Gặp cựu binh 12 lần “cưỡi” tàu Không số

01:07, 26/07/2011
.

12 lần nhận nhiệm vụ vượt biển trên những chuyến tàu không số là 12 lần ông và các đồng đội được đơn vị truy điệu sống. Giờ đây, đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng ký ức của những tháng ngày cùng đồng đội chống chọi với đạn bom kẻ thù và sóng gió đại dương, đưa những chuyến tàu chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam với ông vẫn như mới hôm qua.

Ông là Lê Hà, Chính trị viên của chuyến tàu trinh sát đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển, một nhân chứng sống của những cuộc hành trình không hẹn ngày về của các chiến sĩ Đoàn tàu không số ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ký ức chuyến vượt biển đầu tiên

Cựu chiến binh Lê Hà hôm nay.
Cựu chiến binh Lê Hà hôm nay.
Trong căn nhà cấp bốn nhỏ nhắn nhưng ấm cúng ở xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, người cựu binh của các chuyến tàu không số nhẹ nhàng lật giở chồng tài liệu cho chúng tôi xem những hình ảnh, kỷ vật của một thời mà theo ông, mỗi lần bước chân xuống tàu là không hẹn ngày về. Những hình ảnh, hiện vật run run trên đôi tay gân guốc đã chai sạn vì bom đạn, mưa nắng của ông.
 
Ông bảo, dạo này sức khỏe yếu, một phần do tuổi tác, nhưng cái chính là do di chứng của những trận đòn tra tấn tàn khốc của địch năm 1972, khi ông và đồng đội bị địch bắt. Mỗi lần trái gió trở trời, những vết thương năm nào trên cơ thể lại “trở chứng” hành hạ ông. “Có phải đó là kỷ niệm sâu sắc của ông trong những năm tháng đưa những chuyến tàu vượt đường Hồ Chí Minh trên biển?” - Chúng tôi hỏi.

Ông cười, chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh chụp 6 thanh niên với gương mặt rạng rỡ rồi nói, giọng chậm rãi:

 - Đó chỉ là một trong những lần tụi tui đối mặt với cái chết trong đường tơ kẽ tóc. Thoát chết nhưng lại bị địch bắt, con tàu buộc phải cho nổ tung để xóa dấu vết. Còn kỷ niệm sâu sắc nhất của tui là chuyến tàu vượt biển ra Bắc từ bến Lộc An vào tháng 2-1962. Sáu người trong bức ảnh này là những chiến sĩ trên chuyến tàu ấy.

Sáu chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt này gồm: Nguyễn Sơn (Thuyền trưởng), Lê Hà (Chính trị viên), Thôi Văn Nam (thợ máy), cùng các thủy thủ: Võ An Ninh, Nguyễn Văn Thanh, Trần Văn Phủ. Trước ngày lên đường, họ được đơn vị bí mật bồi dưỡng nghiệp vụ, học chính trị và tiếng Hoa. Đó là chuyến vượt biển làm nhiệm vụ trinh sát mở đường Hồ Chí Minh trên biển giữa mùa gió chướng. Hồi đó, Lê Hà cùng ba má của mình đều tham gia công tác ở Đơn vị 555 (tiền thân của Đoàn 1500) do đồng chí Dương Quang Đông trực tiếp chỉ đạo.

“Ngày ấy, đơn vị cần người thông thạo đường biển và chịu được khó khăn, gian khổ để đảm nhiệm trọng trách này. Tui xung phong đi vì tui là ngư dân, có kinh nghiệm đi biển. Với lại ngày ngày nhìn mấy thằng ngụy ngông nghênh, ức hiếp bà con dân lành mà mình không làm gì được tụi nó, tui nuốt cục tức hổng nổi” - Ông Lê Hà kể.

Trong hoàn cảnh khó khăn, để có phương tiện cho chuyến đi lịch sử này, người mẹ của Chính trị viên Lê Hà đã vét đến những đồng tiền cuối cùng của gia đình để mua một chiếc ghe đánh cá cũ. Ghe bằng gỗ, không mui, được anh em sửa sang, nâng cấp thành một con tàu nhỏ để đủ sức vượt sóng gió đại dương. Nhằm giúp các chiến sĩ giả dạng ngư dân để che mắt địch, người của đơn vị đã liên hệ làm được 6 tấm căn cước giả, 6 bộ áo nâu, 12 cheo lưới và chuẩn bị gạo, cá khô, than, xăng, dầu... cho chuyến đi.

