Một ngày với chiến sĩ Vùng cảnh sát biển 2- Kỳ 1: Cứu tinh của ngư dân trên biển

10:05, 07/05/2012
.

(QNĐT)- Trong vô số những nhiệm vụ trọng yếu được giao, tìm kiếm và cứu nạn trên biển luôn được chiến sĩ Vùng cảnh sát biển 2 coi là nhiệm vụ hàng đầu. Chính vì vậy, nhiều ngư dân hoạt động trên vùng biển từ tỉnh Quảng Trị đến Bình Định vẫn hay gọi cảnh sát biển theo cách trìu mến nhất- cứu tinh của ngư dân trên biển.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi trở lại đơn vị Vùng cảnh sát biển 2 đóng tại quân cảng Kỳ Hà, Quảng Nam vào một ngày đầy nắng gió. Với sự đón tiếp nhiệt tình và nụ cười nồng ấm, các chiến sĩ cảnh sát biển không ngại ngần chia sẻ rất nhiều về công việc cũng như cuộc sống hằng ngày với bao điều thú vị.

Cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình

Lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến cảng Kỳ Hà, chính là ngày con tàu khổng lồ CSB 9002 cứu nạn và lai dắt thành công tàu cá QNg 90046 của thuyền trưởng Phạm Văn Mãng (quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) và 10 ngư dân (ngày 4/4).

 

Lính cảnh sát biển cùng ngư dân trở về đất liền sau khi cứu hộ thành công
Lính cảnh sát biển thuộc tàu CSB 9002 cùng ngư dân trở về đất liền sau khi cứu hộ thành công


Chuyện đã trôi qua hơn 1 tháng, nhưng khi mường tượng lại, chúng tôi cứ ngỡ như mới xảy ra ngày hôm qua. Ngư dân và gia đình mừng mừng tủi tủi vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Các chiến sĩ cảnh sát biển sau khi hoàn thành nhiệm vụ lặng lẽ thu gom, dọn dẹp vật dụng trên tàu 9002. Mỗi người một cảm xúc, một hành động khác nhau. Nhưng lòng khâm phục và biết ơn của ngư dân cùng gia đình vẫn luôn hướng về các chiến sĩ áo trắng, mang quân hàm có màu xanh của biển.

Trong giây phút gặp lại đứa con trai tưởng chừng như đã bỏ mạng giữa biển, ông Phạm Tần- cha của thuyền trưởng Mãng xúc động nói: Tất cả là nhờ cán bộ, chiến sĩ vùng cảnh sát biển 2 đã không quản gian nguy, vượt sóng cứu con tôi về từ tâm bão.

Thuyền trưởng Mãng, sau 10 ngày đêm lênh đênh tuyệt vọng trên biển, kể lại với giọng run run: Bao nhiêu năm gắn bó với biển là thế, mà chuyến đi này hãi hùng quá. Tôi được cha mẹ sinh ra một lần, nhưng các anh cảnh sát biển chính là người đem lại cho tôi mạng sống lần thứ hai. Cả đời này chẳng thể quên được…

Trung tá Lê Trọng Phổ- Chủ nhiệm Chính trị Vùng cảnh sát biển 2 nhớ lại: Ngay sau khi nhận được tin có 1 tàu cá và 11 ngư dân gặp nạn trên vùng biển phụ trách, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần và các trang thiết bị, lương thực cần thiết, sẵn sàng chờ hiệu lệnh ra khơi cứu ngư dân. Chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi nghe lệnh, các chiến sĩ tàu CSB 9002 đã lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Sau nhiều giờ vượt qua những khó khăn, thách thức của biển cả, các chiến sĩ vùng cảnh sát biển 2 đã tiếp cận được tàu gặp nạn. Đó là một trong rất nhiều chiến công của cán bộ, chiến sĩ Vùng cảnh sát biển 2 kể từ năm 2008.

 

Các chiến sĩ cảnh sát biển không quản gian khó thực hiện nhiệm vụ lai dắt tàu cá gặp nạn trên biển
Các chiến sĩ cảnh sát biển không quản gian khó thực hiện nhiệm vụ lai dắt tàu cá gặp nạn trên biển


Đơn vị vùng cảnh sát biển 2 được thành lập với nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, duy trì an ninh trật tự và cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển với diện tích khoảng 250.000 km2, kéo dài từ đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị đến Cù Lao Xanh, Bình Định.

