40 năm Hà Nội-Điện Biên Phủ (18/12/1972 - 18/12/2012):
Máy bay rơi và bắt giặc lái - Kỳ 1: B52 rơi ở Ngọc Hà

09:12, 05/12/2012
.

* Trần Đăng


(QNĐT)- Dấu vết của những loạt bom rải thảm trên phố Khâm Thiên hay ở Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội ngày nào, giờ không còn nữa. Bốn mươi năm là khoảng thời gian đủ để những vết tích của chiến tranh bị mờ nhòe theo năm tháng, nhưng những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cuộc chiến ấy vẫn lưu giữ trong lòng mình nguyên vẹn ký ức của một thời lửa đạn.
 

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: B52 rơi ở Ngọc Hà



Những thước phim tư liệu ghi lại cảnh máy bay Mỹ rơi thì không hiếm nhưng quay được cảnh B52 rơi giữa lòng Hà Nội một cách ấn tượng nhất thì chỉ có đạo diễn Phạm Việt Tùng.

 

Đạo diễn Phạm Việt Tùng là tác giả của phim phóng sự tài liệu trả lại sự thật cho chiếc xe tăng húc đổ công Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 làm xôn xao dư luận một thời. Cùng với phim “Hà Nội- Điện Biên Phủ”, phim tài liệu về chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập đã mang lại cho ông giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vừa rồi.

Ông Tùng là dân Hà Nội gốc nhưng đã định cư tại Nha Trang vài năm nay. Tình cờ gặp ông trong một cuộc trà dư tửu hậu tại nhà nhà thơ Giang Nam, tôi được ông mách cho rằng, sắp tới ông có cuộc gặp gỡ với những nhà làm phim tài liệu, kể chuyện đánh B52 mà ông là đồng tác giả của bộ phim “Hà Nội-Điện Biên Phủ” từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, thế là chúng tôi lên đường.

Đạo diễn Phạm Việt Tùng nay đã 74 tuổi nhưng trông ông còn tráng kiện lắm. Đặc biệt là trí nhớ, tôi chưa thấy một ông cụ nào đã ở vào tuổi “cổ lai hy” mà nhớ không sót một chi tiết nào của 40 năm trước như ông. Trong đời làm nghề của mình, những thước phim ghi lại khoảnh khắc về 12 ngày đêm Hà Nội đã trở thành kỷ niệm đầy ám ảnh với ông, để đến 40 năm sau, ông lần giở từng trang ký ức hôi hổi như mới hôm nào.

Nhà đạo diễn đã dắt tôi lần theo trí nhớ của ông đi khắp các nẻo đường Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương … để tiếp cận với những số phận đã từng có mặt trong phim ông nhưng đã bị khuất lấp 40 năm qua. Cả một ký ức trận mạc trong những con người mà tôi đã gặp chợt ùa về như thác lũ.
 
*“Cho Mỹ hết cãi”
 
Ông Tùng từng học Trường Điện ảnh Hà Nội từ những năm 1965-1967. “Tôi đã lăn lộn với bom đạn ở nhiều nơi trên miền Bắc trong những năm chiến tranh nhưng những phim tôi tham gia đều không ấn tượng nên chả mấy người nhớ đến cái tên Phạm Việt Tùng. Làm phim tài liệu, ngoài tài năng còn phải tính đến cái “duyên” nữa. Tôi đã “gặp duyên” trong trận đánh B52 năm ấy. Đúng hơn là tôi “ăn may”, không giả vờ khiêm tốn đâu”.

 

s
Đạo diễn Phạm Việt Tùng.

 

Ông Tùng xới lại lớp cỏ ký ức bằng những nhát cuốc thô ráp như vậy. Dòng hồi tưởng của ông về những ngày đánh B52 cứ miên man không dứt, rồi ông chợt dừng lại ở đoạn ghi cảnh máy bay B52 “sáng lòa” bổ nhào trên bầu trời đêm Hà Nội năm nào: “Những ngày cuối tháng 12.1972, Hà Nội rất ngột ngạt, có lúc lặng phắc như trước một trận bão. Dạo ấy, tôi là người của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe lãnh đạo đài triển khai nhiệm vụ đến các phóng viên là phải ghi bằng được cảnh máy bay B52 rơi “cho Mỹ hết cãi”.

Máy quay phim hồi ấy không như bây giờ, độ nhạy của phim quá kém, lại phải quay vào ban đêm nên nhìn mắt thường thì thấy B52 rơi, cháy sáng cả một vùng trời nhưng khi tráng phim thì trông chẳng khác nào… đom đóm!

