Sinh viên ĐH có thể hoãn chứ không miễn nghĩa vụ quân sự

04:01, 19/01/2015
.

 Diện được hoãn nhập ngũ sẽ bị co hẹp lại để đảm bảo khắc phục những bất cập về cơ cấu, thành phần thanh niên nhập ngũ, đồng thời hạn chế việc lợi dụng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.


Sáng 19/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu họp phiên thứ 34 bằng việc cho ý kiến về những vấn đề còn khác nhau của dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Trước đó, khi họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng, an ninh về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Kim Khoa cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau về diện tạm hoãn gọi nhập ngũ. Có ý kiến đề nghị tạm hoãn nhập ngũ cho sinh viên, học viên đang học tại các trường đại học (ĐH), cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhưng có ý kiến thu hẹp, chỉ hoãn cho sinh viên ở các trường ĐH hệ chính quy hoặc là không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với sinh viên, học viên.

“Nếu cho tạm hoãn đối với sinh viên, học viên ở các trường ĐH, trường nghề thì đối tượng tạm hoãn quá rộng (tương ứng với 1,5 triệu người, chiếm gần 50% số thanh niên nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ), sẽ không khắc phục được những vướng mắc, bất cập hiện nay về cơ cấu, chất lượng, thành phần công dân gọi nhập ngũ; nhiều công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) tại ngũ, không thu hút được những người có trình độ học vấn cao vào phục vụ tại ngũ”, ông Khoa cho biết.

Cụ thể, theo kết quả giám sát năm 2011 của Ủy ban Quốc phòng, an ninh, một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật và con em cán bộ công chức các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện NVQS tại ngũ chưa nhiều (chỉ chiếm 4,94%) và có xu hướng giảm. Trong khi đó, con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm số đông (trên 80%) và có xu hướng tăng. Tỷ lệ con em là người dân tộc còn thấp (khoảng 14%).

Nếu bỏ quy định tạm hoãn gọi NVQS, thì tuy đảm bảo công bằng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, nhưng dễ phát sinh tiêu cực trong tuyển chọn học sinh, sinh viên đi NVQS.

Do đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Quốc phòng, an ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xây dựng luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi không đồng tình với quy định không tạm hoãn nghĩa vụ đối với sinh viên hệ chính quy.

Ông Thi cho rằng, khi sinh viên trúng tuyển ĐH rồi thì trong thời gian học phải hoãn NVQS, không nên đang học vẫn gọi NVQS, sẽ ảnh hưởng đến học tập, đào tạo.

Bên cạnh đó, ông Đào Trọng Thi cũng cho rằng, nếu quy định sinh viên học chính quy có thể tự bỏ chi phí tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế NVQS, rất có thể sẽ tạo kẽ hở để sinh viên tìm cách trốn nhập ngũ. Mặt khác nếu không kéo dài tuổi gọi NVQS với sinh viên hệ chính quy (tới 27 tuổi thay vì 25 như hiện hành) sẽ gây khó khăn cho các em, không cẩn thận sinh viên sẽ kéo dài lưu ban (tối đa 3 năm) để trốn NVQS.

Trên cơ sở đó, ông Đào Trọng Thi đề nghị vẫn nên hoãn gọi NVQS đối với người trúng tuyển ĐH chính quy. Khi sinh viên đã tốt nghiệp ĐH rồi tham gia quân đội thì lực lượng quân đội sẽ ngày càng có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu thời đại mới.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển và nhiều thành viên khác cũng đề nghị không gọi nhập ngũ với sinh viên đang theo học trong thời bình, vì đã học phải liên tục, chứ nếu gián đoạn khi quay lại sẽ quên hết kiến thức.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị khi hoàn thành chương trình ĐH, sinh viên phải thực hiện NVQS.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thể hiện quan điểm, đã đỗ vào ĐH rồi thì có thể hoãn, nhưng không phải miễn NVQS.

Tham dự phiên họp, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thể hiện mong muốn gọi được hết số thanh niên trong độ tuổi đi NVQS. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng cũng đề nghị thực hiện tạm hoãn NVQS đối với sinh viên đang học, khi học xong sẽ thực hiện NVQS.
 

Theo Thành Chung (Chinhphu.vn)


.