Giữa tháng 2-1962, hòa vào đoàn ghe tấp nập của ngư dân, con tàu được đồng chí Dương Quang Đông đặt tên là tàu Thống Nhất, đưa Lê Hà và đồng đội lặng lẽ rời bến Lộc An. Con tàu rẽ sóng ra khơi, vượt biển ra Bắc.

Vừa khởi hành được 4 ngày thì gặp bão. Con tàu 8 mã lực không chống chọi nổi với sóng dữ. Lương thực, nước ngọt bị đánh văng xuống biển. Anh em lâm vào cảnh đói khát. Các chiến sĩ phải uống cả nước tiểu để cầm cự. Họ còn lấy nước biển nấu lên, đậy nắp hứng lấy hơi nước để liếm từng giọt với hy vọng hơi nước biển bốc lên sẽ đỡ mặn hơn. Vậy nhưng liếm mãi không hết. Người này nhường người kia. Khi đến vùng biển Cam Ranh, thuộc vùng kiểm soát của địch, anh em bị bọn lính Thủy quân lục chiến bắt giữ. Dù không tìm thấy chứng cứ gì khả nghi nhưng các thành viên trong đoàn cũng bị địch giam giữ gần một tháng mới được thả.
 
Anh em tiếp tục cuộc hành trình trong khó khăn, thiếu thốn chồng chất. Có những lúc xăng dầu cạn, họ phải lấy những tấm chăn, áo quần khâu lại làm cánh buồm nương theo chiều gió. Thiếu lương thực, nước ngọt nên các thành viên trong đoàn dù đang độ mười chín, đôi mươi nhưng đều xanh xao, gầy gò. “Có đồng chí chưa quen đi biển, bị say sóng, người rũ như tàu lá chuối. Đồng đội thương nhau rớt nước mắt” - Ông Hà nhớ lại.

Sau gần 3 tháng vật lộn với sóng gió, tháng 5-1962, đoàn bị lạc vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Với vốn tiếng Hoa khá hơn anh em, ông Hà hỏi thăm các ngư dân bản địa để tìm đường về Hà Nội. Rất may, đoàn gặp được các đồng chí của mình và trở về Hà Nội an toàn. Ngay sau đó, tất cả được biên chế vào Đoàn vận tải 759 rồi tìm đường trở vào Nam chuẩn bị cho những chuyến tàu vượt biển theo hải trình đã được trinh sát. Hơn một năm xa quê hương, tháng 10-1963, ông và đồng đội trở về trong niềm hân hoan của đồng đội. Sau đó, những chuyến tàu chở vũ khí từ Bắc vào Nam đã lần lượt cập bến Lộc An.

Khoảng lặng của những chiến công

 Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, gia đình ông là cơ sở cách mạng ở vùng Hồ Tràm, Lộc An. Ba ông, đồng chí Lê Văn Riều, tham gia cách mạng từ những ngày đầu có Đảng. Mẹ ông, bà Mười Riều là người có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng. Chính bà đã hiến toàn bộ gia tài dành dụm được, trị giá hơn 10 cây vàng để đơn vị mua sắm tàu vượt biển và bảo đảm lương thực nuôi quân kháng chiến.
 
Truyền thống gia đình đã hun đúc, tiếp lửa nhiệt huyết cho chàng trai tuổi đôi mươi ngày ấy. Sau chuyến trinh sát mở đường thành công, ông tiếp tục cùng đồng đội thực hiện các chuyến vượt biển vận chuyển vũ khí khác trong nhiều năm liên tiếp, tổng cộng là 12 lần.  Ông bảo: “Xác định làm cách mạng là phải hy sinh nên ra đi tui không tiếc gì. Ba má tui đã hiến cả gia tài và cuộc đời của mình cho cách mạng thì tui cũng vậy”.

6 chiến sĩ trên chuyến tàu vượt biển làm nhiệm vụ trinh sát mở đường tháng 2-1962 (Lê Hà đứng giữa, hàng sau). Ảnh chụp lại
6 chiến sĩ trên chuyến tàu vượt biển làm nhiệm vụ trinh sát mở đường tháng 2-1962 (Lê Hà đứng giữa, hàng sau). Ảnh chụp lại

“Những lúc đối mặt với hiểm nguy trên biển và lúc rơi vào tay địch, có lúc nào ông và đồng đội cảm thấy sợ hãi không?” - Tôi hỏi.