Tuy nhiên, với các anh, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ngư dân trên biển luôn được ưu tiên và quán triệt là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Dù đó là ngày biển lặng hay bão giật cấp 11, 12, hễ nghe được tin tàu cá có vấn đề, cần giúp đỡ, các chiến sĩ tàu CSB sẵn sàng vượt sóng, vươn khơi xa.

Tàu là nhà, biển là quê hương…

Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ thuộc Vùng cảnh sát biển 2 vẫn ngày đêm mang dòng nhiệt huyết cháy bỏng phục vụ Tổ quốc nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo và cứu nạn, cứu hộ các ngư dân. Hiện đơn vị đã đào tạo được gần 300 chiến sĩ, cán bộ sẵn sàng làm nhiệm vụ trên biển với 8 chiếc tàu được xếp vào bậc tối tân nhất của hàng hải Việt Nam. Trong đó phải kể đến chiếc tàu mang hiệu CSB 9002 với công suất lên đến 3500 CV.

 

Mỗi chiếc tàu cảnh sát biển như một tòa nhà nổi khổng lồ trên biển
Mỗi chiếc tàu cảnh sát biển như một tòa nhà nổi khổng lồ trên biển


Mỗi chiếc tàu cảnh sát biển với điều kiện thực hiện nhiệm vụ đặc thù trên biển nên có thể vận chuyển với vận tốc khá nhanh (42 hải lý/giờ) trong mọi điều kiện thời tiết. Đó là tòa nhà nổi khổng lồ trên biển với hệ thống máy móc tự động hóa, thiết bị quan sát hiện đại, hệ thống lọc nước mặn… để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt vào mùa mưa bão trên biển. Đời lính cảnh sát biển lắm chuyện vui buồn, gắn liền với biển và những tòa nhà nổi khổng lồ ấy.

Trung úy Hồ Xuân Hợi- Thuyền phó tàu CSB 4032 chia sẻ: Tàu to là vậy, nhưng nào ai biết, với lần đầu tiên ra biển, xa đất liền cái cảm giác chênh vênh, nhỏ bé giữa biển cả luôn tồn tại trong mỗi chúng tôi. Thế rồi, mỗi lần được nghỉ phép, tôi lại nhớ cái cảm giác chông chênh sóng nước khi được ở trên tàu đến nao lòng.

 

Với lính cảnh sát biển, tàu là nhà, biển là quê hương, ngư dân là anh em ruột thịt
Với lính cảnh sát biển, tàu là nhà, biển là quê hương, ngư dân là anh em ruột thịt


Cảnh sát biển sống xa gia đình, xa quê hương không tránh khỏi những lúc gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng với các anh, nhiệm vụ và kỷ luật là trên hết. Đến bây giờ, mọi người tại đơn vị ắt hẳn vẫn truyền tai nhau về câu chuyện được ví như điển tích của Trung úy Nguyễn Đức Thanh quê ở Hải Phòng.

Trong đợt về phép năm 2010, chỉ sau 3 ngày bố Trung úy Thanh qua đời, anh phải rời quê đi làm nhiệm vụ mà không kịp làm tròn chữ hiếu. Nén nỗi đau còn nguyên vẹn trong tim và cơn bão lòng đang dằn xé, anh Thanh cùng các chiến sĩ khác đã vượt sóng cứu hộ thành công chiếc tàu hàng nặng 1.800 tấn trong suốt 56 ngày đêm trên biển. Tinh thần trách nhiệm cao của Trung úy Thanh luôn là tấm gương sáng cho những chiến sĩ trẻ mới chập chững bước vào đơn vị.

Mỗi lần cứu hộ thành công là mỗi lần các chiến sĩ, cán bộ được sống trong niềm hạnh phúc như gặp lại người thân sau bao ngày xa cách. Bỏ lại sau lưng những vất vả, nhọc nhằn, các chiến sĩ Vùng cảnh sát biển 2 luôn sống lạc quan yêu đời và gắn bó với đồng đội, với ngư dân và biển cả.

Tại đơn vị Vùng cảnh sát biển 2, có đến hơn 90% chiến sĩ, cán bộ phải sống xa nhà quanh năm. Có anh quê ở tận Quảng Ninh, Cao Bằng. Khi chúng tôi hỏi: Các anh có nhớ nhà không?. “Sao phải nhớ nhà, với lính cảnh sát biển, tàu là nhà, biển là quê hương, còn ngư dân chính là anh em ruột thịt!”- kèm theo câu trả lời là giọng cười giòn tan như xua đi bao mệt nhọc của các anh.


Thanh Phương
 

Kỳ 2: Bình yên nơi buông neo…
 

 


.