Những người góp phần gieo mầm thiện

08:11, 14/11/2012
.

(QNg)- Cải tạo can phạm nhân để trở thành người lương thiện, tái hòa nhập cộng đồng là việc làm khó khăn, vất vả. Thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam, Công an tỉnh đã đổi mới các biện pháp công tác, nhất là công tác giáo dục nhằm khơi dậy những giá trị "chân, thiện, mỹ" trong tâm hồn can phạm nhân để họ tiến bộ, sớm được tái hòa nhập cộng đồng.

Trại tạm giam, Công an tỉnh hiện đang giam giữ, quản lý, giáo dục  trên 200 can phạm nhân phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và 60  phạm nhân đang thi hành án phạt tù; trong đó có nhiều đối tượng đã có tiền án, tiền sự, 3 đối tượng nhiễm HIV. Cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam luôn quan tâm đến việc giáo dục, cải tạo để gieo cho họ "mầm thiện" về giá trị sức lao động chân chính và hi vọng về một con đường tươi sáng hơn sau khi được mãn hạn tù hoặc giảm án, tha tù trước thời hạn.

 

Các can phạm nhân được tặng quà trong chương trình giao lưu
Các can phạm nhân được tặng quà trong chương trình giao lưu "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" năm 2012.


Thượng tá Phạm Ngọc Ánh - Phó Giám thị Trại tạm giam, Công an tỉnh cho biết: Dù bị cách ly khỏi cộng đồng, nhưng can phạm nhân được cập nhật thông tin kinh tế, xã hội và pháp luật qua các buổi sinh hoạt, xem ti vi, đọc báo. Các dịp lễ, tết phạm nhân được tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Nếu như trước đây, việc giáo dục pháp luật được tổ chức từng đợt thì nay hàng tuần được tổ chức cho những phạm nhân mới vào trại chấp hành án phạt tù học tập về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với can phạm nhân cũng như nội quy, quy chế trại giam; thực hiện tốt 3 tiêu chuẩn thi đua chấp hành hình phạt tù, nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh cho phạm nhân.

Đại úy Hồ Văn Lực, có thâm niên trên 30 năm làm công tác quản giáo cho biết: Can phạm nhân vào trại mỗi người có một số phận, một hoàn cảnh phạm tội khác nhau. Nhiều can phạm nhân khi vào trại bất cần, thường quậy phá nên người cán bộ quản giáo phải có tình thương bao dung, hiểu rõ và chia sẻ những tâm tư của can phạm nhân. Họ vừa là người thừa hành pháp luật, quản lý, giáo dục phạm nhân, đồng thời cũng là những người bạn giúp phạm nhân nhận thức hậu quả do hành vi phạm tội của họ gây ra và thường xuyên gần gũi, chia sẻ, thông cảm cùng nỗi khổ tâm của các can phạm nhân, phân tích lẽ phải giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, tích cực lao động cải tạo để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.

Từ đó, các cán bộ quản giáo đã giáo dục nhiều can phạm nhân tiến bộ được giảm án và tha trước hạn tù. Chẳng hạn như T.Q.L (1992), ở huyện Bình Sơn vào trại thụ án vì tội cướp tài sản với mức án 27 tháng tù. Khi vào trại rất ngang ngược, bướng bỉnh, nhưng nhờ sự giáo dục đã biết ăn năn hối lỗi và được ra trại trước thời hạn. Một trường hợp khác là N.V.S (1990), ở huyện Nghĩa Hành, cố ý gây thương tích bị tuyên phạt 30 tháng tù. Nắm bắt được tâm tư, tình cảm của can phạm nhân, các cán bộ quản giáo đã giáo dục, động viên phấn đấu cải tạo tốt được giảm án, tha tù trước thời hạn.

Đặc biệt, trong năm 2012, Trại tạm giam đã phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh và huyện Tư Nghĩa tổ chức chương trình giao lưu "thắp sáng ước mơ hoàn lương" để giáo dục can phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Tư Nghĩa cũng giới thiệu công ăn, việc làm cho can phạm nhân sau khi mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng.

Điều đáng nói là từ môi trường học tập, cải tạo ở Trại tạm giam, nhiều phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù trở về với cộng đồng đều có công ăn việc làm, nhiều người sống chủ yếu từ những nghề học được trong trại, một số người đã vươn lên làm giàu; tỉ lệ tái phạm tội rất thấp. Ông P.Đ.L (1957), ở huyện Tư Nghĩa là một điển hình. Với tội danh thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ông thi hành bản án 3 năm tù. Quá trình cải tạo, lao động ở trại, ông được cán bộ quản giáo giáo dục nên an tâm cải tạo tốt, được xét đặc xá đợt 2/9/2011. Sau khi về tái hòa nhập cộng đồng, ông xây dựng trang trại chăn nuôi, ươm cây giống với thu nhập khá cao, có đời sống kinh tế khá giả.


  NGỌC THƯƠNG
 


.