học, người đang công tác ở bệnh viện tỉnh, người là cán bộ huyện, người thì theo nghiệp giáo viên... “Đó là tài sản lớn nhất vợ chồng tôi có được. Cả sáu đứa đều thi đại học chính quy hẳn hoi đấy’’, bà Hê tự hào.

Nhìn hai vợ chồng vui đùa cùng đứa cháu ngoại, tôi như thấy được niềm hạnh phúc của mối tình đẹp nhất D20 ngày nào vẫn vẹn nguyên theo thời gian.

 

ĐÔNG YÊN
 


.