Ông cười, dấu vết thời gian xô đẩy trên gương mặt sạm nắng:

 - Sợ chứ! Nhưng đó không phải là sợ đau, sợ chết mà sợ không hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao. Dù hiểm nguy, khó khăn, thiếu thốn cỡ nào tụi tui cũng chịu được, chỉ mong sao đưa được những chuyến tàu về bến an toàn, đem vũ khí vào Nam đánh Mỹ.

Đối với ông, con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại đã thấm máu của biết bao đồng đội. Họ ngã xuống khi trong tim vẫn mong một ngày được nhìn thấy quê hương thanh bình. Nhìn về phía biển, ông ngậm ngùi:

 - Tui không nghĩ là mình lại được trở về và sống đến ngày hôm nay, bởi hồi đó, mỗi lần vượt biển làm nhiệm vụ là một lần được đơn vị tổ chức truy điệu sống. Ai cũng xác định sẽ phải hy sinh nhưng không hề nao núng.

Trong ký ức của ông, lần phá tàu để xóa dấu vết khi bị địch phát hiện năm 1972 mãi mãi là một kỷ niệm không bao giờ quên. Ông nhớ lại:

- Tháng 4 năm đó, con tàu do tui làm Thuyền trưởng chuyển vũ khí gần đến bến Cà Mau thì bị địch phát hiện. Anh em đã cho tàu chạy thẳng ra hướng vịnh Thái Lan để tránh truy đuổi nhưng không có kết quả. Trên tàu lúc đó có 23 đồng chí. Địch nã đạn vào tàu làm 5 chiến sĩ hy sinh. Trước lúc bị địch bắt, tụi tui quyết định sử dụng thuốc nổ phá hủy con tàu để xóa dấu vết, nhất quyết không để tàu rơi vào tay địch. Lúc đó Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu yêu cầu mọi người rời tàu. Ảnh là bậc đàn anh của tụi tui, ảnh dùng mệnh lệnh buộc anh em phải rời tàu. Tui đâu biết ảnh ở lại để trực tiếp phá hủy tàu nhằm tránh trường hợp mìn không nổ. Quyết định đó đột ngột quá. Đến khi tàu nổ, tụi tui mới biết rằng, ảnh đã hy sinh. Lúc ấy, tui đã khóc…

Ông ngừng kể, lặng im như một phút mặc niệm dành cho người đồng đội năm xưa đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. Chuyến đi ấy, 6 người hy sinh. Ông và 15 người còn lại bị địch bắt. Ở nhà tù Biên Hòa, ông và các chiến sĩ kiên quyết không khai một lời dù bị địch tra tấn hết sức dã man. Rồi ông bị chuyển sang nhà tù Phú Quốc. Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, địch trả tự do cho ông sau gần một năm tù đày.

  Trở về sau những chiến công, giờ đây người lính già ấy vẫn ngày ngày vui vầy bên con cháu, phụng dưỡng mẹ già. “Niềm vui của tui bây giờ là nhìn con cháu chí thú làm ăn, học hành tài giỏi và quan trọng là tụi nó không quên rằng, ông cha nó đã đánh đổi biết bao xương máu để có được cuộc sống hôm nay”.

Sáu chiến sĩ trên chuyến tàu vượt biển lần đầu tiên ngày ấy không ai hy sinh, nhưng theo thời gian, ba người đã qua đời. Bây giờ chỉ còn lại ông, đồng chí Nguyễn Sơn và đồng chí Thôi Văn Nam (hiện đang bị tai biến não). Tình đồng chí đồng đội vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Thuyền trưởng Nguyễn Sơn và Chính trị viên Lê Hà vẫn thường xuyên qua lại động viên, tiếp sức cho đồng chí của mình vượt qua sự đày đọa của bệnh tật.
 
Thỉnh thoảng, ông lại cùng đồng đội ra bến Lộc An hàn huyên, ôn lại một thời máu lửa, và cũng là để tưởng nhớ đến đồng đội đã hy sinh vì sự thanh bình, phồn vinh hôm nay.
 
Theo QĐND cuối tuần

.