Lãnh đạo của đài vừa yêu cầu phải ghi hình cho bằng được nhưng lại không cho chúng tôi lên nóc nhà của 58 Quán Sứ-trụ sở của đài, vì hồi ấy có “lệnh” ở trên là nếu nhân viên nào chết do không chui hầm khi máy bay Mỹ thả bom thì thủ trưởng của cơ quan ấy phải chịu kỷ luật.

Ông Trần Lâm, tuy là bậc lão làng nhưng cũng chả dám để lính của mình tự do tác nghiệp ngay trên nóc nhà đài. Tôi rủ anh Nguyễn Đắc Lương, phụ quay, sang bên khách sạn Hòa Bình, tòa nhà 4 tầng cao nhất thời ấy, nằm trên đường Lý Thường Kiệt để ghi hình. Lưu trú tại khách sạn này có ông nghị sĩ Mỹ-Taylor và cô ca sĩ Joan Bayer.


Họ sang Việt Nam thời điểm đó là để “lên dây cót” cho số “khách” phi công Mỹ đang tạm trú tại Hỏa Lò. Họ rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi “ngược lầu” mỗi khi trên loa phát thông báo “máy bay địch cách Hà Nội 100 km…”, trong khi hai ông bà thì vội vã chui hầm trú ẩn dưới tầng trệt. Chạy lên chạy xuống như thế trong nhiều đêm liền, rạc cả cẳng nhưng chả ghi được thước phim nào vừa ý. Thế rồi sang đêm thứ 10, cơ duyên đã đến”.
 
*Cú bấm máy “lịch sử”
 
 Ông Tùng ngừng kể, mắt chợt xa xăm. Ông đưa tôi ngang qua khách sạn Hòa Bình, chỉ tay vào vị trí bên hông tòa nhà, nơi mà ông cùng ông Nguyễn Đắc Lương “nấp tạm” ở đó để mỗi khi loa phóng thanh vang lên: “Máy bay địch cách Hà Nội…” thì cả hai vùng dậy và chạy ngược lên lầu tư. “Đó là đêm 17/12/1972, tôi chẳng thể nào quên.

Như mọi hôm, tôi và Nguyễn Đắc Lương, cơm chiều xong lại vác máy quay đến khách sạn Hòa Bình. Chúng tôi vội vã lên tầng 4, leo thêm một nấc nữa lên tháp nước. Cả hai chúng tôi hạ quyết tâm là bám đến cùng trên nóc nhà này, nếu có chết thì cũng chả ngại, miễn ghi cho được cảnh máy bay rơi.

kj
B52 rơi tại Ngọc Hà do đạo diễn Phạm Việt Tùng ghi lại năm 1972


Để khỏi ngã, tôi tháo chiếc khăn quàng cổ buộc người cố định vào thân trụ của cột tháp nước. Tôi phân công anh Lương nhìn về hướng Ngọc Hà, còn tôi thì nhìn về hướng phà sông Hồng. Đạn vẫn bay đỏ trời với đủ các loại âm thanh gầm rít bủa vây khắp bầu trời Hà Nội. Chợt Lương thốt lên: “Nó kia kìa anh Tùng!”. Tôi chả thèm “cắt cảnh”, cứ để máy quay chạy xè xè, lia luôn sang hướng anh Lương chỉ. Một quả cầu lửa khổng lồ đang bủa xuống phía Ngọc Hà. Tôi nói với Lương: “Mình đóng máy được rồi!”.

Sáng hôm sau, tôi đứng bên cạnh cô tráng phim với tất cả sự hồi hộp như đón đứa con sắp chào đời. Tráng đến những thước phim cuối cùng rồi mà nó vẫn trắng nhờ, tôi quát cô tráng phim: “Hay cô bỏ nhầm thuốc tráng rồi?”. Cô ấy động viên: “Anh bình tĩnh đã nào!”. Thế rồi từng cảnh một cứ đen dần lên, choán hết cả khuôn hình. Nó đấy, chiếc máy may B52 mà chúng tôi đã mật phục suốt 10 đêm để chỉ ghi một cảnh. Để ý mà xem, tiền cảnh của đoạn phim này có cái cột ăng ten của Đài Tiếng nói Việt Nam đấy”.

Mười đêm thức trắng để có một khuôn hình. Ông Tùng đưa tôi sang làng hoa Ngọc Hà, giờ không còn hoa nữa. Chỉ tay vào đống sắt giữa hồ, ông nói: “Nó đấy!”. Vâng, “nó” đã nằm ở đó 40 năm rồi sau khi đã lọt vào ống kính của ông./.

Còn nữa

*Kỳ 2: Viên phi công Mỹ “mở hàng”


 


.