Những chiến sĩ vì bình yên cuộc sống ở các bản làng

02:01, 18/01/2012
.

(QNg)- Trong những ngày cuối năm âm lịch này, khi tiết trời se lạnh của miền núi, chúng tôi lại về huyện Tây Trà, nơi cán bộ, chiến sĩ (CBCS), Công an huyện ở đây vẫn đang miệt mài thay nhau trực 24/24 để bảo đảm bình yên cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng trong những ngày xuân cận kề.

TIN LIÊN QUAN


Mặc dù vào những ngày cuối năm rất bận rộn, nhưng Trung tá Hồ Văn Tuấn - Trưởng Công an huyện Tây Trà vẫn nồng ấm tiếp chúng tôi bên chén trà xanh. Anh cho biết: Tây Trà là huyện mới tái lập chưa được bao lâu, đang trong thời kỳ xây dựng nên cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; là một trong 62 huyện nghèo của cả nước.

Toàn huyện có đến 76% số hộ nghèo, 11,7% hộ cận nghèo. Thế nhưng trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện, kinh tế - xã hội ở Tây Trà tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế cơ bản đạt so với yêu cầu; giá trị sản xuất đạt 65.751 triệu đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân đầu người 3,74 triệu đồng/năm.

 Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tây Trà đến từng nhà để tuyên truyền pháp luật  cho đồng bào các dân tộc.                       Ảnh: T.VIỆT
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tây Trà đến từng nhà để tuyên truyền pháp luật cho đồng bào các dân tộc. Ảnh: T.VIỆT


Có được những kết quả này, phải kể đến công tác an ninh, trật tự luôn được ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm lao động sản xuất; trong đó có phần đóng góp không nhỏ của CBCS Công an huyện ngày đêm lặn lội ở từng bản làng, thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng hòa nhập nói tiếng dân tộc) với đồng bào các dân tộc thiểu số để vận động bà con cùng nhau đoàn kết, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tây Trà có 9 xã, 37 thôn, với 18 ngàn nhân khẩu, có 3 dân tộc là Cor, Cadong, Hrê sinh sống. Nhiều nơi như các xã Trà Quân, Trà Thanh, Trà Khê cách trung tâm huyện trên 30 cây số, đường sá đi lại khó khăn nhưng vẫn luôn có bước chân của CBCS Công an huyện. Ngày nắng ráo thì dễ nhưng vào mùa mưa xe máy không đi được thì các anh vẫn không nản chí, đi bộ cả ngày đường để đến được với đồng bào. Từ lãnh đạo đến CBCS đơn vị, ai cũng quyết tâm làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao, đảm bảo bình yên cho các bản làng, nhất là những dịp lễ, tết.

Về Tây Trà vào những ngày cuối năm âm lịch này, chúng tôi nghe kể nhiều về sự hy sinh thầm lặng của CBCS nơi đây - những người âm thầm vì bình yên cuộc sống ở các bản làng. Thiếu úy Hoàng Duy Sơn, cho biết: Những ngày đầu mới nhận công tác anh cảm thấy buồn, vì ở miền núi thời tiết rất khó chịu, vào mùa đông thì rét buốt còn mùa hạ thì nắng nóng. Hơn nữa, khi đi công tác ở cơ sở dài ngày về các xã xa như Trà Thanh, Trà Trung, Trà Nham thì chỉ có đi bộ, mà phải dầm mưa cả ngày đường mới đến nơi nên ai không quen là dễ bị ốm. Nhưng lâu dần rồi quen và cảm thấy gắn bó hơn với đồng bào dân tộc.

Đại úy Lữ Thanh Bình, tâm sự: Lúc đầu thấy có khó khăn thật nhưng anh em đồng đội chở che, động viên nhau vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi khi về cơ sở gặp bà con đồng bào các dân tộc, mình đâu chỉ làm công tác công an, mà cái quan trọng họ cần gì thì mình giúp đỡ cái đó, từ cắt lúa, đắp mương đến tỉa bắp... Chính tình cảm đó đã níu kéo chúng tôi ở lại nhiều hơn. Còn Thiếu úy Lê Tấn Diêu, quê ở xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) bộc bạch: Hai năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường đại học An ninh được phân công tác tại Công an huyện Tây Trà. Có lần vì công tác ở cơ sở, mưa lũ gây sạt lở núi tắc đường, nên khi mẹ anh nhập viện đến 4 ngày anh vẫn chưa về được để chăm sóc cho mẹ.

Trung tá Hồ Văn Tuấn - Trưởng Công an huyện cho biết thêm: Tây Trà là địa bàn giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, Kon Tum; Công an huyện  lực lượng còn mỏng, nhưng CBCS ở đây đã có nhiều sáng kiến trong công tác nghiệp vụ, bám sát địa bàn, bám dân để hoàn thành nhiệm vụ. Khẩu hiệu "4 cùng" với đồng bào các dân tộc thiểu số được cấp ủy và lãnh đạo đơn vị quán triệt đến tất cả CBCS thực hiện thường xuyên; được xác định là một trong những mặt công tác trọng tâm của Công an huyện. Chính điều này đã củng cố niềm tin của nhân dân với lực lượng Công an; giúp lực lượng Công an huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
.  
Cùng Trung tá Hồ Văn Tuấn, chúng tôi đến thăm già làng Hồ Văn Sơn, ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong. Bên ly rượu ngày giáp tết, già làng Sơn cho biết: Cán bộ Công an huyện rất được lòng dân, được bà con tin tưởng vì đã giúp  đồng bào các dân tộc rất nhiều việc; cán bộ Công an cũng rất hòa đồng, thường xuyên gần gũi với bà con, giúp bà con trong khó khăn, hoạn nạn, nhất là trong các mùa mưa bão; điều gì không hiểu đều được các anh giải thích cặn kẽ; kể cả thanh niên uống rượu quậy phá, vi phạm trật tự giao thông, cán bộ Công an cũng đến tận nhà nhắc nhở, vừa tuyên truyền giáo dục, vừa xử lý nghiêm khắc. Chính vì vậy, nhiều người đã hiểu ra, không còn vi phạm nữa.  

Những ngày cuối năm, chuẩn bị đón chào năm mới, trong khí trời se lạnh, trên khắp các bản làng Cor, Ca dong, Hrê… ở huyện Tây Trà, đồng bào các dân tộc ở đây vẫn rộn vang tiếng cồng chiêng trong gió đại ngàn; tiếng đàn Brook réo rắt báo hiệu vụ mùa tươi tốt, tiếng hát thánh thót của cô gái Cor "ánh nắng mới về trên quê ta, có nắng sớm về với buôn làng…" chợt nhận ra một mùa xuân yên bình, no ấm nữa đang về.


                     V.TRA - T.VIỆT
 


.