Những lũy thép trong vành đai diệt Mỹ

05:03, 23/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng 5.1965, biết địch sẽ đổ bộ vào và lập căn cứ Chu Lai (Quảng Nam), Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã nhanh chóng chỉ đạo thành lập 6 xã vành đai ở phía nam căn cứ Chu Lai. Với phương châm “đánh địch bằng hai chân ba mũi giáp công”, ta đã tạo nên những lũy thép bao vây tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ, hạn chế không cho chúng tấn công ra vùng giải phóng…

Kiên cường trong kháng chiến

Mục tiêu của Mỹ khi thành lập căn cứ Chu Lai là giải tỏa trắng các xã phía nam để thiết lập vành đai bảo vệ căn cứ. Để thực hiện âm mưu, đế quốc Mỹ đã không từ một thủ đoạn nào, bao gồm việc thiết lập hàng rào 6 - 7 lớp xung quanh phía nam Chu Lai và chúng gọi là “hàng rào điện tử”. Bởi một khi lực lượng của ta tiếp cận vào hàng rào này thì sẽ chập điện làm cho còi hú. Chỉ đợi có thế, quân Mỹ sẽ từ các lô cốt bắn ra, làm cho ta khó tiếp cận.

 Bình Đông, xã nằm trong vành đai diệt Mỹ năm xưa nay đã thay da đổi thịt.
Bình Đông, xã nằm trong vành đai diệt Mỹ năm xưa nay đã thay da đổi thịt.


Bên cạnh việc lập hàng rào điện tử, địch còn đánh phá các xã xung quanh, lập và đưa dân vào các khu dồn như Bình Nguyên, Nước Mặn, Bình Thuận, Bình Đông… Đồng thời chúng tiến hành càn quét để dò tìm lực lượng của ta. Mặt khác, các trận địa pháo Chu Lai, Chi khu Nước Mặn, hải thuyền của hạm đội ngoài biển thì bắn phá cả ngày lẫn đêm.

Mặc dù bị địch càn quét, bắn phá liên tục, nhưng nhân dân trong vùng vẫn không hề nao núng. Họ vẫn một lòng kiên cường đánh địch, kiên quyết giữ nhà, giữ đất, bảo vệ ruộng vườn, không vào khu dồn…  Vậy nên dân gian có câu: “Bình Đông có tiếng đánh Tây/ Có gan đánh Mỹ bao vây quân thù/ Giặc đốt nhà lớn, dựng lại lều tranh/ Giặc đốt ghe mành, đan thúng đi câu…”.

Nhớ lại những ngày tháng ác liệt năm 1965 - 1966, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thanh Trang, xã Bình Đông  trầm ngâm: “Năm ấy Mỹ thực hiện các chiến dịch càn quét dữ dội. Ở trên không chúng cho máy bay bay dày đặc quần thảo, để dò tìm lực lượng của ta. Trên đường thủy chúng cho pháo bắn từ biển vào như mưa. Còn trên đường bộ, quân Mỹ bắn phá liên tục. Chỉ trong vòng hai năm, tôi cùng với du kích tham gia đánh trên 100 trận, tiêu diệt trên 500 tên địch”.

Trong các trận chiến đó, trận mà ông Trang nhớ nhất là trận đánh chiếc bo-bo của Mỹ khi chúng chưa kịp đổ quân lên bờ, tiêu diệt 7 tên địch và thu được cây súng tam-xông. Đây là một thắng lợi lớn, tạo đà để ta tiếp tục chiến đấu.

Mặc khác, để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương đánh địch bằng hai chân ba mũi giáp công, thực hiện phương châm “du kích bám dân, dân bám đất”. Theo đó, mỗi xã đều thành lập một trung đội du kích, một chi bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã. Nhằm che mắt địch, những chiếc ghe đánh cá của người dân đều thiết kế có cái lù. Khi không có địch thì các ghe cá đi đánh bắt và vận chuyển lương thực, vũ khí cho quân ta đánh Mỹ. Còn khi nghe có tiếng pháo biển là lập tức ta rút lù cho ghe chìm xuống sông. Nhờ chiến thuật này mà ta vừa tăng gia sản xuất, vừa tham gia đánh giặc.

Xây dựng cuộc sống mới

Hòa bình, nhân dân các xã Bình Đông, Bình Trị, Bình Thạnh, Bình Phước, Bình Thuận và Bình Nguyên đồng tâm hiệp lực  xây dựng cuộc sống mới. Những khu dồn, đồn bốt của quân Mỹ năm xưa đã thay thế bằng màu xanh của đồng lúa, rau màu, trường học... Nhiều khu dân cư với mái ngói đỏ tươi mọc lên. Những con đường và công trình thủy lợi dẫn nước về đồng phục vụ sản xuất dần được bê tông hóa.

Bên cạnh đó đời sống người dân cũng đã được nâng lên đáng kể. Ngư dân ở các xã Bình Đông, Bình Thạnh hôm nay đã  sắm tàu to an tâm vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt làm giàu, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Không chỉ có thế, sự phát triển của Cụm công nghiệp – Làng nghề Bình Nguyên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết được nguồn lao động tại địa phương. Đặc biệt, sự ra đời của Khu Kinh tế Dung Quất đã làm cho diện mạo của vùng đất từng bị bom đạn cày xới trong kháng chiến chống Mỹ đang từng ngày thay da đổi thịt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tấn Lập – Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: “Những năm qua bà con trong xã làm ăn ngày một khấm khá. Ngày càng có nhiều nhà máy mọc lên trên quê hương Bình Đông đã giúp cho diện mạo của xã nhanh chóng khởi sắc. Người dân có việc làm. Trẻ con được học hành đến nơi đến chốn. Đặc biệt là cây cầu Trà Bồng bắc qua Bình Đông và Bình Thạnh đã khởi công. Đây là “cầu nối” để các địa phương đi lại trao đổi, giao thương thuận lợi…”.


Hồng Hoa


 


.